Thứ Sáu, 23/03/2012 06:30

Dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN: Càng điều chỉnh, càng lỗi thời

Lạc hậu so với giá cả; chậm trễ trong thời gian áp dụng; mức tăng thấp so với lương cơ bản..., dự thảo sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khiến gánh nặng với người nộp thuế càng tăng hơn.

Năm 2011, kinh tế khó khăn nhưng thu thuế TNCN ước bằng 141,38% so với năm 2010

Nộp thuế gấp 3 lần

Theo dự thảo, đến năm 2014, người nộp thuế sẽ được giảm trừ 6 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc được giảm trừ 2,4 triệu đồng/tháng. Mức tăng của chiết trừ gia cảnh so với hiện nay là 50%. Cũng trong quãng thời gian này, lương tối thiểu có mức tăng 98,79%, tăng từ 830.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.650.000 đồng/tháng vào năm 2014.

Với mức tăng chỉ bằng 1/2 lương tối thiếu, đến khi luật có hiệu lực, người đóng thuế trên thực tế phải nộp nhiều hơn hơn so với hiện nay. Ví dụ, một người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng ở thời điểm hiện tại, trừ đi mức chiết trừ gia cảnh 4 triệu đồng, thu nhập đóng thuế là 5 triệu đồng thì số thuế phải đóng là 250.000 đồng/tháng.

Đến năm 2014, mức lương của người này sẽ tăng lên 17,89 triệu đồng/tháng (tương đương mức tăng của lương tối thiểu 98,79%), trừ đi mức chiết trừ gia cảnh 6 triệu đồng, thu nhập chịu thuế là 11,89 triệu đồng, rơi vào bậc khung thuế suất bậc 2 thay vì bậc 1 hiện nay. Số thuế phải đóng là 939.000 đồng, tăng 275% so với mức hiện tại. Nghĩa là, đến khi lương được tăng gấp đôi thì thuế phải nộp tăng gấp gần 3 lần.

Ví dụ này là minh chứng rõ ràng nhất, sự lỗi thời của ngưỡng thuế so với lương cơ bản. Mà lương cơ bản lâu nay đã luôn lỗi thời so với tốc độ tăng của giá cả. Người nộp thuế càng thêm thiệt thòi.

Một vấn đề quan trọng mà dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN bỏ qua là việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc chịu thuế hiện nay thay vì chỉ bỏ mức thuế suất 35%.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn - phân tích đa số người nộp thuế TNCN rơi vào bậc 1, 2, 3 trong khi đó mức thu nhập giữa các bậc này chỉ từ 5 - 8 triệu đồng. Từ bậc 4 đến 7, mức thu nhập là từ 18 - 30 triệu đồng. Do đó việc giãn mức thu nhập giữa các bậc thuế sẽ hỗ trợ nhiều người trong khi bỏ mức thuế suất 35%, chỉ "đụng" tới một số ít người.

Vẫn phân biệt đối xử

Dự thảo đưa thêm một số khoản không tính vào thu nhập chịu thuế như các khoản trợ cấp, phụ cấp không mang tính chất tiền lương, tiền công khác theo quy định của Chính phủ. Thế nhưng, sự phân biệt đối xử giữa người trong và ngoài nước thể hiện qua luật Thuế TNCN hiện nay vẫn không được giải quyết.

Cụ thể, theo quy định hiện nay, người nước ngoài được phép trừ tiền học phí của con trước khi xác định thu nhập chịu thuế nhưng người Việt Nam thì không. Vấn đề này đã được đưa ra nhiều lần trước nhưng dự thảo không đề cập tới. Trong khi đầu tư vào việc học hành của người dân Việt Nam hiện nay rất cao, rất cần sự công bằng của chính sách thuế như áp dụng đối với người nước ngoài.

Việc trừ các chi phí trước khi nộp thuế là cách làm của nhiều nước bởi người nộp thuế phải có thu nhập bảo đảm được cuộc sống cơ bản của họ và gia đình trước khi nộp thuế. Tại Mỹ, trước khi tính thuế TNCN, Chính phủ Mỹ còn khuyến khích người dân gửi tiết kiệm hưu trí (năm 2009, đối với người dưới 50 tuổi là 5.000 USD, trên 50 tuổi là 6.000 USD) nên trừ ra khoản thu nhập này trước khi xác định thu nhập tính thuế. Ngoài ra, họ cũng được loại trừ một số khoản thu nhập như học phí cho con, chi phí chuyển nhà…

Một so sánh nhỏ cho thấy mức điều tiết của luật Thuế TNCN tại Việt Nam hiện nay quá cao khi chưa cho phép cá nhân trừ đi các khoản chi phí hợp lý. Một người độc thân tại Mỹ có thu nhập là 30.000 USD (vào năm 2009), chịu thuế là 1.930 USD, số thuế bằng 6,43% thu nhập. Trong khi đó, người Việt Nam có mức thu nhập tương đương vào thời điểm hiện nay khoảng 625 triệu đồng (tương đương 30.000 USD), số thuế đóng hơn 105 triệu đồng/năm, mức thuế điều tiết tính trên thu nhập bằng 16,8%.

Tại Mỹ, các khoản miễn thuế cho cá nhân được ấn định qua các năm theo mức độ lạm phát. Trong khi đó ở Việt Nam, luật Thuế TNCN 5 năm (2009 - 2014) mới được sửa đổi để thay đổi các khoản miễn trừ được đánh giá là đã lạc hậu ngay tại thời điểm có hiệu lực (năm 2009).

Thanh Xuân

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Sửa thuế thu nhập: ‘Lo luật không theo kịp giá’ (22/03/2012)

>   Thuế TNCN lạc hậu sao chờ 5 năm mới sửa? (22/03/2012)

>   Chưa đủ chi tiêu đã lo đóng thuế (21/03/2012)

>   Đề nghị tăng mức phạt hành vi chậm nộp, trốn thuế (20/03/2012)

>   Thuế thu nhập cá nhân: Chưa đủ sống sao gọi là khoan sức dân (20/03/2012)

>   Nợ thuế tăng 20% và... sợi dây (19/03/2012)

>   Thuế phải tạo được đồng thuận xã hội (19/03/2012)

>   Thứ trưởng Bộ tài chính Vũ Thị Mai: “Mức giảm trừ như thế là khoan sức dân rồi” (16/03/2012)

>   Từ 26/4, gia hạn nộp thuế TNDN thêm 3 tháng (15/03/2012)

>   Doanh nghiệp chủ động khai gia hạn nộp thuế (14/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật