Doanh nghiệp vẫn vay lãi suất cao
Hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay về mức 15% - 17%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó vay hoặc phải vay lãi suất cao.
Từ đầu tháng 3-2012, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) triển khai gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỉ đồng giảm 3%/năm lãi suất cho vay so với các khoản vay thông thường dành cho doanh nghiệp (DN) vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và DN xuất khẩu… NH này còn giảm 2%/năm lãi suất cho vay so với biểu lãi suất đang áp dụng trong thời gian 6 tháng. Trước đó, 3 NH TMCP Đại Á (DaiABank), Tiên Phong (TienPhongBank) và NH Quốc tế Việt Nam (VIB) lần lượt công bố giảm lãi suất với nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các DN dao động từ 15% - 18%/năm...
Tác động tâm lý nhiều hơn!
Làn sóng giảm lãi suất bắt đầu từ khi cả 4 “ông lớn” trong ngành NH gồm BIDV, Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và Agribank lần lượt tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Thống kê của NH Nhà nước, lãi suất cho vay bằng VNĐ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5% - 16%/năm, thấp nhất 13,5%/năm. Lãi vay sản xuất kinh doanh khác từ 16,5% - 20%/năm, thấp nhất 15%/năm và cho vay phi sản xuất vẫn cao từ 21% - 25%/năm...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nhiều DN vẫn phải vay với lãi suất cao trên dưới 20%/năm. Giám đốc một DN sản xuất giấy cho biết được 2 NH lớn đánh giá triển vọng tốt, phát triển ổn định nhưng cũng đang phải vay với lãi suất 17,5%/năm. Nhiều DN đang vay vốn chưa đến kỳ đáo hạn nên vẫn phải chịu lãi suất lúc chưa điều chỉnh giảm. Ông Ngô Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 2, cho biết DN vẫn chưa nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất từ phía NH cho vay. Hiện mức lãi suất NH nơi công ty vay vẫn ngoài 20%/năm. “Lãi suất cao khiến DN làm ăn cầm chừng, chỉ những thương vụ bắt buộc mới phải vay. Bởi với DN sản xuất thông thường, chỉ đặt mục tiêu chia cổ tức 15% - 17%/năm, thấp hơn cả lãi suất NH thì thử hỏi DN nào dám vay?” - ông Kiên nói.
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, nhiều DN thành viên hiệp hội đang gặp khó khăn và vẫn phải vay vốn với lãi suất hơn 20%/năm, rất ít DN được vay dưới mức này. “Việc hàng loạt NH công bố giảm lãi suất là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng DN. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất như hiện nay tác động đến… tâm lý DN nhiều hơn là hỗ trợ”- ông Mạnh nhận xét. Cũng theo ông Mạnh, mức giảm lãi suất vẫn chưa đủ để DN thay đổi cơ cấu giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh.
Muốn “rộng cửa” phải chờ… thanh khoản
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận xét: DN trong ngành đang cần rất nhiều vốn để thu mua thủy sản nhưng lãi suất vẫn cao, khó tiếp cận vốn vay. Năm 2012, các DN cần khoảng 26.000 tỉ đồng thu mua nguyên liệu. “Khó khăn hơn cả là nông dân nuôi trồng thủy sản, dù trong diện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng lại không có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận” - ông Hải nói.
Theo các NH, dù công bố giảm lãi suất nhưng đối tượng được vay lại thu hẹp. Rốt cuộc, những DN đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay vốn lãi suất thấp không nhiều, nhất là DN vừa và nhỏ. Nhiều NH còn thẳng thắn: Lãi suất, huy động 14%/năm, thậm chí một số NH vẫn âm thầm lách trần lãi suất, huy động lãi suất cao nên cho vay ở mức 16% - 17%/năm là không còn lợi nhuận.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận một trong những điều kiện tiên quyết để giảm lãi suất là hạ lạm phát. Thực tế từ tháng 7 năm ngoái đến nay, lạm phát liên tục giảm mạnh. Tháng 2 là tháng Tết nhưng lạm phát cũng chỉ ở mức 1,37%, thấp hơn cùng kỳ mọi năm. Ngoài lạm phát, theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, muốn lãi suất giảm còn phụ thuộc lớn vào thanh khoản của NH có được giải quyết sớm hay không? Chính phủ yêu cầu phải giải quyết thanh khoản của các NH trong quý I/2012 nhưng đây là vấn đề rất lớn, phải cần thời gian đến quý II, III mới cơ bản giải quyết xong. Khi đó, lãi suất sẽ giảm rõ ràng hơn và trở thành xu thế tất yếu.
Khi khủng hoảng đi qua, lạm phát xuống mà lãi suất chưa giảm là do thanh khoản của các NH. Do nợ xấu chưa thu hồi được - con số này ở Việt Nam khá lớn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa |
Thái Phương
Người lao động
|