Thứ Năm, 22/03/2012 21:31

Mua lại một số công trình, dự án bất động sản

Chỉ mua lại dự án thế chấp ở ngân hàng, có giá dưới trung bình

Một số công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng được mua lại để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước nên chỉ có thể là những dự án có giá trung bình trở xuống, thứ trưởng bộ Xây dựng – ông Nguyễn Trần Nam – cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng các dự án được xem xét mua lại sẽ chủ yếu nằm ở Hà Nội và TP.HCM, hai thị trường có nhu cầu lớn nhất và cũng có lượng “hàng tồn” nhiều nhất.

Theo ông Nam, trong chiến lược phát triển nhà của Chính phủ có tính đến việc mua lại những công trình, dự án bất động sản có sẵn theo giá thị trường. Điểm mấu chốt khi thực hiện chủ trương này là tính toán thời điểm mua sao cho chi phí hợp lý nhất bởi nguồn lực của chúng ta có hạn.

Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” mới ban hành đã xác định một trong những biện pháp nhằm cơ cấu lại tài chính cho các tổ chức tín dụng là “xem xét mua lại một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành, hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước”. Theo ông Nam, thời điểm hiện nay thuận lợi để thực hiện chủ trương này vì thị trường bất động sản đang trầm lắng, mặt bằng giá cả các công trình, dự án nhìn chung đều giảm mạnh, nguồn cung dồi dào. Thực hiện biện pháp này cũng giúp các doanh nghiệp bán được hàng, từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội thu hồi vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu. Về phía người dân cũng có cơ hội được thuê hoặc mua nhà có chất lượng tương đối tốt với giá cả hợp lý.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: “Việc mua lại các dự án bất động sản nói trên dựa theo những tiêu chí nào?”, ông Nam cho biết, tới đây bộ Xây dựng sẽ làm việc với ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành chức năng về nội dung này. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, trên cơ sở mục đích của Nhà nước khi mua lại những dự án, công trình đó là để phục vụ an sinh xã hội như là nhà tái định cư, bán cho người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách, cho thuê hoặc để phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước như làm trụ sở, nhà ở công vụ cho cán bộ nên chỉ xem xét mua những dự án có giá trung bình trở xuống. “Những dự án, công trình này sẽ không thể nằm ở vị trí đắc địa, có quy mô và mức độ hoàn thiện ở mức vừa phải, giá bán dao động từ 15 – 17 triệu đồng/m2 trở xuống”, ông Nam nhận định.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng các dự án được xem xét mua lại sẽ chủ yếu nằm ở Hà Nội và TP.HCM, hai thị trường có nhu cầu lớn nhất và cũng có lượng “hàng tồn” nhiều nhất.

Được biết sắp tới ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các bộ, ngành chức năng để triển khai quyết định 254, trong đó sẽ làm việc với bộ Tài chính, bộ Xây dựng nội dung liên quan đến việc mua – bán các tài sản thế chấp là dự án bất động sản.

Theo rà soát của bộ Xây dựng, cả nước hiện có 2.600 dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số đó, có dự án lên đến hàng nghìn hécta, nhưng cũng có dự án chỉ vài trăm đến một ngàn mét vuông. Bộ Xây dựng sẽ tính toán, tổng hợp lại tổng thể nhu cầu thuê hoặc mua – bán nhà ở, văn phòng, nhà ở công vụ, trên cơ sở đó mới xem xét cụ thể các dự án trong diện mua lại, dự án nào để phục vụ cho nhu cầu làm văn phòng, trụ sở hoạt động của cơ quan Nhà nước; dự án nào để phục vụ nhu cầu nhà ở, nhà công vụ. Sau khi mua, Nhà nước có thể uỷ quyền cho một đơn vị cụ thể, như bộ Xây dựng hoặc tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đứng tên sở hữu, thay mặt Nhà nước quản lý các công trình này.

Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước cho biết việc tạo ra sức cầu cho thị trường, như chủ trương xem xét mua lại một số dự án bất động sản trong đề án 254, sẽ góp phần giúp cho dòng vốn được khơi thông, luân chuyển, góp phần làm nợ xấu giảm xuống.

Nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận định, cùng với việc xem xét mua lại một số dự án bất động sản, xu hướng hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cũng sẽ góp phần giúp cho công tác xử lý nợ xấu thuận lợi hơn. Lãi suất giảm, rủi ro tín dụng cũng như rủi ro của doanh nghiệp giảm xuống, doanh nghiệp có cơ hội tăng lợi nhuận để trả nợ. Thêm vào đó, lãi suất huy động giảm, dòng vốn sẽ tìm kiếm các kênh sinh lời, trong đó có thị trường tài chính như bất động sản, chứng khoán, góp phần giúp thị trường này ấm lên, từ đó góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu.

Theo tính toán của ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 170.000 tỉ đồng, trong đó, nợ xấu bất động sản chiếm tỷ trọng trên 30%, xấp xỉ trên 70.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, có ngân hàng nợ xấu bất động sản chiếm tỷ trọng tới 80% trong tổng nợ xấu.

Mạnh Quân

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Bùng nổ mua, bán dự án địa ốc thời khủng hoảng (22/03/2012)

>   Đầu tư nước ngoài vào BĐS phải có cam kết về tài chính (22/03/2012)

>   Bất động sản thời 'ngồi trên lửa' và kiệt sức 'đuổi gà' (22/03/2012)

>   "Tài chính doanh nghiệp không tốt mới nợ thuế" (22/03/2012)

>   Đại gia Việt vung tiền mua khách sạn, resort ngoại (22/03/2012)

>   Nhà nước mua BĐS ế để cứu ngân hàng? (22/03/2012)

>   Kinh hoàng lãng phí đất (22/03/2012)

>   Chuyên gia Vũ Đình Ánh: Thị trường BĐS kỳ vọng cuối năm (21/03/2012)

>   Cuộc chơi "vượt sóng” của nhà đầu tư BĐS (21/03/2012)

>   Đóng 1% lương để mua nhà (21/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật