Khi dừa giảm giá 75%
Tháng 10-2011 giá dừa ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh được thương lái vào tận vườn mua tới 120.000 đồng/chục (12 trái). Thế nhưng từ đó đến nay giá dừa liên tục giảm mạnh.
Hiện chỉ còn hơn 30.000 đồng/chục nhưng không có người mua.
Dừa treo đầy cây, dừa rụng lên mọng xuất hiện khắp nơi khiến hàng ngàn hộ trồng dừa khốn đốn.
Nông dân, thương lái đều khóc
Chúng tôi vào vườn dừa 20 năm tuổi của ông Thái Văn Thanh ở ấp Bình Lợi, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) một chiều cuối tháng 2. Hai bên lối đi có nhiều trái dừa khô rụng từ bao giờ nằm lăn lóc. Một vài trái đã mọc mầm vì rụng quá lâu trong môi trường ẩm thấp. Ông Thanh đưa chúng tôi đi nhưng chẳng nói gì, đôi lúc lại nghe ông thở dài chán nản.
Ông Thanh trồng tới 4ha dừa. Trung bình ông thu hoạch gần 5.000 trái/tháng. Từ tháng 10-2011 trở về trước ông thu lợi tới 30 triệu đồng/tháng từ vườn dừa. Còn bây giờ ông đang “ôm” cả chục ngàn trái dừa vì giá quá rẻ, chưa bán. Theo ông Thanh, nếu bán hết số dừa này chỉ đủ tiền phân bón, công chăm sóc, thu gom dừa chứ không lời được đồng nào.
"Căng quá, giá dừa thấp thế này làm sao nông dân trồng dừa sống nổi. Hộ nghèo năm sau sẽ tăng vù vù cho mà xem".
Ông Nguyễn Văn Hiếu (chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre) |
Ông Nguyễn Văn Đèo, trưởng ấp Bình Lợi, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, nói đa số nông dân trong ấp đều thuộc diện nghèo, mỗi hộ có 2-3 công đất, trồng được vài chục cây dừa. Nay mỗi tháng chỉ bán được vài ba trăm ngàn đồng tiền dừa, không đủ cho sinh hoạt gia đình huống chi nuôi con ăn học.
Gia đình chị Tô Thị Kim Thủy ở ấp 4, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm có sáu công đất trồng dừa, nhưng do giá quá thấp nên mỗi tháng chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng. Để có tiền lo cho hai con đi học, chồng chị Thủy phải làm thợ hồ hai ba tháng nay. Gia đình chị Duyên ở xã Thạnh Phú Đông cũng đang “ngồi trên lửa” vì giá dừa rẻ, không bán được trong khi ba đứa con đang học đại học cứ gọi điện về xin tiền...
Hầu như tất cả những người trồng dừa ở Bến Tre, Tiền Giang chúng tôi gặp đều có cùng tâm trạng chán nản khi nói tới giá dừa hiện nay. Tuần qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, xuống các địa phương gặp nông dân tìm hiểu tình hình tiêu thụ dừa. Lúc trở về gặp chúng tôi, ông thở dài: “Căng quá, giá dừa thấp thế này làm sao nông dân trồng dừa sống nổi. Hộ nghèo năm sau sẽ tăng vù vù cho mà xem”.
Theo ông Trương Duy Hải, bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, cả huyện có hơn 2/3 đất tự nhiên trồng dừa nên ở đây nông dân sống nhờ dừa, học sinh đến trường cũng nhờ dừa. Nay giá dừa không đủ mua phân bón nên nhiều người đã đòi đốn bỏ cây dừa.
Ông Huỳnh Văn Chung, một thương lái mua dừa ở xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, kể tháng trước ông mua dừa giá 60.000 đồng/chục nhưng đến nay bán không được, bị lỗ hàng chục triệu đồng. “Điện thoại của tôi reo suốt cả ngày. Ai cũng hỏi giá dừa có tăng lại chưa. Tôi cũng đứng ngồi không yên chứ nói gì nông dân” - ông Chung nói.
Ông Nguyễn Văn Bé Bảy ở P.7, TP Bến Tre là một trong những thương lái mua dừa lớn ở Bến Tre nên nay ông là người bị thua lỗ nhiều nhất vì “ôm” quá nhiều dừa. Bốn tháng qua ông bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Trong kho nhà ông hiện tồn đọng hàng trăm ngàn trái dừa không biết khi nào bán được. Trong khi đó trên sông Hàm Luông chỉ còn 3-4 chiếc tàu của thương lái Trung Quốc neo đậu mua dừa. Họ mua dừa loại 1 (1,2kg/trái) nên chỉ khoảng 10% dừa do thương lái người Việt chở ra bán được.
Doanh nghiệp kiến nghị mua tạm trữ dừa
Ông Hồ Vĩnh Sang, chủ tịch Hiệp hội Dừa Bên Tre, cho rằng giá dừa rớt thảm hại là cú sốc quá lớn đối với người trồng dừa. Tình trạng này kéo dài nhiều tháng qua đã khiến không ít người bỏ bê, không quan tâm chăm sóc vườn dừa nữa. Thậm chí không ít người đòi đốn bỏ dừa để trồng cây khác.
“Chúng ta đã uống hết 500 dừa”
Chiều thứ bảy (25-2) tôi về quê ở ấp 2, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thăm cha mẹ già. Trong buổi cơm gia đình vui vẻ, cậu em trai tôi mang ra chai rượu ngoại do một đứa em họ làm việc ở TP.HCM tặng hôm tết mời mấy ông anh rể uống và nói chai rượu này giá khoảng 1,5 triệu đồng. Nghe vậy, ông anh rể của tôi là nông dân trồng dừa buột miệng: “Uống hết chai rượu này là chúng ta đã uống hết 500 dừa (600 trái)”. Sau câu nói đùa có ý so sánh này, nhìn đống dừa cao ngất ngưởng mẹ chất sau nhà chưa bán, miệng tôi đắng ngắt dù mẹ nấu toàn những món ngon tôi thích.
N.H. |
Ông Sang kiến nghị: “Nhà nước cần đầu tư trực tiếp và ưu tiên về vốn (không tính lãi), kỹ thuật, giống cho nông dân ít đất trồng dừa bởi họ dễ bị tổn hại, khánh kiệt khi giá dừa bất lợi. Việc đầu tư này phải được thực hiện lâu dài, nếu không người dân sẽ hoang mang, triệt hạ vườn dừa”. Theo ông Sang, chuyện dân ồ ạt đốn dừa từng xảy ra đầu những năm 2000 cũng vì giá quá rẻ. Sau đó cây dừa phục hưng, tỉnh đã đầu tư rất nhiều tiền và mất rất nhiều thời gian để khôi phục diện tích vườn dừa.
Theo Sở Công thương Bến Tre, do nhiều nước giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm làm từ dừa nên đã kéo theo giá dừa trái giảm nhanh. Các nước trồng dừa trên thế giới đều bị tình trạng này chứ không riêng VN. Ngoài ra, việc có nhiều khâu trung gian thu gom, bán dừa cho thương lái Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp cũng làm giá dừa tại vườn thấp.
UBND tỉnh Bến Tre vừa có cuộc họp khẩn với các ngành và doanh nghiệp chế biến dừa tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiếu đã kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa cùng chia sẻ khó khăn với người trồng dừa bằng cách tăng giá mua dừa nguyên liệu. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp cần tổ chức mua dừa trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian, từng bước triển khai ký hợp đồng bao tiêu dừa cho nông dân. Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi giá dừa để tránh tình trạng thương lái nước ngoài ép giá nông dân.
Ông Hiếu cũng cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài chính điều tiết cho Bến Tre khoản tiền thuế xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đã nộp (khoảng 10 tỉ đồng) để tạo quỹ bình ổn giá và đầu tư cho phát triển cây dừa.
Chiều 27-2, tỉnh Bến Tre tiếp tục họp bàn giải pháp cứu nông dân trồng dừa. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa thống nhất áp dụng ngay biện pháp mua dừa không dưới 7.000 đồng/kg, tức hơn 40.000 đồng/chục. Khi giá thị trường tăng các doanh nghiệp sẽ tăng giá mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn kiến nghị mua tạm trữ dừa giống như lúa gạo để giúp nông dân vượt qua khó khăn lúc này.
Q.Vinh - Hiền Trần
tuổi trẻ
|