Chưa đủ chi tiêu đã lo đóng thuế
Với đề xuất khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu lên 6 triệu đồng/tháng của Bộ Tài chính, nhiều người dân đã bức xúc cho rằng, Bộ đang muốn tận thu hơn là ý nghĩa đảm bảo phù hợp với mức sống ở Việt Nam.
2014: thu nhập 6 triệu khó nuôi thân
Hàng tháng, khi nhận được bảng thống kê thu nhập của kế toán, chị Bạch Thị Tuyết đang làm việc tại một công ty truyền thông có tiếng ở Hà Nội, lại có cảm giác tiếc đứt ruột vì bị trừ mất 335.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân.
Với kinh nghiệm 4 năm, được đánh giá cao nên chị Tuyết có mức lương 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức trung bình khá so với mặt bằng lương của dân làm nghề truyền thông, nhưng chị than thở: "2-3 năm trước còn đủ chi tiêu cho cả gia đình nhưng giờ thì bị hụt lớn". Trong khi, trăm thứ thuế, phí lại đổ lên đầu phải nộp. Các loại bảo hiểm phải đóng góp lên tới 900.000 đồng, từ khi có thuế thu nhập cá nhân, lại bị trừ thêm một khoản đáng kể".
Chị Tuyết cho biết, au khi cộng phụ cấp, rồi trừ các khoản tính bảo hiểm, phí và giảm trừ gia cảnh 4 triệu, chị còn khoảng 5,852 triệu đồng/tháng thu nhập phải chịu thuế.
"Với mức này, mỗi tháng, mình phải nộp 335 nghìn đồng., Lương càng cao, đóng thuế càng nhiều, khoảng cách để tính biểu thuế lũy tiến hiện nay cũng quá gần, vừa tăng được lương thì lại phải đóng gấp đôi thuế suất", chị cho hay.
Trong khi đó, chuyện tăng lương ở các công ty tư nhân nhỏ rất khó khăn, vì phụ thuộc vào tình hình tài chính của DN và mỗi lần may ra được thêm 500.000 đồng/tháng.
Vì lẽ đó, năm 2014, nếu như chị được tăng lương thêm 2 triệu đồng nữa thì lại cũng vừa với mức tăng thêm 2 triệu đồng giảm trừ cho cá nhân người nộp, số tiền chị phải nộp thuế vẫn vậy, chẳng giảm đi được. Trong khi đó, lạm phát tăng, phí sinh hoạt chắc chắc sẽ tăng cao.
Chỉ thu nhập bằng một nửa chị Tuyết và nộp thuế rất ít, chị Ngà đang làm việc tại Viện nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng phải cất tiếng than phiền: "Mức khởi điểm chịu thuế hiện nay là 4 triệu đồng là không phù hợp. Và thật vô lý nếu lấy con số lạc hậu này để tính toán khởi điểm thu nhập chịu thuế cho 2014 khi lạm phát năm nào cũng trên 10%!"
Lương và các loại phụ cấp trách nhiệm cho chức trưởng phòng, cộng phụ cấp thâm niên gần 20 năm, cộng ăn trưa... của chị Ngà hiện nay được tính theo đúng... chuẩn của Nhà nước, vỏn vẹn chỉ gần 5 triệu đồng/tháng. Vì thế, chị chẳng còn cơ hội nào mà giảm từ cho người phụ thuộc nên hai người con đành chuyển qua thu nhập của chồng. Thế nhưng, soi vào bảng thu nhập của chị và trừ đi 4 triệu đồng giảm trừ gia cảnh, chị Ngà vẫn phải nộp 5% thuế cho khoản thu nhập chịu thuế ở con số vài trăm nghìn đồng.
Trong khi đó, dù không giảm trừ phụ thuộc nhưng chị vẫn phải cùng chồng góp nuôi hai con ăn học đại học. Nhà chỉ cần tính học phí và tiền xăng xe hàng tháng cũng đến gần 3 triệu đồng. "Vì thế, chị Ngà cho rằng, mứ 6 triệu áp dụng ngay bây giờ cũng chưa hợp lý chứ chưa nói đến 2014", chị nhấn mạnh.
Thu nhập cao cũng lo
Không chỉ những nhân viên trẻ hay những công chức Nhà nước thu nhập thấp kêu than về chuyện thuế thu nhập, ngay cả người dân có mức lương được cho là cao hiện nay cũng không đồng tình.
Câu chuyện của gia đình anh Thanh, một cán bộ của Tổng công ty hàng không Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý, các mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất có thể cao hơn con số thu nhập bình quân danh nghĩa, nhưng không chắc đã cao hơn mức sống thực tế hiện nay của người dân.
Năm 2011, cộng tất cả các khoản thưởng, thu nhập trung bình của anh Thanh lên tới hơn 17 triệu/tháng. Mỗi một tháng, anh được giảm trừ 7,2 triệu đồng bao gồm giảm trừ cho cá nhân 4 triệu, giảm trừ người phụ thuộc đối với 2 con là 3,2 triệu. Do đó, tiền thuế thu nhập cá nhân từ lương và thưởng của anh cho cả năm chỉ có hơn 3 triệu đồng.
Tưởng rằng, thu nhập khá giả và số nộp thuế rất khiêm tốn, nhưng với hoàn cảnh gia đình riêng của anh thì vẫn nhiều lúc túng thiếu, chật vật. Anh kể, trung bình mỗi tháng, tiền phí sinh hoạt cho cả gia đình ở dạng tiết kiệm nhất đã là 10 triệu đồng. Các khoản tiền xăng xe, ăn trưa, điện thoại của riêng anh đã áng chừng 1,5 triệu đồng.
Trong khi đó, hai con đang phải đi học thêm, học tiếng anh lên tới gần chục triệu mỗi tháng. Ngoài ra, anh còn phải lo tiền thuốc thang cho bà mẹ già đang bị bệnh tim mạch và huyết áp cao, trung bình thêm 2 triệu đồng. Như vậy, tổng chi của người chủ gia đình này đã lên tới 22 - 23 triệu đồng. Trong khi, người vợ chỉ làm công chức với mức lương còm cõi hơn 3 triệu đồng. tổng thu của cả hai vợ chồng chỉ 21 triệu đồng.
"Nếu có các khoản phát sinh thì ốm xanh mặt," anh tâm sự. Còn chưa tính thêm khoản ma chay, cưới xin, hiếu hỉ, đối nội đối ngoại 2 bên họ hàng.... Nếu không cày cuốc làm thêm thì anh sẽ không thể đủ trang trải cho nhu cầu gia đình hiện nay. Anh tính, nếu 2 cô con gái không phải học thêm, tiền chi phí cho học hành chỉ khoảng 3 triệu/tháng thì cũng chỉ tạm đủ chi tiêu chứ không thể để dành ra được xu nào.
Cách tính của Bộ Tài chính là đảm bảo nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải cao hơn thu nhập bình quân của người dân trên toàn xã hội. Ngoài ra, việ chọn con số khởi điểm chịu thuế còn tính tổng hợp dự báo tác động của tốc độ trượt giá tới năm 2014, của tăng trưởng GDP và tăng lương tối thiểu...
Bộ này cũng cho biết, mức lương trung bình chỉ có 1,67 triệu đồng vào năm 2014 và mức thu nhập bình quân của nhóm người giàu tại Việt Nam hiện là 3,4 triệu đồng/tháng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Nếu so sánh với 2 con số trên, có lẽ, thu nhập gần 5 triệu/tháng của chị Ngà sẽ được liệt vào danh sách... người giàu?
Vấn đề mà nhiều người dân quan tâm là mốc căn cứ để tính tỷ lệ tăng thu nhập chịu thuế trong năm 2014 là 4 triệu đồng/tháng thu nhập chịu thuế hiện hành đã là lạc hậu, thì liệu, kết quả phép tính dựa vào mốc này có là không lạc hậu?
Phạm Huyền
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|