Thứ Tư, 21/03/2012 10:22

Lạm phát sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi giá điện điều chỉnh

Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội, TPHCM và Long An vừa công bố có thể khẳng định lạm phát tháng 3 cả nước sẽ tăng ở mức thấp. 2 trong 3 nguyên nhân dẫn đến lạm phát đã gần như bị triệt tiêu, điều này cũng cho thấy lạm phát tháng 4 và cả trong tháng tới khó tăng mạnh ngay cả khi giá điện được điều chỉnh.

Ngay sau khi giá xăng dầu tăng xuất hiện một loạt các bình luận về ảnh hưởng của giá xăng dầu đối với lạm phát. Một số bình luận dự báo đã được người viết tổng hợp trong bài viết “Bấm độn về ảnh hưởng tăng giá xăng dầu lên lạm phát”. Trong đó, hầu hết các dự báo đều rất bi quan về tình hình lạm phát. Công ty CK TPHCM (HCM), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng như nhiều chuyên gia khác đề đánh giá rất tiêu cực về lạm phát trong tháng 3. Theo đó các dự báo đều cho rằng CPI tháng 3 tăng hơn 1%. Con số này chênh lệch quá lớn so với thực tế dù cho thời gian dự báo sát với ngày “chốt sổ”.

Nguyên nhân của sự sai lệch này có thể là do họ không đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu đối với lạm phát. Ngoài ra, họ cũng không lường hết được ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác đối với lạm phát.

Thực tế, việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng khá lớn đến việc tăng giá của các nhóm hàng hóa liên quan trực tiếp đến xăng dầu. Chẳng hạn, tại TPHCM, CPI giao thông tăng đến 0.65% so với tháng trước. Tại Hà Nội CPI giao thông tăng 1.36%, còn CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2.84% so với tháng trước. Còn tại Long An, CPI nhóm giao thông tăng 1.35%, nhóm nhà ở, chất đốt vật liệu xây dựng tăng 0,99%.

Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định lạm phát tháng 3 vừa qua. Mức tăng giá của hàng hóa nói chung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đối với CPI tháng 3 thì tính chu kỳ thường ảnh hưởng rất mạnh. Tính từ năm 1993 đến này thì có đến 12 năm là CPI tháng 3 tăng trưởng âm, chỉ có 5 năm CPI tăng hơn 0,5%, trong đó thì có tới 3 năm trong 4 năm gần đây nhất.

Việc CPI tháng 3 thường giảm là do giá lương thực, thực phẩm và hàng ăn uống thường giảm mạnh trong tháng này. Vào dịp Tết, do nhu cầu những mặt hàng này tăng đột biến dẫn đến giá tăng và đến tháng 3 giá giảm về mức bình thường. Quy luật này cũng hoàn toàn ứng nghiệm với tháng 3 năm nay. Thực vậy, CPI là lương thực thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tại 3 địa phương mới công bố giảm khá mạnh trong tháng 3. Cụ thể, tại TPHCM nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0.74%; còn tại Hà Nội giảm 0.81%. Đặc biệt, tại Long An nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 4.61%. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong tháng 3 chỉ tăng nhẹ dù giá xăng dầu, giá ga tăng khá mạnh.

Một nguyên nhân khác khiến cho lạm phát tháng 3 tăng thấp là sự suy yếu của nền kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng 4.4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số hàng tồn kho trong tháng 2 cũng tăng đến 17.4%, còn sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1.9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhìn vào con số nhập siêu trong 2 tháng đầu năm chỉ hơn 100 triệu USD cũng đã thấy được sự suy giảm mạnh của sức cầu trong nền kinh tế. 

Xem xét về bản chất ta thấy, yếu tố có tính chất quyết định đối với lạm phát trong tháng 3 và xu hướng sắp tới đó chính là tăng trưởng tín dụng đang ở mức rất thấp. Theo số liệu của NHNN, tín dụng 2 tháng đầu năm 2012 giảm 2.51%, còn cung tiền giảm 0.11% so với đầu năm 2011. Như vậy so với cùng kỳ năm tước tín dụng tháng 2 chỉ tăng khoảng 7%. Đây là một mức rất thấp so với mức lạm phát trong thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế đang thiếu tiền “trầm trọng”.

Phân tích đó cho thấy 2 trong 3 nguyên nhân dẫn đến lạm phát đã gần như bị triệt tiêu. Điều này cũng cho thấy lạm phát tháng 4 và cả trong tháng tới khó tăng mạnh ngay cả khi giá điện được điều chỉnh.

Từ phân tích đó tôi cho rằng dự báo CPI tháng 4 tăng 1.8%, cả năm 2012 tăng 13.5% của HCM, dự báo tăng 12% của Bản Việt và Vinacapital rất ít khả năng trở thành hiện thực. Lạm phát Việt Nam năm 2012 có thể thấp hơn mức dự báo này rất nhiều.

Chi tiết về dự báo cho lạm phát trong năm 2012 sẽ được trình bày trong bài viết tới.

Huỳnh Bá (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Lấn bấn trong ưu đãi đầu tư FDI (21/03/2012)

>   Hà Nội: Hút gần 120 triệu USD vốn FDI trong quý 1 (20/03/2012)

>   Người Nhật lại đến và mua (20/03/2012)

>   Tăng 0,19%, Hà Nội “gợi mở” CPI tháng 3 cả nước (20/03/2012)

>   Chile - thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam (20/03/2012)

>   TPHCM: CPI tháng 3 tăng 0,12% (20/03/2012)

>   Long An: CPI tháng 3 giảm 1,7% (19/03/2012)

>   Puratos đầu tư 200 tỷ đồng vào nhà sản xuất sôcôla tại Việt Nam (19/03/2012)

>   C.T Group mua lại công ty Hàn Quốc trị giá 24 triệu USD  (19/03/2012)

>   Rút phép 8 dự án FDI (19/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật