Thứ Năm, 01/03/2012 17:08

Lương tối thiểu còn nhiều bất cập

Khu vực hành chính, sự nghiệp đang có mức lương tối thiểu thấp nhất so với các khu vực khác trong toàn nền kinh tế.

Bất cập lớn nhất hiện nay trong cách áp dụng chính sách lương tối thiểu là tại cùng một địa bàn tồn tại hai mức tiền lương tối thiểu khác nhau (cho khu vực doanh nghiệp và cho khu vực hành chính, sự nghiệp). Điều này đã phần nào làm sai lệch bản chất của chính sách tiền lương tối thiểu - TS Vũ Nhữ Thăng – Phó Viện trưởng Viện chính sách tài chính đưa ra nhận xét.

Vừa bình quân vừa chênh lệch

Mức lương tối thiểu chung là lưới an toàn xã hội, chống bóc lột, đói nghèo, làm chuẩn cho chính sách xã hội và việc làm bền vững. “Tuy nhiên, chúng ta lại sử dụng để so sánh quan hệ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là không phù hợp, mức lương tối thiểu không xếp cho ai nên việc so sánh quan hệ tiền lương không thật, vừa bình quân trong khu vực, vừa chênh lệch giữa các khu vực: hành chính- sự nghiệp-lực lượng vũ trang-doanh nghiệp nhà nước” – TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Xã hội nêu nhận xét.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Tiền lương tối thiểu (bằng mức lương tối thiểu chung cộng phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút) hết sức mâu thuẫn, vô lý: khu vực chi từ ngân sách tiền lương tối thiểu ở thành phố, khu đô thị là thấp nhất, trong khi khu vực sản xuất kinh doanh lại cao nhất”.

Bên cạnh đó, theo ông Lợi, quan hệ giữa mức lương tối thiểu chung với "sàn" mức lương tối thiểu vùng là gì; cơ cấu lương tối thiểu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu ra sao? không có cơ quan nào giải thích. Xác định mức lương tối thiểu cho ai, làm việc gì, ở đâu, đều rất mù mờ, cơ quan chịu trách nhiệm tính toán, xác định thì giải thích không rõ ràng, thiếu tính thuyết phục và không phù hợp với thực tế. Đối với cán bộ, công chức, viên chức mức lương tối thiểu áp dụng cho chức danh nào và vì sao cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) lại áp dụng mức lương tối thiểu chung trong xã hội là những vấn đề còn hết sức bất cập.

Chính từ thực tế này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, quan hệ tiền lương tối thiểu - trung bình - tối đa cũng chưa hợp lý, nhất là hệ số trung bình quá thấp trong quan hệ này nên không cải thiện được đời sống và khuyến khích được CBCCVC có hệ số lương thấp; Tiền lương trả cho CBCCVC được qui định bằng hệ số được tính trên cơ sở tiền lương tối thiểu chung; tiền lương chưa được trả đúng với vị trí làm việc, chức danh và hiệu quả công tác, chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Về mức lương tối thiểu, theo ông Đặng Như Lợi, chỉ bảo đảm bù trượt giá là chính, mức tăng để bảo đảm tiền lương đủ sống tốt, phù hợp với giá trị lao động là không đáng kể và ngày một giảm dần. Ông Lợi đưa ra tính toán của mình: Năm 2008, mức lương tối thiểu là 540.000 đồng/ tháng; năm 2011 là 830.000 đồng/tháng. Chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng qua các năm, 2008: 19,89%; 2009: 6,52%; 2010: 11,75%; 2011: 18,3%. Nếu gốc so là năm 2007 (mức lương tối thiểu là 450.000 đồng/tháng) thì tiền lương danh nghĩa tăng 84.4%; chỉ số giá cả hàng hóa tiêu dùng chung tăng 68,4%. Nếu tính riêng mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao hơn chỉ số giá chung 22%, thì chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng 105,4%. Như vậy tiền lương thực tế tăng sau 4 năm là 9,5% (theo chỉ số giá chung) hoặc -10,2% (nếu tính riêng theo giá lương thực, thực phẩm).

Lương phải chiếm 70-80% tổng thu nhập

Theo ông Đặng Như Lợi, sau 20 năm thực hiện cải cách tiền lương đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Tốc độ điều chỉnh bảo đảm tiền lương thực tế chậm dần. Tiền lương hầu như không có tác động đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách; không gắn bao nhiêu với cải cách hành chính. Tiền lương thực hiện (thực nhận) ngày càng bình quân. Tiền lương ngày càng chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương chung.

Chính vì vậy, theo ông Lợi, việc cải cách tiền lương CBCCVC phải bảo đảm tiền lương là thu nhập chính (chiếm khoảng 70-80% tổng thu nhập) và tiền lương trả cho CBCCVC có ngạch, bậc thấp nhất phải ở mức trên trung bình của lao động khu vực thị trường (doanh nghiệp) để họ gắn bó với khu vực nhà nước và làm tròn trách nhiệm công vụ của mình, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng. “Điều này phải được thực hiện theo nguyên tắc, lấy mặt bằng tiền lương khu vực thị trường làm căn cứ thiết lập quan hệ tiền lương khu vực nhà nước” – ông Lợi nhấn mạnh.

Các giải pháp khác được ông Đặng Như Lợi đưa ra bao gồm: Mở rộng quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa theo hướng ưu tiên mở quan hệ tiền lương trung bình để đảm bảo cho phần đông CBCCVC đạt mức lương trên trung bình của lao động khu vực thị trường; Xây dựng thang bảng lương cán bộ, công chức theo hướng quy định mức lương (không theo hệ số) ứng với chức danh và vị trí công việc (Thang bảng lương lãnh đạo, quản lý và thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ), tiến tới công bố tiền lương năm cho chức danh và vị trí làm việc để khắc phục việc gắn hệ số lương với mức lương tối thiểu chung.

Còn theo ông Vũ Nhữ Thăng, cần đánh giá lại mức sống tối thiểu để có các phương án tiền lương tối thiểu tương thích với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của nền kinh tế... Đồng thời, nghiên cứu hình thành mức lương tối thiểu theo vùng để áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp như khu vực sản xuất kinh doanh hiện nay, qua đó đảm bảo việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu thống nhất. Đồng thời, đảm bảo mức lương tối thiểu thực tế phù hợp với sự cải thiện và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trên cơ sở xác định mức tiền lương tối thiểu phù hợp, hàng năm thực hiện điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu trên cơ sở diễn biến của các chỉ số kinh tế vĩ mô khác (ví dụ, tốc độ tăng chỉ số giá, tăng trưởng GDP...).

Giải pháp đáng chú ý được ông Đặng Như Lợi đưa ra để có thể cải cách tiền lương theo hướng tích cực, tăng thêm là giảm khoảng 40% số biên chế CBCCVC hiện nay./.

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   "Hợp nhất" chính sách tiền tệ và tài khoá (01/03/2012)

>   Đề nghị bỏ lương tối thiểu của công chức (10/02/2012)

>   NHNN bổ nhiệm 3 cán bộ cấp vụ (10/02/2012)

>   Khó trì hoãn giao dịch “đen” (09/02/2012)

>   Lương doanh nghiệp: Nơi ngất ngưởng, chỗ khó sống (08/02/2012)

>   Làm sao khơi nguồn lực hàng trăm tấn vàng? (03/02/2012)

>   Tín dụng đen: Cần sự can thiệp sâu hơn từ phía Nhà nước (02/02/2012)

>   Sắp công bố kết quả thanh tra về tiền lương tại EVN (31/01/2012)

>   Thực hiện chính sách tài khóa kiềm chế lạm phát (24/01/2012)

>   Mất Tết vì "bão quét" tín dụng đen (21/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật