Dầu mỏ và kinh tế thế giới: Tác động đa chiều
Với hậu quả của khủng hoảng đồng eur vẫn còn dư âm nặng nề, giá dầu tăng đã trở thành tác nhân mới nhất khiến cho kinh tế thế giới lo lắng.
|
Một trong những nguyên nhân làm giá dầu tăng là sự thiếu hụt nguồn cung |
Dầu mỏ là một Hy Lạp mới là dòng tít nổi bật trong báo cáo phân tích mới đây của ngân hàng HSBC. Những lo lắng này có thể hiểu được vì thị trường dầu mỏ đang vận động theo hướng đi lên trong khi căng thẳng xung quanh Iran ngày một tăng nhiệt. Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 5 đôla một thùng trong ngày giao dịch đầu tháng 3/2012 lên đến 128 đôla Mỹ một thùng sau khi báo chí Iran cho biết các vụ nổ đã phá hủy một đường ống dẫn dầu quan trọng của Saudi Arabia. Sau đó giá dầu đứng quanh mức 125 USD một thùng khi Saudi Arabia phủ nhận bài báo trên nhưng với giá này thì dầu đã tăng 16% so với đầu năm 2012.
Để đánh giá được những mối nguy hiểm do giá dầu tăng cần làm rõ các câu trả lời: Cái gì đã làm cho giá dầu tăng ? Giá dầu có thể tăng cao tới đâu ? Ảnh hưởng của sự tăng giá dầu với kinh tế là gì ?
Về nguyên nhân làm giá dầu tăng có thể kể đến việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều hoặc là bơm thêm tiền vào thị trường, mở rộng chính sách nới lỏng tiền tệ (in tiền mua trái phiếu) hoặc hứa giữ tỉ lệ lãi suất thấp trong thời gian dài. Cơn lũ tiền tệ giảm giá khiến cho các nhà đầu tư tìm đến tài sản hữu hình, đặc biệt là dầu. Các ngân hàng Trung ương còn có thể tác động gián tiếp làm giá dầu tăng thông qua việc nâng mức dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới, khiến dự báo về lượng dầu được tiêu thụ tăng cao. Sự tăng giá dầu vừa qua diễn ra đồng thời với niềm lạc quan đang trở lại với toàn thế giới khi khủng hoảng euro và khó khăn trong cho vay vốn ở Trung Quốc không nặng nề như dự báo, trong khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trở lại rõ rệt.
Nguyên nhân khác làm giá dầu tăng là sự thiếu hụt nguồn cung. Tính tổng số, thị trường dầu mỏ mất hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vài tháng gần đây. Xung đột về đường ống dẫn dầu tại Nam Sudang đến vấn đề kỹ thuật tại Biển Bắc đã làm giảm khoảng 700.000 thùng dầu một ngày. Lệnh cấm vận của EU với Iran và rắc rối trong thanh toán giữa Trung quốc với Iran đã làm giảm 500.000 thùng dầu một ngày. Trong khi đó, lượng dầu cung cấp bổ sung không đảm bảo tốt. Saudi Arabia đã đưa ra thị trường tới 10 triệu thùng một ngày, gần đạt mức kỷ lục cao nhất. Việc đóng cửa eo biển Hormuz có thể gây ra sự gián đoạn trong cung cấp dầu mỏ vì mỗi ngày có tới 17 triệu thùng dầu (bằng 20% tổng cung toàn cầu) đi qua eo biển này. Với những ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ thế giới như vậy giá dầu thế giới sẽ bị đẩy lên tới quanh mức 118 USD một thùng và dù có biến động thế nào sẽ ổn định ở con số 120 USD một thùng.
Sự tăng giá dầu sẽ làm cho các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nhiều hơn so với Mỹ, Châu Âu. Năm 2008 và 2011 sự cụ thể hóa của giá dầu tăng cao là lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và lần này cũng không ngoại lệ cho dù mức tăng lạm phát sẽ ở mức độ tương đối. Giá lương thực, thành phần đóng góp khá lớn vào các lần tăng lạm phát của các nền kinh tế mới nổi đang đứng ở mức giá ổn định.
Như vậy giá dầu tăng cao chưa đến mức là một thảm họa như khủng hoảng nợ công của Hy Lạp nhưng vào thời điểm hiện tại giá dầu càng tăng thì tất cả các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và chẳng may eo biển Hormuz bị đóng hoặc đe dọa thì giá dầu tăng vọt sẽ xóa sạch tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Hoa Chi
Diễn đàn DN
|