Bong bóng tài chính: Việt Nam rủi ro hơn thế giới?
"Kẽ hở của Việt Nam là hệ thống giám sát tài chính chưa bắt kịp với thế giới, chính vì vậy, quả bóng tài chính của chúng ta dù chưa to nhưng không phải không có rủi ro, thậm chí rủi ro còn lớn hơn so với thế giới" - ông Võ Trí Thành cảnh báo.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, ông Võ Trí Thành, trao đổi với báo chí về tác động của bong bóng tài chính thế giới và đánh giá mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam.
- Hiện nay có ý kiến cho rằng bong bóng tài chính (giá trị tài sản tài chính) lớn hơn gấp 2 lần GDP? Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Võ Trí Thành: Thế giới hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau. Trên thế giới, bóng bóng tài chính lớn hơn gấp 13-17 lần so với GDP. Tôi nói thế có nghĩa thế giới này sống với quả bóng tài chính, nhưng cái ta muốn làm hiện nay là phải để cho quả bóng không thủng, không vỡ vì nó rủi ro rất lớn.
Thứ hai là quả bóng lớn tới mức gắn với rất nhiều trò chơi, mà các trò này tự "chơi" với nhau chứ không gắn với nền kinh tế thực.
Ở Việt Nam, bong bóng tài chính chưa lớn đến mức đó nhưng cũng phản ảnh rất rõ. Nếu chúng ta cộng tất cả các tài sản tài chính hoặc gần tiền, gần tài chính như: vốn hóa thị trường chúng khoán, trái phiếu Việt Nam, tín dụng ngân hàng, vàng trong dân... cỡ đâu đó, lớn gấp 2 lần GDP Việt Nam.
Và chúng ta quan sát thấy có những trò chơi nội tại ít gắn với nền kinh tế thực Ví dụ, các ngân hàng cho vay lòng vòng với nhau, hay là người dân chi mua vàng, trao đổi vàng... tạo giá trị gia tăng vô cùng nhỏ. Chính vì thế cả Việt Nam và thế giới đều đang nhìn nhận lại việc quản lý vốn và giám sát tài chính để đảm bảo làm sao ổn định, trở thành khu vực trung gian chuyển nguồn lực nơi thừa sang nơi thiếu một cách có hiệu quả và càng ngày càng gắn với kinh tế thực.
- Với thế giới bong bóng tài chính gấp 13 lần GDP, còn Việt Nam gấp 2 lần GDP? Mức độ nguy hiểm đối với Việt Nam đến đâu, thưa ông?
Tôi cho rằng quả bóng tài chính Việt Nam không quá lớn như thế giới, vì mức độ sáng tạo của các trò chơi tài chính ở Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên, mức độ rủi ro thì không thấp hơn do chúng ta chưa mở cửa hoàn toàn việc trung chuyển vốn; và khả năng kiểm soát hạn chế (ví dụ chưa kiểm soát hết buôn lậu vàng... ).
Kẽ hở tại Việt Nam là hệ thống giám sát tài chính chưa bắt kịp với thế giới, chính vì vậy, quả bóng tài chính của chúng ta dù chưa to nhưng không phải không có rủi ro, thậm chí còn có rủi ro lớn hơn so với thế giới.
- "Tự chơi" với nhau tức họ thành lập các tập đoàn, đứng ra thành lập các ngân hàng huy động vốn và cho vay?
Đây là vấn đề sở hữu chéo, việc xung đột lợi ích, dùng nguồn lực đó làm lợi cho mình. Rủi ro nằm ở chỗ trò chơi như thế nó "độc quyền" và chỉ làm lợi cho nó và khả năng giảm sát khó, thường liên quan đến trung chuyển vốn lòng vòng và liên quan đến sở hữu chéo. Thêm nữa đã kém, vỡ thì lan tỏa lớn mà khó kiểm soát. Hiện nay pháp lý của chúng ta cũng kém về nguyên tắc sở hữu chéo như thế nào, năng lực giám sát, minh bạch thông tin.
- Vậy bong bóng tài chính ở Việt Nam ở ngưỡng nào là đến mức nguy hiểm?
Ý tôi muốn nói, to hay nhỏ ở mỗi quốc gia rủi ro mỗi khác. Giống như câu chuyện tổng nợ công trên GDP, có thể nước này có tổng số nợ công lớn gấp đôi nước kia nhưng rủi ro có thể nhỏ hơn vì còn phụ thuộc vào nhiều thông số khác - đây là bài toán rất phức tạp. Tuy nhiên, tất cả đều chứa đựng rủi ro trong đó, và hệ thống giám sát yếu khi bong bóng tài chính càng to thì rủi ro càng lớn.
- Trong hệ thống bong bóng tài chính hiện nay lĩnh vực nào nguy hiểm nhất, nằm ở đâu vàng, ngân hàng, bất động sản hay chứng khoán?
Tất cả có mối quan hệ chằng chịt với nhau, liên quan đến trung chuyển vốn. Vốn bên ngoài, vốn bên trong, vốn ra, vốn vào, vốn chuyển từ loại hàng hóa này sang loại hàng hóa khác, tài sản tài chính này sang tài sản tài chính khác. Ví dụ đôla sang Việt Nam đồng, Việt Nam đồng sang vàng... Việc chúng ta cần xử lý gấp nhất là nợ xấu. Nợ xấu liên quan đến bất động sản, thanh khoản, đằng sau đó là vấn đề năng lực hệ thống giám sát tài chính ngân hàng, minh bạch hóa thông tin hiện nay.
- Vậy cơ chế giám sát ở Việt Nam nên theo hướng nào cho hiệu quả?
Hệ thống giám sát Việt Nam hiện đã có cải thiện, hiện nay giám sát cơ bản theo định chế. Theo cách thức ví dụ như hệ thống giám sát của Ngân hàng Nhà nước, giám sát các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, đã có quyết định của Thủ tướng về hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Vì quan hệ tài chính rất phức tạp, chằng chịt, lại gắn với chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ, tài khóa, tỷ giá, lãi suất... , nên chúng ta cần giảm sát hệ thống tài chính trong một tổng thể và phải gắn với những biến động của chính sách, kinh tế vĩ mô. Việc này chúng ta đang làm. Trong quá trình xây dựng lộ trình, bước đầu tiên chắc chắn chúng ta phải ổn định cho được tình hình hiện nay liên quan đến một số ngân hàng yếu kém, liên quan đến vấn đề thanh khoản, nợ xấu.
Ngọc Hà (ghi)
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|