Thứ Hai, 19/03/2012 06:16

Đừng điều hành giá cả theo kiểu “đánh du kích”!

Cách tăng giá hiện nay chỉ đang làm lợi cho doanh nghiệp và tạo tâm lý vòi vĩnh.

Sau khi giá một số mặt hàng năng lượng như than, gas, xăng dầu được phép tăng giá bán, người dân bắt đầu thấy lo lắng thêm khi thấy những tín hiệu muốn điều chỉnh tăng giá điện - dù EVN khẳng định không tăng giá trong thời điểm này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “Trong bối cảnh này, kiềm chế lạm phát ở một con số là rất khó!”.

Tăng giá chỉ có lợi cho doanh nghiệp

Thưa bà, có ý kiến cho rằng đây là thời điểm thích hợp thực hiện lộ trình giá theo thị trường đối với mặt hàng năng lượng như điện, xăng dầu, quan điểm của bà ra sao? + Chuyên gia

Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng giá xăng tăng là bất khả kháng bởi xăng dầu thành phẩm của VN chủ yếu nhập khẩu, giá dầu thế giới lại đang lên cao, Bộ Tài chính đã giảm thuế đến mức 0%, các công cụ hành chính cũng đã sử dụng hết. Nhưng điện là mặt hàng đặc thù. Khác với xăng dầu, giá điện hiện chỉ do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tự tính toán, đề xuất tăng giá, lâu nay họ luôn ở thế độc quyền để làm giá, cùng với sự “hậu thuẫn” từ Bộ Công Thương.

Nhưng ngay cả khi giá cả phụ thuộc giá thế giới thì người dân vẫn mong đợi Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cẩn trọng việc tăng giá xăng dầu, điện trên cơ sở đứng về phía người dân và xã hội. Bởi hầu như các đợt điều chỉnh giá đều đang có lợi cho DN.

Hiện nay Chính phủ đang thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát lại vừa điều hành giá theo thị trường đối với các mặt hàng trên. Dường như đây là điều mâu thuẫn và quá khó để thực hiện?

+ Chắc chắn tăng giá sẽ ảnh hưởng đến giá cả và đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than… theo giá thị trường là điều khó tránh khỏi nhưng cần tính toán kỹ và tránh tác động xấu đến đời sống kinh tế và tiêu dùng, trong đó lưu ý tính đến ảnh hưởng dây chuyền qua nhiều vòng. Khi tăng giá, cơ quan quản lý cần có minh bạch và xem xét có hợp lý không? Tôi không đồng ý với cách lý giải đáng lẽ giá xăng phải tăng 6.000 đồng/lít mà không giải thích rõ.

Bà Phạm Chi Lan

Thống lĩnh thị trường, lấy gì cạnh tranh?

. Trong điều hành giá có vẻ như chúng ta thực hiện theo kiểu nửa vời, vừa muốn để thị trường vừa lo sợ sốc giá, dẫn đến việc tăng giá theo kiểu “đánh du kích”? + Đúng vậy. Lâu nay cơ quan quản lý luôn ở tình trạng để tăng giá theo kiểu lắt nhắt, hầu như chỉ có tăng chứ không xuống theo thị trường. Xăng dầu thì tăng-giảm lắt nhắt, gas thì tăng ào ào và chọn thời điểm nhạy cảm như cận và sau tết, điện thì chưa bao giờ giảm giá.

Một thực tế cho thấy cứ mỗi lần quyết định tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính thường đưa ra quan điểm mức tăng đó chưa bù được khoản lỗ của DN, nói như vậy vô hình trung sẽ tạo tâm lý cho DN muốn “vòi” thêm tăng giá.

Điều quan trọng hơn, đến nay các bộ, ngành luôn hô hào điều hành theo giá thị trường, đã thị trường thì phải cạnh tranh nhưng xăng dầu thì Petrolimex chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường và quản lý khép kín từ nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ. Do đó, ai sẽ đảm bảo tính minh bạch và đúng trong những lần thanh tra, kiểm soát mặt hàng này? Tương tự, việc tăng giá điện của chúng ta mới chỉ xuất phát từ các bộ, ngành và chủ yếu là dựa trên các căn cứ và tính toán với ngành điện và của ngành điện. Còn việc tăng giá đó hợp lý như thế nào, lấy cái gì làm căn cứ để đối chiếu thì người dân chưa thể nắm được đâu là giá cao hay thấp, lỗ hay lãi…

. Vậy trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên có những điều hành như thế nào để hài hòa hai nhiệm vụ vừa kiềm chế lạm phát vừa vận hành cơ chế giá thị trường?

+ Kiềm chế lạm phát ở mức một con số là rất khó! Chúng ta không chỉ sử dụng công cụ kiểm soát giá, đó chỉ là một phần. Cái cốt yếu là hãy để thị trường lành mạnh, có lợi cho người tiêu dùng, tăng cạnh tranh cho DN. Nhà nước không thể đứng về phía DN mà phải giám sát và điều hành theo đúng chức năng. Chẳng hạn, Cục Điều tiết điện lực tham mưu về giá điện thì cần phải được tách bạch độc lập dưới sự quản lý của Chính phủ chứ không thể nằm trong Bộ Công Thương trong khi các DN lại dưới sự quản lý của bộ này, chẳng khác nào người một nhà, khó tạo được sự minh bạch và niềm tin ở người dân.

Bên cạnh đó, nên tách bạch các khâu sản xuất, phân phối, truyền tải đối với ngành điện; hoặc tách khâu nhập khẩu, phân phối, bán buôn đối với xăng dầu. Như vậy sẽ hợp lý hơn, dễ dàng kiểm soát, hạn chế tình trạng mập mờ khi một người ôm nhiều công đoạn.

Bên cạnh đó, thời gian qua cơ quan quản lý chỉ tập trung vào xăng dầu mà bỏ lơ thị trường gas dẫn đến mặt hàng này tăng mạnh. Do đó cần có quản lý đồng bộ. Chúng ta có thể lấy Singapore để làm kinh nghiệm học tập, giá xăng dầu tại Singapore rất cao nhưng lạm phát của nước này chỉ ở mức trên 3%, trong khi đó lạm phát VN năm 2011 đến hơn 18%. Cơ quan quản lý hãy xem lại vai trò của chính sách tiền tệ, thay vì chỉ lưu tâm việc tăng giá xăng dầu hay điện. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là rất lớn. Tôi rất ủng hộ động thái giảm lãi suất huy động xuống 13% vừa qua và tiến tới giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, NHNN cần có sự cân nhắc thận trọng, không được chủ quan, nhất là khi vừa công bố giảm lãi suất trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, điện rục rịch tăng theo, như thế sẽ triệt tiêu đối với DN.

. Xin cảm ơn bà.

Nếu là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước định giá, còn sản phẩm cạnh tranh, quyền này được trao cho DN. Việc điều hành xăng dầu thời gian qua thể hiện dưới dạng “lưỡng tính”, nửa vời, vẫn gần như độc quyền khi có DN chiếm thị phần trên 60% nhưng quyền tự quyết lại thuộc về DN.

TS Ngô Trí Long , nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Theo VNN )

Xăng dầu chưa lúc nào thực hiện theo đúng cái nghĩa của thị trường cả, thậm chí trong các đợt điều hành giá cả còn bộc lộ sự “thỏa hiệp” giữa cơ quan quản lý với DN. Kết quả là giá bán lẻ trong nước vẫn theo kiểu tăng nhanh mà giảm chậm.

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội (Theo VNN )

Hiện EVN đang chiếm trên 70% sản lượng điện sản xuất; chi phí sản xuất cũng như giá bán điện của EVN có ý nghĩa gần như quyết định. EVN cũng nắm giữ 100% lưới điện truyền tải và 95% khâu phân phối và bán lẻ điện.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính,  tại hội thảo về giá điện ngày 14-3

Quy định cho phép ngành điện được điều chỉnh giá điện trong phạm vi 5%, khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh tối đa ba tháng tạo nhiều sơ hở trong quản lý giá. Các thông số đầu vào cũng là do ngành điện tính toán, chỉ phải báo cáo Bộ Công Thương, không cần gửi Bộ Tài chính thẩm định. Ngành điện có thể tăng giá bán mỗi năm bốn lần, tối đa lên đến 20%.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN,  tại hội thảo về giá điện ngày 14-3

TRÀ PHƯƠNG

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Việt Nam có nên mở Casino? (18/03/2012)

>   Khi tập đoàn cũng cho vay (18/03/2012)

>   Từ casino nghĩ về 'bác thằng bần' (18/03/2012)

>   Phân cấp đầu tư: Hết thời dễ dãi! (18/03/2012)

>   Để tránh lạm phát đình đốn (17/03/2012)

>   Thu hút đầu tư FDI: Không để “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” (17/03/2012)

>   Saigon Co.op và Tamasek xây đại siêu thị tại TPHCM (17/03/2012)

>   Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư: “Sẽ chống được chuyển giá” (17/03/2012)

>   Chuyển giá - mặt trái của vốn FDI (17/03/2012)

>   Công ty TDYPE vẫn tiếp tục lừa đảo (16/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật