Cổ phiếu LGC hủy niêm yết, ai được lợi?
Tôi xin bàn thêm một số vấn đề dựa trên những am hiểu nhất định về tình hình nội bộ của CTCP Cơ điện Lữ Gia (LGC). Từng có thời gian làm việc tại LGC nên sau khi cổ phiếu niêm yết, tôi đã tin tưởng mua cổ phiếu LGC với giá khá cao và hiện nay trở thành NĐT dài hạn bất đắc dĩ. Chính vì vậy, mọi diễn biến liên quan đến cổ phiếu LGC vài năm qua tôi đều rất quan tâm.
* LGC - dấu hỏi hoãn ĐHCĐ và hủy niêm yết
Vấn đề thứ nhất là việc tổ chức ĐHCĐ ngày 3/3 vừa qua. Vào ngày 1/3, Ban lãnh đạo LGC ra thông báo hủy cuộc họp ĐHCĐ với lý do một nhóm cổ đông lớn nắm giữ 45% vốn vì lý do khách quan không tới dự họp được và tiên liệu việc triệu tập không thành công. Tuy nhiên, ĐHCĐ vẫn được tổ chức với 5 cổ đông có mặt đại diện cho 2% cổ phần. Tại sao biết ĐHCĐ không đủ điều kiện tiến hành mà LGC vẫn tổ chức Đại hội để phát sinh các chi phí không cần thiết? Cần nhắc lại, LGC vừa nhận kiến nghị của nhóm cổ đông lớn, theo đó, LGC nên hủy niêm yết do thanh khoản của cổ phiếu quá thấp cộng với chi phí niêm yết khiến việc ở lại sàn không mang lại lợi ích cho các cổ đông (!)
Vấn đề thứ hai là phát biểu của ông Lê Quốc Bình, Chủ tịch HĐQT LGC trên Đầu tư Chứng khoán số 30 rằng “giữ quan điểm trung lập với kiến nghị hủy niêm yết với LGC”. Nhưng cổ đông nắm giữ 22,59% vốn đưa ra đề nghị này là CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu. Ông Bình “quên mất” một điều rằng CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu là một trong các công ty con của CTCP Hạ tầng Đầu tư kỹ thuật TP. HCM (CII). Hiện tại, ông Bình là Chủ tịch HĐQT của LGC, đồng thời cũng là Giám đốc tài chính của CII. Cả CII và công ty con này đang đều là các cổ đông lớn của LGC. Liệu có tin được chuyện “con” bất tuân lệnh “mẹ”?
Vấn đề thứ ba là động cơ hủy niêm yết của các cổ đông lớn. Hiện CII và nhóm công ty con sở hữu tối thiểu 45% cổ phần LGC. Lật lại dữ liệu giao dịch trong quá khứ của cổ phiếu LGC, có thể thấy cổ đông CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu đã từng “lướt sóng” khối lượng lớn cổ phiếu LGC trong giai đoạn 2009 - 2010. Với mức giá của cổ phiếu LGC giai đoạn đó, có thể ước tính giá vốn không thể thấp hơn 2 chấm.
Vào thời điểm cuối năm 2011, dù TTCK đi xuống mạnh nhưng cổ phiếu LGC vẫn đi ngang khiến CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu và cả CII không phải trích lập dự phòng (trên báo cáo tài chính). Từ đầu năm 2012 tới nay, TTCK đã có những chuyển biến tích cực thì cổ phiếu LGC lại đi ngược xu hướng chung, giảm giá mạnh dù tình hình kinh doanh của Công ty vẫn hoàn toàn bình thường. Kiến nghị hủy niêm yết của CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu liệu có mang tính công tâm, chỉ vì lợi ích của LGC hay nhằm giúp cho CII và các công ty con tránh việc trích lập dự phòng?
Với các phân tích trên đây, tôi thiết tha mong cơ quan quản lý sớm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ cổ đông nhỏ với các trường hợp các cổ đông lớn đơn phương xin hủy niêm yết phục vụ cho mục đích riêng. Các cổ đông nhỏ của LGC cũng cần đoàn kết chất vấn Ban lãnh đạo LGC trong kỳ ĐHCĐ sắp tới để làm rõ các nghi vấn phía sau kiến nghị xin hủy niêm yết.
(Một cổ đông của Lugiaco)
đầu tư chứng khoán
|