Thứ Tư, 21/03/2012 19:03

Do đâu vĩ mô Việt Nam bất ổn?

Trao đổi về những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay cũng như đưa ra một số định hướng chính sách nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn là chủ đề chính của buổi “Tọa đàm đối thoại chính sách hướng tới một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam trong trung và dài hạn” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt những bất ổn kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đang phải đối mặt như lạm phát tăng cao, mất cân đối trong thu chi ngân sách, nợ công và nợ nước ngoài cao, hệ thống ngân hàng suy yếu và tích tụ nhiều rủi ro...

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, sự bất ổn kinh tế trong thời gian qua là do mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư trong khi chất lượng đầu tư ngày càng giảm dần.

Trong những năm qua, tỷ lệ đầu tư/GDP của Việt Nam ở mức cao chủ yếu trên 40% (riêng năm 2011 ở mức 34,6% là do Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công). Ngoài ra, sự bất ổn kinh tế còn do môi trường kinh doanh còn hạn chế, doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả trong khi khu vực tư nhân còn yếu.

Theo phân tích của tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, những bất ổn kinh tế vĩ mô như một vòng tròn luẩn quẩn. Việc mở rộng đầu tư sẽ kéo dãn khoảng cách đầu tư-tiết kiệm, kéo theo mở rộng tín dụng, gây ra lạm phát và dẫn đến bất ổn. Sau đó, các chính sách bình ổn lại được đưa ra, gây méo mó và lộ diện những vấn đề trong cấu trúc của nền kinh tế.

Theo ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, hiện khu vực tư nhân phát triển còn hạn chế và điều kiện phát triển vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương lại nhấn mạnh đến hiệu quả đầu tư đang giảm dần cũng như những khó khăn liên quan đến thể chế.

Sau khi chỉ ra những bất ổn hiện tại của kinh tế vĩ mô, Báo cáo của VEPR cũng đưa ra những nguyên tắc cho một khung khổ chính sách vĩ mô trong trung và dài hạn.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, cần đặt lạm phát mục tiêu ổn định trong trung hạn khoảng 4-6%/năm. Về chính sách tiền tệ cần thực hiện có nguyên tắc tránh giật cục, chú ý điều tiết tổng lượng tiền, phát triển thị trường trái phiếu, tăng dần hiệu lực của chính sách lãi suất.

Về chính sách tài khóa nên định hướng giảm quy mô chi tiêu Chính phủ về mức 20% GDP, nhanh chóng thu hẹp thâm hụt ngân sách nhằm tránh sự gia tăng của nợ công và những rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó cần giảm dần gánh nặng thuế khóa cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài các chính sách trên, chính sách cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước cũng cần được thực hiện theo hướng, cho phép tư nhân tham gia mọi thị trường, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong mọi lĩnh vực, cải cách cơ chế quản trị…/.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lạm phát kỳ vọng, bài toán nan giải? (21/03/2012)

>   Những 'con cá mập' và cuộc chiến bán lẻ ở Việt Nam (21/03/2012)

>   Việt Nam lọt top 50 môi trường kinh doanh tốt nhất của Bloomberg (21/03/2012)

>   Lạm phát sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi giá điện điều chỉnh (21/03/2012)

>   Lấn bấn trong ưu đãi đầu tư FDI (21/03/2012)

>   Hà Nội: Hút gần 120 triệu USD vốn FDI trong quý 1 (20/03/2012)

>   Người Nhật lại đến và mua (20/03/2012)

>   Tăng 0,19%, Hà Nội “gợi mở” CPI tháng 3 cả nước (20/03/2012)

>   Chile - thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam (20/03/2012)

>   TPHCM: CPI tháng 3 tăng 0,12% (20/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật