Thứ Hai, 12/03/2012 14:07

"Hậu" tăng giá xăng dầu: Bài học quá khứ

Khi nhiều chuyên gia dường như đều gạt bỏ ám ảnh lạm phát cao khỏi sự nhìn nhận của mình về bức tranh kinh tế vĩ mô 2012, thì với việc giá xăng dầu tăng mạnh, mục tiêu có kiềm chế lạm phát cả năm dưới 2 con số hay không, lại được đặt ra và đang bị thử thách một cách nghiêm trọng.

Trước tiên phải khẳng định việc đưa giá cả các mặt hàng, trong đó có xăng dầu theo hướng thị trường là việc làm cần thiết nhằm đưa giá cả phản ánh đúng hơn với tình hình thực tế thị trường, cũng như sau khi Nhà nước cho phép sử dụng tối đa Quỹ bình ổn giá xăng dầu và đã lùi thuế nhập khẩu mặt hàng này về 0%.

Nếu giá xăng dầu không được điều chỉnh cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này ra thị trường. Xét về thời điểm tăng giá xăng dầu, với việc vài tháng trở lại đây, khi lạm phát đã được kiềm chế tăng ở mức thấp thì tháng 3 là thời điểm lý tưởng để thực hiện việc điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường.

Tuy nhiên, cũng như những lần tăng giá xăng dầu trước đây, đặc biệt là những lần giá xăng dầu được điều chỉnh mạnh, câu hỏi đặt ra vẫn là: tại sao lại tăng giá vào thời điểm đang tập trung các biện pháp kiềm chế giá cả? Lịch sử những lần điều chỉnh giá xăng dầu mạnh vài năm gần đây cho thấy lạm phát cả năm đều rất cao, trái ngược ý chí của cơ quan điều hành.

Tại thời điểm tháng 7-2008, khi giá xăng tăng 4.500 đồng/lít (tăng 30%) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2008 đã tăng 1,56% (cao hơn mức tăng 1,13% của tháng 7-2008); trong đó nhóm phương tiện đi lại, bưu điện chịu tác động trực tiếp nên tăng mạnh ở mức 9,07% (tháng 7 tăng 0,55%), “góp phần” đưa lạm phát cả năm 2008 lên gần 23%. Hoặc việc giá xăng tăng 2.900 đồng/lít (24-2-2011) đã tác động đến CPI tháng 3 với mức tăng 2,17% so với tháng trước.

Đặc biệt, với việc giá xăng dầu tăng thêm 2.000-2.800 đồng/lít vào ngày 29-3-2011, CPI tháng 4-2011 đã tăng 3,32% so với tháng trước - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3-2008.

Những số liệu trên cho thấy giá xăng dầu luôn có tác động mạnh lên lạm phát mỗi khi được điều chỉnh mạnh. Theo Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng vừa rồi sẽ làm CPI cả năm tăng thêm 0,85%, trong trường hợp giữ giá đến hết năm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm những lần điều chỉnh qua cho thấy khó có thể có mức tác động lý tưởng này.

Ngoài những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, sự tác động gián tiếp cũng không hề nhỏ và hiệu ứng này mới thực sự đáng lo ngại. Bởi thực tế CPI tháng 2 tăng 1,37% vẫn là mức cao, 2 tháng là 2,38% và như vậy dư địa cho 10 tháng tới không còn nhiều cho mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số. Các đại diện hiệp hội vận tải, thép, da giày, siêu thị… đã lên tiếng cho biết việc tăng giá hàng hóa là khó tránh khỏi trong thời gian tới.

Như vậy, cùng với biến động của giá gas, lộ trình theo giá thị trường với điện, than đang được thực hiện, càng cho thấy việc kiềm chế lạm phát cả năm nay dưới 2 con số là áp lực rất lớn. Điều đáng lo ngại nữa, nếu lạm phát cao quay lại sẽ chồng thêm khó khăn cho doanh nghiệp, bởi khi đó việc giảm lãi suất sẽ càng khó khăn hơn.

Và nếu điều này xảy ra, sản xuất, kinh doanh càng lún sâu vào khó khăn (2 tháng đầu năm ở Hà Nội và TPHCM có khoảng 500 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản), nguồn cung bị hụt sẽ lại tiếp tục đẩy giá lên. Một vòng xoáy về giá cả lại diễn ra càng khiến bức tranh kinh tế 2012 khó đoán định.

Để kiểm soát giá “hậu” tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết sẽ có các giải pháp kiểm tra, kiểm soát không để lợi dụng tăng giá các dịch vụ. Chẳng hạn, trong giá cước vận tải có 40% là chi phí xăng dầu, nếu bình quân xăng dầu tăng 7,3% thì giá cước chỉ được phép tăng 3%.

Nếu lợi dụng tăng đến 7%, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm để tránh gây tác động lan tỏa bất lợi tới mục tiêu kiềm chế lạm phát. Về lộ trình điều chỉnh giá thị trường các mặt hàng khác, cơ quan quản lý sẽ có các mức độ điều chỉnh phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm thiểu bất lợi cho người dân.

Bộ này cũng cho biết sẽ chỉ đạo sở tài chính các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, trong đó có mặt hàng xăng dầu, cơ quan này cũng sẽ có chỉ thị về vấn đề này nhằm khắc phục tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu.

Vấn đề đặt ra, việc tăng giá xăng vừa qua cơ quan quản lý có rút được kinh nghiệm sâu sắc từ những lần điều chỉnh trước đây? Bài học quá khứ vẫn còn nóng hổi: “dồn toa” để tăng giá mạnh một lần không thể lúc nào cũng áp dụng, mà nên linh hoạt để tăng giá rải rác các thời điểm, như những lần xăng được phép tăng 500 đồng/lít trước đây, đã cho thấy mức độ ảnh hưởng lên giá cả không nhiều.

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp bán lẻ: Loay hoay gỡ nút thắt (12/03/2012)

>   Kinh doanh vận tải nhìn nhau... níu cước (12/03/2012)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Cần quyết sách mạnh tay hơn (12/03/2012)

>   Bắt buộc 1.180 doanh nghiệp kiểm toán năng lượng (12/03/2012)

>   Giá xăng bắt đầu ngấm... (12/03/2012)

>   Xuất khẩu thủy sản tiếp tục là chủ lực trong kinh tế (11/03/2012)

>   Thuế nhập khẩu giảm, giá hàng hóa vẫn tăng (11/03/2012)

>   Mổ xẻ chuyện 50.000 doanh nghiệp thua lỗ, phá sản (11/03/2012)

>   Thuế giảm, giá vẫn tăng (11/03/2012)

>   Doanh nghiệp thép trong bước đường cùng (11/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật