Thứ Sáu, 23/03/2012 08:57

Được - mất chiêu "hóa kiếp" dự án bất động sản

Thị trường căn hộ ế ẩm, để giải bài toán về thanh khoản nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tính chuyện chuyển đổi công năng các dự án bất động sản sang hình thức mới.

Ồ ạt xin chuyển đổi công năng

Trong bối cảnh thị trường căn hộ đang đối mặt với tình trạng bội thực nguồn cung, thanh khoản đóng băng. Nhiều doanh nghiệp nản lòng và  không còn muốn đầu tư xây dựng các dự án chung cư mặc dù đã hoàn tất thủ tục. Để xoay sở trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã chọn cách lẳng lặng bán dự án hoặc nằm im chờ thời cơ vì họ cho rằng dù sao cách làm này có lợi hơn rất nhiều so với cách triển khai dự án.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lại lựa chọn cách xin “hóa kiếp” dự án bằng cách chuyển đổi công năng từ dự án để bán sang căn hộ cho thuê, căn hộ dịch vụ. Thậm chí, chuyển từ chung cư cao tầng sang xây nhà thấp tầng… 

Điển hình tại TPHCM, việc xin chuyển đổi công năng dự án diễn ra rất sôi động. Đầu tiên phải kể đến dự án căn hộ triệu đô Diamond Island (Đảo Kim Cương) dành hẳn bolck A và C làm căn hộ dịch vụ cho thuê. Kế đến là dự án The Vista (quận 2) có 250 căn hộ chuẩn bị được cho thuê trong thời gian tới.

Dự án XI Riverside Palace có 40 sản phẩm được chuyển thành căn hộ dịch vụ. Dự kiến 258 căn của block 3 dự án này được chào bán và cho thuê. Thậm chí tòa nhà có vị trí đắc địa tại quận 1 là Bến Thành Times Square cũng chuyển đổi công năng của 30 căn hộ tồn đọng thành căn hộ dịch vụ.

Tại quận 9, Công ty Thuduc House dành một phần của dự án Phước Long Spring Town để phân lô bán nền. Theo đó, bên cạnh khu trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, doanh nghiệp “cắt” ra 38 nền nhà phố thương mại và biệt thự để bán trước.

Tại TP Hà Nội, mặc dù các dự án xin chuyển đổi công năng chưa chính thức công khai nhưng theo nguồn tin riêng của PV hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp đệ đơn xin phép chuyển đổi công năng dự án.

Dự án: Mới lợi, cũ hại

Ông Lý Mạnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Vương cho rằng, chắc chắn các doanh nghiệp khi tính toán chuyển đổi công năng dự án là họ đã cân nhắc đến chuyện thiệt hơn. Tuy nhiên, vấn đề còn phụ thuộc vào vị trí dự án bởi có những vị trí xây chung cư vẫn có lợi và có những khu vực chỉ xây trung tâm thương mại mới có lợi chẳng hạn.

Theo phân tích của doanh nghiệp bất động sản, việc xin chuyển đổi mục đích từ nhà cao tầng sang thấp tầng chỉ thực sự có lợi cho những dự án mới đang xin triển khai. Còn với những dự án cũ chưa chắc đã có lợi hơn.

Vị này đưa ra ví dụ một dự án chung cư nằm trên địa bàn quận Hà Đông, dự án trong tình trạng đã hoàn tất thủ tục pháp lý và đã cấp số đỏ. Trong đó, riêng tiền sử dụng đất tính dự án chung cư cao tầng 4 triệu đồng/m2, cộng chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác suất đầu tư trên 1 m2 chung cư khoảng 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu chuyển đổi mục đích sang thấp tầng, tiền sử dụng đất sẽ phải tính lại và dự kiến tăng gấp 3-4 lần vào khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, riêng việc bù tiền sử dụng đất doanh nghiệp chi khoản lớn chưa kể hiệu quả sau khi đầu tư.

Doanh nghiệp cần cẩn trọng

Trước những động thái của doanh nghiệp, PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Định - Phó giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Theo ông Định, việc chuyển đổi công năng các dự án có thể được nhưng tùy thuộc vào từng vị trí. Bởi khi phê duyệt dự án, cơ quan quản lý đã xem xét đến các phương án cảnh quan, không gian dự án có phù hợp với quy hoạch chung cũng như đảm bảo điều kiện về việc phân bố dân cư hay không...

Hơn nữa, theo quy định thì trong các quận trung tâm việc xin chuyển đổi từ chung cư cao tầng sang tổ hợp văn phòng có thể được, còn nếu doanh nghiệp xin phân lô bán nền là không thể. Đó là chưa kể đến chênh lệch tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp khi chuyển đổi mục đích các dự án.

“Bài toán này các doanh nghiệp phải tính kỹ chứ không phải thị trường bất động sản giảm sút thì doanh nghiệp xin chuyển đổi. Nhỡ đâu, trong 1-2 năm tới, thị trường tốt lên thì doanh nghiệp tính sao? ” - ông Định nói.

Anh Đào

vnmedia

Các tin tức khác

>   Chỉ mua lại dự án thế chấp ở ngân hàng, có giá dưới trung bình (22/03/2012)

>   Bùng nổ mua, bán dự án địa ốc thời khủng hoảng (22/03/2012)

>   Đầu tư nước ngoài vào BĐS phải có cam kết về tài chính (22/03/2012)

>   Bất động sản thời 'ngồi trên lửa' và kiệt sức 'đuổi gà' (22/03/2012)

>   "Tài chính doanh nghiệp không tốt mới nợ thuế" (22/03/2012)

>   Đại gia Việt vung tiền mua khách sạn, resort ngoại (22/03/2012)

>   Nhà nước mua BĐS ế để cứu ngân hàng? (22/03/2012)

>   Kinh hoàng lãng phí đất (22/03/2012)

>   Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Thị trường BĐS kỳ vọng cuối năm (21/03/2012)

>   Cuộc chơi "vượt sóng” của nhà đầu tư BĐS (21/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật