Thứ Bảy, 03/03/2012 14:32

Đại gia nợ thuế vì đâu?

Ngày 2.3, thông tin hàng loạt “đại gia” (doanh nghiệp lớn) nợ thuế đến hàng trăm tỉ đồng đã làm nóng dư luận. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp nợ thuế.

Nhưng rõ ràng việc là “đại gia” nhưng lại nợ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng tiền thuế sẽ tác động tiêu cực đến sự lành mạnh của tài chính thuế cũng như sự bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Nợ thuế - cạnh tranh không bình đẳng

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế thì do thị trường bất động sản đóng băng, những khó khăn khác của nền kinh tế đã khiến hàng loạt DN cỡ đại gia phải nợ thuế. Tại cuộc họp ngày 1.3, Tổng cục Thuế đã chỉ rõ những DN lớn nợ thuế lên tới hàng trăm tỉ đồng như Cty CP Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó ngay tại Hà Nội - địa phương sát sườn các cơ quan thuế nhưng cũng có hàng loạt DN lớn nợ thuế.

Trong số này có Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỉ đồng, Cty cổ phần XNK tổng hợp Hà Nội (Gleximco) nợ hơn 220 tỉ đồng, Cty phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nợ 152 tỉ đồng, Cty thương mại - dịch vụ Nam Cường nợ 69 tỉ đồng... Cá biệt, có khá nhiều DN lớn nợ thuế kéo dài như Cty CP Tập đoàn Thành Công; TCty Xây dựng Hà Nội...

Trên thực tế, vẫn biết là nền kinh tế khó khăn đã tác động đến các DN, nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là dù trong bất kỳ thời điểm nào thì việc các DN “được nợ” hay “nợ được” hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng tiền thuế cũng đã tác động xấu đến sự lành mạnh của tài chính thuế; đồng thời tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Một ví dụ đơn giản là chỉ cần các DN này “được nợ” hay “nợ được” số tiền trên trong một vài tháng thì số tiền vốn cũng như lãi suất có thể hưởng lợi lớn đến mức nào?

Đại diện một DN nhỏ đặt câu hỏi: Trong khi DN chúng tôi đôn đáo chạy vạy vay vài tỉ đồng với lãi suất cao thì những DN này lại có thể nợ số tiền khủng. Chưa hết, chúng tôi chỉ cần nợ vài chục triệu đồng tiền thuế thì rất có thể bị phạt nặng. Đại diện này đặt câu hỏi: Phải chăng DN đại gia có thể nợ thuế còn DN nhỏ thì không? Phải chăng những DN chấp hành thuế thì lại chịu thiệt thòi khi không thể “tận dụng” thành công cơ hội chiếm dụng vốn bằng cách nợ thuế?

Chấp nhận chịu phạt vì đói vốn?

Ngày 2.3, PV Lao Động đã làm một loạt các cuộc phỏng vấn, trao đổi với các DN trong diện bị ngành thuế điểm mặt con nợ, phần lớn là từ chối. Ông Nguyễn Thắng - Chánh văn phòng Tập đoàn HUD - trao đổi với PV Lao Động cho rằng, có thể con số ngành thuế đưa ra số nợ 400 tỉ đồng của HUD là đúng, tuy nhiên, ông này “đính chính” đây là số nợ chậm nộp tiền sử dụng đất chứ không thể là tiền thuế nói chung như các báo đưa.

Một lãnh đạo DN trong diện trên chia sẻ, thực tế số nợ hơn 100 tỉ đồng với một DN BĐS thì không phải quá lớn, tuy nhiên ở thời điểm thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay, sản xuất bị đình đốn, ngân hàng siết chặt mọi nguồn vốn nên đó quả là một khoản nợ lớn với nhiều DN. “Riêng áp lực trả lãi vay NH đã làm nhiều DN điêu đứng, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, chưa nói đến nhiều dự án tình trạng giao đất chậm, GPMB kéo dài thì áp lực với các DN còn lớn hơn rất nhiều” - đại diện DN này chia sẻ.

Cũng có một thực trạng mà không DN nào dám nói thẳng ra, đó là trong tình hình tín dụng ngặt nghèo như hiện nay, khá nhiều DN chấp nhận thà chịu phạt do chậm nộp thuế của ngành tài chính lên tới 18%/năm thì dù sao vẫn còn thấp hơn so với lãi suất đi vay của ngân hàng, hoặc phải chịu cảnh bán lại dự án. Người đứng đầu ngành thuế - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - cũng thừa nhận có tình trạng này và xác định, đối tượng chủ yếu là các  DN ngoài quốc doanh, ý thức chấp hành pháp luật thuế không cao, số nợ chiếm tới 53,8% trong tổng số nợ thuế.

Tuy nhiên,  trao đổi với  ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - về nợ thuế của các DN, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS suy thoái như hiện nay, ngành thuế cũng nên xem xét, dãn nợ cho các DN một thời gian để nuôi dưỡng nguồn thu. “Phải cho họ sống để họ còn trả nợ chứ” - ông Liêm nói. Âu đó cũng là một quan điểm.

Phạm Anh - Phạm Huệ

lao động

Các tin tức khác

>   Facebook, Google có dấu hiệu trốn thuế tại Việt Nam (03/03/2012)

>   “Lõm” nặng tiền thuế với dự án bất động sản (02/03/2012)

>   Đại gia nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế (01/03/2012)

>   Ngân hàng, bất động sản vào “tầm ngắm” thanh tra thuế (01/03/2012)

>   Đề nghị bổ sung quy định về hóa đơn điện tử (01/03/2012)

>   “Vùng tối” trong Luật Kiểm toán Nhà nước (29/02/2012)

>   Đại gia Việt bán máy bay riêng không phải nộp thuế (28/02/2012)

>   10 ngày xử lý để nợ đọng của doanh nghiệp  (27/02/2012)

>   Hạn chế ân hạn nộp thuế nhập khẩu (24/02/2012)

>   Thoả thuận trước về giá để chống chuyển giá (22/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật