08/03 kể chuyện doanh nhân nữ
“Chủ soái” Vinamilk và giấc mơ “cách mạng trắng” ra thế giới
Khi được hỏi bí quyết để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, bà cũng chỉ chia sẻ có mấy chữ vỏn vẹn rằng bà là một người sống giản đơn, không đặt cho mình quá nhiều thứ, và đã làm thì cố gắng hết sức mình, rồi điều gì đến cũng sẽ đến thôi.
Từ 8 triệu hộp sữa đặc có đường đầu tiên đến nay, Vinamilk đã cho ra nhiều phẩm chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chiếm khoảng 39% thị phần sữa trong nước và xuất đi 16 quốc gia trên thế giới. Thương hiệu sữa Vinamilk đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế và cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu sữa đa quốc gia. Để có được điều đó không thể không nhắc đến vai trò rất quan trọng của bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), người vừa qua được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.
Forbes xếp hạng dựa trên các tiêu chí về khả năng lãnh đạo, sự sáng tạo, vốn, quy mô công ty, lợi nhuận thu được… cũng như những giá trị nhân bản mà cá nhân thông qua những nỗ lực của mình mang lại cho cộng đồng. Bà Mai Kiều Liên đứng vị trí 25 trong bảng xếp hạng, và là người phụ nữ Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách này.
Tròn 20 năm trên cương vị đầu tàu, bà đã đưa Vinamilk trở thành thương hiệu Việt có lợi nhuận và sức ảnh hưởng lớn. |
Từ kỹ sư thành nữ doanh nhân quyền lực
Sinh ra tại Pháp, đi du học ở Nga và lấy bằng kỹ sư chuyên ngành chế biến sữa, bà Mai Kiều Liên về Việt Nam làm việc tại Công ty Sữa và Cà phê miền Nam (Tiền thân của Vinamilk) với vị trí kỹ sư vào năm 1976 khi mới 22 tuổi. Với những nỗ lực không ngừng, bà Liên Thăng tiến dần lên Trưởng ca, Phó Giám đốc kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc và bây giờ là Chủ tịch HĐQT sau khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa vào năm 2003.
Tròn 20 năm trên cương vị đầu tàu, bà đã đưa Vinamilk trở thành thương hiệu Việt có lợi nhuận và sức ảnh hưởng lớn.
Forbes viết: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam”.
Từ 8 triệu hộp sữa đặc ban đầu, đến nay, Vinamilk trở thành doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng và bổ dưỡng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như sữa tươi Vinamilk, kem, phô mai, sữa đặc, sữa bột Dielac, nước ép trái cây Vfresh, trà các loại.... Hiện nay, Vinamilk chiếm khoảng 39% thị phần toàn quốc, có trên 240 nhà phân phối sản phẩm và trên 200,000 điểm bán hàng rộng khắp toàn quốc. Sắp tới, Vinamilk sẽ tung ra các mặt hàng sữa cao cấp nhưng giá cả hợp với túi tiền của nhiều hộ gia đình, để trẻ em nghèo cũng được uống sữa.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển ở thị trường nội địa, Vinamilk cũng chú trọng công tác quảng bá nhằm đưa thương hiệu sữa Việt mở rộng ra thị trường thế giới, cạnh tranh với các thương hiệu sữa đa quốc gia khác. Bà Mai Kiều Liên có chia sẻ tham vọng của mình rằng đến năm 2017, Vinamilk mong muốn lọt vào Top 50 công ty sữa mạnh nhất trên thế giới.
Để thực hiện cuộc “cách mạng trắng” trên thị trường sữa toàn cầu, dưới sự dẫn dắt của bà, Vinamilk đã cử một số sinh viên ưu tú sang Nga học chuyên sâu về chế biến sữa; đồng thời, mở rộng mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa bằng việc ký với 5,000 hộ nông dân (trên 61,000 con bò sữa) nhằm tiết kiệm chi phí nguyên liệu ngoại nhập, mang lại thu nhập cho người nông dân. Không chỉ có thế, Vinamilk đang đầu tư phát triển nhà máy sữa tươi ở Úc và New Zeland nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.
Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất tại châu Á – Thái Bình Dương của Tạp chí Forbes. Sự kiện bà Mai Kiều Liên lọt vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á năm nay càng chứng minh thêm một lần nữa sức hút của thương hiệu sữa Vinamilk, cũng như khẳng định khả năng quản lí tuyệt vời của người phụ nữ này.
Mấu chốt của sự thành công
Khi được hỏi về mấu chốt của sự thành công, bà Mai Liều Liên khẳng định những doanh nghiệp nào có hướng đi sáng tạo càng lớn thì mức độ thành công càng cao. Sáng tạo ở đây là không a dua, không theo trào lưu, xu thế; kiên định, giữ vững lập trường của mình. Sáng tạo đó phải dựa trên chiến lược nhằm phục vụ số đông và cốt lõi là sự chuyên sâu với sự phân công lao động rõ ràng.
Còn nhớ năm 1988, hạch toán độc lập trở thành xu thế chung của nền kinh tế quốc dân. Nhưng trong hoàn cảnh tiềm lực của doanh nghiệp còn yếu, Việt Nam đang trong quá trình thoát khỏi kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp với nhiều tàn dư còn sót lại, bà Liên vẫn coi trọng yếu tố vốn tập trung, nhằm tạo nên một nền tảng vững chắc về tài chính, gắn kết các doanh nghiệp thành khối thống nhất, vững mạnh. Và những thành công của Vinamilk sau đó đã chứng minh đường lối của bà là đúng đắn.
Nhiều người vẫn cho rằng sự độc đoán là một yếu tố cần thiết trong lãnh đạo. Nhưng với bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo nên quyết đoán chứ đừng độc đoán. Và bà có nói rằng văn hóa Vinamilk là thứ văn hóa sẵn sàng lắng nghe. Lắng nghe và biết cầu thị.
Tôi tự hỏi làm thế nào mà người phụ nữ nhỏ bé ấy vượt qua được những áp lực khi phải đối mặt giữa một bên là lợi ích của người tiêu dùng, một bên là quyền lợi của các cổ đông? Làm sao để đảm bảo doanh số mà vẫn tiết kiệm được chi phí? Bà nói rằng để làm được điều đó thì tất cả công nhân viên của Vinamilk phải đồng lòng, thái độ làm việc nghiêm túc, cố gắng hết sức mình. Và ngay cả bản thân bà cũng đã có những ngày cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với công nhân.
Một khi tất cả đều nhìn về một hướng, giấc mơ vào cuộc “cách mạng trắng” và Top 50 sẽ là một ngày không xa…
…niềm vui tình cờ
Trước câu hỏi bà cảm thấy như thế nào khi biết tin mình lọt vào “Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á” do Tạp chí Forbes bình chọn thì bà chỉ trả lời một cách ngắn gọn rằng: “Tôi cảm thấy rất vui”. Câu trả lời khiêm tốn nhưng chứa đầy xúc động. Vui vì sự vinh danh này không chỉ có ý nghĩa với bản thân bà mà nó còn là sự công nhận của thế giới đối với phụ nữ Việt Nam. Vui vì qua sự kiện này, dòng chữ Vinamilk lại thêm một lần nữa được xướng lên trên thị trường hàng tiêu dùng vốn đã nhiều sôi động lại càng sôi động. Vui vì tin này đến một cách hết sức tình cờ (Người đầu tiên báo tin cho bà chính là người chồng của bà).
Suốt mấy chục năm qua, kết thúc công việc mỗi ngày, bà lại về với tổ ấm của mình, tự tay nhặt từng cọng rau và nấu cơm cho chồng con. Gia đình bà không có người giúp việc, mỗi người cùng xắn tay áo một chút là xong. Ở người phụ nữ này có gì đó mộc mạc rất dễ thương của người phụ nữ Việt Nam.
Khi được hỏi bí quyết để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, bà cũng chỉ chia sẻ có mấy chữ vỏn vẹn rằng bà là một người sống giản đơn, không đặt cho mình quá nhiều thứ, và đã làm thì cố gắng hết sức mình, rồi điều gì đến cũng sẽ đến thôi.
Và niềm vui cũng vì thế mà đến một cách hết sức tình cờ…
Đậu Dung (Vietstock)
finfonet
|