Bất thường VSP: cú “úp sọt” cuối cùng?
Thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể phải rời sàn, nhưng VSP lại có chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp. Đây là cú “úp sọt” cuối cùng với NĐT?
Thua lỗ năm thứ 3 liên tiếp, cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và bất động sản Việt Hải chỉ còn chờ ngày ra báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 để chính thức bị loại khỏi danh sách niêm yết cổ phiếu. Vậy nhưng, cổ phiếu này lại đang có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp tính đến ngày 29/3. Một thông tin tốt của Công ty chưa được công bố, hay đây là cú “úp sọt” cuối cùng với NĐT?
Bất thường và bình thường VSP
Khi hầu hết các mã chứng khoán đang niêm yết trên sàn bắt đầu giảm giá thì cũng là lúc VSP ngược dòng tăng tốc. Thứ Sáu tuần trước (23/3) là ngày mở màn cho chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu VSP đã tăng nhanh chóng từ mức 3.400 đồng lên 4.400 đồng/CP trong phiên 29/3 với dư mua lớn giá trần, tương đương mức tăng 29,4%. Từ trạng thái thận trọng không bán ra, rồi bán ra bao nhiêu cũng được mua hết, NĐT bắt đầu lờ mờ nghĩ đến khả năng, VSP còn thông tin tích cực nào đó đang chờ ngày công bố.
Thống kê kết quả kinh doanh của VSP trong 3 năm vừa qua cho thấy, mặc dù thua lỗ 3 năm liên tiếp, với con số lỗ năm 2011 lên tới 535 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ 380 tỷ đồng, nhưng nếu nhìn vào con số báo cáo tài chính đơn thuần, VSP chưa phải rơi vào đường cùng. Vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến hết năm 2011 vẫn là 471 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu VSP đạt 12.400 đồng, lớn hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại.
Lý do thứ hai có thể xem xét là mặc dù có nguy cơ bị hủy niêm yết, nhưng khi chuyển xuống giao dịch tại UPCoM, cơ chế giao dịch không khác biệt mấy so với niêm yết tại HNX, nên mức độ tác động của quyết định này, nếu có, là không lớn.
Ngoài những lý do rất khách quan để biện minh cho đợt tăng giá của VSP, một số NĐT còn lạc quan cho rằng, không ngoại trừ khả năng VSP có thể trụ lại niêm yết tại HNX. Lý do là, hủy niêm yết hay không phụ thuộc vào báo cáo tài chính kiểm toán. Và vì thế, khi chưa có BCTC kiểm toán thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Một điều nữa có thể khiến NĐT phải cân nhắc là, khả năng VSP có khoản lợi nhuận đột biến trong kết quả kinh doanh quý I/2012, như bán tàu, bán tài sản… Có lẽ vì thế, quan sát giao dịch của VSP cho thấy, đà tăng này đã bắt đầu thu hút được sự tham gia của NĐT nhỏ lẻ.
Nghi vấn về… cú “úp sọt”
Những ai quan tâm đến VSP đều sẽ quan tâm nhiều đến chất lượng tài sản của Công ty. Một câu chuyện được thị trường quan tâm, đó là cách hạch toán các tài sản “lưỡng tính” của VSP - những con tàu. Tàu được mua về, phục vụ mục đích thương mại - tức là hàng hóa, nhưng hạch toán như một tài sản, có tính khấu hao là cách mà VSP đã làm và vẫn đang duy trì cách áp dụng.
Bà Nguyễn Thị Hải Tạo, Kế toán trưởng của VSP cho hay, tổng giá trị tàu chiếm khoảng 80% giá trị tài sản cố định hữu hình của Công ty. Với 1.660 tỷ đồng tài sản hữu hình, tổng giá trị đội tàu mà VSP sở hữu ước khoảng 1.328 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng với suy thoái kinh tế, giá các tàu đã sụt giảm mạnh. Cùng một loại tàu, cùng là hàng vừa mới xuất xưởng, giá tàu thời điểm hiện tại đã giảm tới 30 - 50% so với giá của giai đoạn năm 2007. Bỏ qua các yếu tố lạc hậu, cũ kỹ, nếu tính giá trị tài sản của tàu giảm khoảng 30% so với giá trị sổ sách, thì VSP đã hạch toán vượt khoảng gần 400 tỷ đồng so với giá thị trường của tài sản nắm giữ. Chỉ riêng con số này thôi đã đủ để lượng vốn chủ sở hữu của Công ty có nguy cơ tan thành mây khói.
Trong khi đó, với gần 2.000 tỷ đồng vay nợ ngắn và dài hạn, riêng chi phí lãi vay của Công ty trong quý IV/2011 lên tới 133 tỷ đồng, các hoạt động chính là vận tải (kèm bán tàu), bất động sản đều chưa có tín hiệu tích cực nào. Tình trạng của VSP có thể nói là khá bí bét, như lời nhận xét của chính vị Kế toán trưởng Công ty khi trao đổi với ĐTCK là “rất xấu, xấu hơn rất nhiều”.
Với tình trạng tài chính như trên của Công ty, đợt tăng giá của cổ phiếu VSP lúc này chỉ có thể giải thích bằng nghi vấn: một cú “úp sọt” cuối cùng của ai đó nhằm thoát hàng?
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|