Thứ Tư, 28/03/2012 22:53

Giảm giá gas cho đại lý nhằm đẩy hàng tồn kho

Các công ty kinh doanh gas trong nước dự báo giá gas tháng 4 có thể giảm gần 50.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều công ty đã bán theo giá tháng 4 cho đại lý để đẩy hàng vì tồn kho lớn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 28-3, đại diện các doanh nghiệp gas đầu mối cho biết, ngày 27-3, giá gas hợp đồng (CP) trên thị trường thế giới ở mức 1.020 đô la Mỹ/tấn, giảm 185 đô la Mỹ/tấn so với giá công bố hồi đầu tháng. Nếu giá này duy trì đến ngày 31-3, khi giá CP được Công ty dầu khí Saudi Arabia (Aramco) chốt thì giá gas tháng 4 trong nước có thể giảm khoảng 50.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá bán lẻ đến người tiêu dùng sẽ về xung quanh mức 400.000 đồng/bình.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp gas đầu mối còn tồn một lượng lớn hàng do sức tiêu thụ sụt giảm mạnh trong tháng 3 khi giá gas tăng cao. Tiêu thụ giảm sút ở cả các kênh bán sỉ lẫn bán lẻ, đặc biệt là bán sỉ khi các tổng đại lý, đại lý không dám “ôm hàng” vì nhìn thấy xu hướng giảm giá của tháng 4.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối lại không thể ngừng lấy hàng vì khối lượng lấy từng tháng từ Tổng công ty Khí đã được cố định trong hợp đồng. Nếu không lấy hết sẽ bị phạt hợp đồng, trị giá 8% của số lượng còn lại. Vì vậy, để đẩy hàng, giảm tồn kho, nhiều đơn vị đã áp dụng nhiều chính sách giảm giá mạnh cho tổng đại lý, đại lý.

Cụ thể, một loạt thương hiệu lớn từ mấy ngày qua đã chấp nhận “bao giá” cho đại lý, tức bán cho đại lý với giá tạm tính tháng 4 (theo hướng giảm vài chục ngàn đồng/bình) nhằm mục đích khuyến khích đại lý lấy hàng. Đây là khoản ngoài phần chiết khấu đã thỏa thuận theo hợp đồng. Sang tháng 4, nếu giá CP giảm hơn mức tạm tính thì các công ty sẽ căn cứ theo số lượng hàng hóa thực lấy của đại lý trong thời gian áp dụng chương trình bù thêm phần còn thiếu. Nếu gas đột ngột quay đầu tăng giá (khả năng rất khó xảy ra) thì các công ty đầu mối tự chịu.

Theo đại diện một doanh nghiệp gas đầu mối, đây là yêu sách đã được các đại lý đòi hỏi từ nhiều năm qua và thường được áp dụng khi thị trường ế ẩm. “Các công ty muốn duy trì doanh số bán hàng, đẩy hàng, giảm tồn kho cũng như giảm công vận chuyển nên chấp nhận điều này”, vị này nói.

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng, hàng loạt thương hiệu đã thực hiện giảm giá bán lẻ, gọi là “hỗ trợ người tiêu dùng”. Tuy nhiên, mức giảm chỉ là 10.000 đồng/bình 12kg.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1- 2012, các doanh nghiệp đã nhập 72.421 tấn khí hóa lỏng, trị giá trên 66,7 triệu đô la Mỹ. So với tháng 12-2011, khối lượng tăng 109,1%, trị giá tăng 140,3%.

Sang tháng 2, khối lượng khí nhập khẩu là 19.318 tấn, trị giá trên 20,8 triệu đô la Mỹ. So với tháng trước, khối lượng giảm 73,3%, trị giá giảm 68,8%.

Cộng dồn tới hết tháng 2, Việt Nam đã nhập 91.739 tấn khí hóa lỏng, trị giá gần 88 triệu đô la Mỹ.

Minh Tâm

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Anh, Pháp và Mỹ tính mở kho dự trữ chiến lược để hạ giá dầu (28/03/2012)

>   Năm 2012: Tốn 2.000 tỉ đô la để nhập dầu (28/03/2012)

>   Dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp, giá khí xuống đáy mới (28/03/2012)

>   Giá dầu nhích nhẹ, giá khí lại xuống đáy 10 năm (27/03/2012)

>   Nhiều câu hỏi về giá gas (27/03/2012)

>   Dầu mỏ và kinh tế thế giới: Tác động đa chiều (25/03/2012)

>   Dầu vọt 1.4% trước thông tin xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh (24/03/2012)

>   Giá khí gas của Anh giảm (23/03/2012)

>   Sẽ giao doanh nghiệp tự quy định giá bán xăng dầu (23/03/2012)

>   Dầu sụt gần 2% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu (23/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật