Thứ Hai, 12/03/2012 13:23

Doanh nghiệp bán lẻ: Loay hoay gỡ nút thắt

Việc các tập đoàn phân phối, bán lẻ quốc tế chưa ồ ạt vào Việt Nam như dự báo những tưởng sẽ là cơ hội cho các DN bán lẻ trong nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để có sự phát triển đột phá cho DN nội.

Giải bài toán mặt bằng

Cuối tháng 2 vừa qua thêm 1 siêu thị trong hệ thống của Fivimart tại TPHCM phải đóng cửa. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam, cho biết việc đóng cửa siêu thị này cũng như 2 siêu thị trước đó do hợp đồng thuê mặt bằng đã hết hạn, không có chuyện công ty phá sản. Nhất Nam hiện đang có 13 siêu thị tại Hà Nội và 1 siêu thị ở Bình Dương.

Theo dự kiến trong năm 2012, công ty sẽ mở thêm 3 siêu thị ở Hà Nội và TPHCM. Chưa biết việc mở thêm siêu thị có thực hiện được không nhưng việc phải đóng cửa do không thuê được mặt bằng của Fivimart không còn là chuyện riêng của Nhất Nam. Khá nhiều DN bán lẻ trong nước cũng đang đau đầu với bài toán mặt bằng trong cuộc đua mở rộng hệ thống.

Ngay cả Công ty VDA (liên doanh của Phú Thái, Hapro, Saigon Co.op, Satra) cũng gặp khó trong việc tiếp cận đất đai. Đó là lý do dù được hậu thuẫn bởi 4 “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam nhưng đến nay VDA vẫn chưa làm được gì đáng kể cho ngành bán lẻ nội.

Một thực tế đang làm nhiều DN tư nhân đau đầu là phải thuê mặt bằng với giá thị trường, thậm chí thuê của DN khác nên hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Đại diện một DN cho hay kế hoạch mở thêm siêu thị đôi khi để phòng bị siêu thị khác bị đòi lại mặt bằng hoặc chủ cho thuê yêu cầu tăng giá.

Trước khó khăn này của DN, Bộ Công Thương cùng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang sửa đổi Nghị định 108 nhằm tìm cơ chế để hệ thống bán lẻ dễ tiếp cận với cơ sở hạ tầng đất đai, đồng thời để đưa hạ tầng thương mại vào danh mục ưu đãi đầu tư. DN sẽ có cơ hội tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, giá thuê đất ban đầu… để các hệ thống phân phối bán lẻ có thể phát triển tốt.

Với kỳ vọng thị trường bán lẻ nội địa đạt 100 tỷ USD trong năm 2012, hy vọng Bộ Công Thương sẽ nhanh chóng giải bài toán khó này cho các DN nội. Tuy nhiên, ngoài vấn đề khó khăn về mặt bằng vẫn còn nhiều yếu tố khác DN nội phải cân nhắc, tự tháo gỡ để phát triển nhanh, mạnh.

Thách thức sức mua

Trong năm 2011, thị trường bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng thấp và điều này vẫn tiếp tục được dự báo cho năm nay. Lý do đầu tiên được hầu hết siêu thị đưa ra là kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu nên mua sắm cũng hạn chế hơn, đặc biệt việc mua sắm tại các kênh bán hàng hiện đại.

Theo một nghiên cứu hồi đầu năm của FTA, năm 2012, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm việc mua sắm ở các kênh hiện đại và chuyển sang chợ - kênh bán hàng có giá thấp hơn.

Điều này thoạt nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế đã chứng minh không ít sản phẩm bình ổn trong siêu thị có giá cao hơn ngoài thị trường. Song đó chưa phải là lý do chính khiến nhiều siêu thị của các DN bán lẻ rơi vào cảnh chợ chiều đìu hiu.

Nếu có dịp đi qua khu vực đường Cống Quỳnh (quận 1, TPHCM) sẽ thấy 2 siêu thị rất gần nhau là siêu thị Hà Nội và siêu thị Co.opMart. Nhưng tại 2 nơi lại có 2 cảnh tượng hoàn toàn khác nhau. Trong khi siêu thị Hà Nội khá vắng khách, hàng hóa cũng thưa thớt thì siêu thị Co.opMart lại tấp nập người ra, người vào.

Có thể nói, siêu thị vắng khách đâu chỉ tại người tiêu dùng. Vậy, lý do vì sao? Một trong những nguyên nhân được nhắc tới là chất lượng hàng hóa tại một số siêu thị chưa được coi trọng. Trước thực trạng thực phẩm thiếu an toàn, người tiêu dùng đặt niềm tin vào các siêu thị.

Nhưng hồi cuối năm ngoái, khi Tết Nguyên đán đang gần kề, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều lô hàng thực phẩm hết hạn vẫn được bày bán trên thị trường. Điều quan trọng là số thực phẩm này cũng được tuồn vào một số siêu thị lớn tại Hà Nội. Thực tế này khiến niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, DN bán lẻ trong nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế như năng lực tài chính, chiến lược dài hạn, tính chuyên nghiệp và hậu cần (logistics). Với năng lực tài chính mạnh, các DN nước ngoài có thể đàm phán với nhà cung cấp về giá, mức chiết khấu để đưa ra mức giá bán tới tay người tiêu dùng thấp hơn.

Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ nhanh chóng đến với họ, dẫn đến doanh số bán hàng của DN nội bị sụt giảm. Tất cả những yếu tố này khiến số DN bán lẻ trong nước có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, có sức mua cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây thực sự là một thách thức mà ngay cả người trong cuộc cũng đang loay hoay hóa giải, vượt qua.

Thanh Lâm

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Kinh doanh vận tải nhìn nhau... níu cước (12/03/2012)

>   Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Cần quyết sách mạnh tay hơn (12/03/2012)

>   Bắt buộc 1.180 doanh nghiệp kiểm toán năng lượng (12/03/2012)

>   Giá xăng bắt đầu ngấm... (12/03/2012)

>   Xuất khẩu thủy sản tiếp tục là chủ lực trong kinh tế (11/03/2012)

>   Thuế nhập khẩu giảm, giá hàng hóa vẫn tăng (11/03/2012)

>   Mổ xẻ chuyện 50.000 doanh nghiệp thua lỗ, phá sản (11/03/2012)

>   Thuế giảm, giá vẫn tăng (11/03/2012)

>   Doanh nghiệp thép trong bước đường cùng (11/03/2012)

>   Sau xăng dầu đến lượt cước vận tải tăng (09/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật