Xuất khẩu nông sản 2012: Khó khăn chồng chất
Lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần. Bên cạnh đó, sự bất ổn ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng nợ ở châu Âu - cũng khiến tình hình xấu đi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 1/2012 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, so với cùng kỳ năm 2011, xuất khẩu đầu năm 2012 giảm mạnh về lượng, trong khi giá xuất khẩu lại giữ nguyên so với cùng kỳ, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều giảm.
Giảm mạnh nhất là cà phê giảm tới gần 40%, gạo giảm 53,4%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 42,2%. Chỉ riêng mặt hàng hạt tiêu có kim ngạch tăng trưởng tương đương tháng 1/2011 nguyên nhân là giá hạt tiêu đầu năng tăng hơn 50,6%.
Giá kém, thị trường khó khăn
Lý giải về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung của tháng 1, Bộ Công thương cho rằng do nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, thực tế hoạt động giao dịch mua bán chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày của tháng 1.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp, còn có lý do khác là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp khó khăn về thị trường và giá có xu hướng giảm.
Sang năm 2012, Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vì lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần do tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam đã làm gia tăng áp lực lạm phát và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến giá xuất khẩu cũng bị đẩy cao. Bên cạnh đó, sự bất ổn ở khu vực Trung Đông đang đẩy giá dầu, giá nhiên liệu và giá thực phẩm nói chung tăng cao. Khủng hoảng nợ ở châu Âu - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, cũng khiến tình hình xấu đi.
Cụ thể, lúa gạo đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác. Trong tháng 1, giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo là do giá gạo hiện cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác, như: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Đối với mặt hàng cà phê, tháng qua đã có những biến động bất thường về giá, hồi đầu tháng sau khi tăng nhẹ, giá lại bất ngờ giảm mạnh. Mặt hàng này cũng đang phải chịu chung tình cảnh ảm đạm của tình hình kinh tế châu Âu, nên giá cà phê xuất khẩu sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. Ước xuất khẩu cà phê tháng 1 đạt 170.000 tấn với trị giá 350 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và 15,3% về giá trị so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó người dân trồng cà phê của Việt Nam cũng đang rất lo lắng về sản lượng có thể giảm trong năm nay, do hoa đã nở bung sớm dễ gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Tuy nhiên, theo tổ chức cà phê thế giới ICO thì sản lượng giảm nhưng nhu cầu thì không hề giảm, đặc biệt là vào dịp diễn ra Euro 2012, cà phê vốn là thức uống truyền thống của các nước châu Âu. Nên trong dài hạn xu hướng giá cà phê là vẫn tăng.
Mặt hàng cao su cũng sụt giảm đáng kể cả về lượng và giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu. Xuất khẩu cao su ước đạt 60.000 tấn giảm hơn 19% về lượng và tới gần 39% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong các mặt hàng nông sản chính chỉ có tiêu và hạt điều là vẫn giữ được giá trên thị trường thế giới; trong đó xuất khẩu tiêu ước đạt 4.000 tấn, kim ngạch đạt 30 triệu USD, tăng 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đầu năm xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tương đối ổn định, có giảm nhẹ về lượng nhưng vẫn giữ giá xuất khẩu tương đối tốt. Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đưa ra thông tin dự báo giá tiêu sẽ giảm nhưng đây có thể chỉ là thông tin nhằm đầu cơ, thu mua hạt tiêu với giá rẻ nhằm trữ hàng đến giữa năm khi mùa thu hoạch đã hết và nhu cầu tiêu thụ bắt đầu lớn, giá cao. Nhìn chung với mặt hàng hạt tiêu, năm nay sản lượng có thể giảm nhưng xu hướng giá thì sẽ tiếp tục tăng.
Đối với mặt hàng thuỷ sản tháng 1 xuất khẩu ước đạt 370 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ. Nền kinh tế của nhiều nước châu Âu đang lâm vào khó khăn, việc tiêu thụ cũng như khả năng thanh toán của nhóm thị trường này đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước
Mới đây, Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cũng lưu ý, tình hình chính trị tại một số quốc gia Trung Đông đang trong tình trạng hết sức căng thẳng. Mỹ, EU đã áp đặt lệnh cấm vận với Iran và đang vận động, gây sức ép các nước chấm dứt giao dịch với Iran. Chính phủ Iran đang ngày càng bị cô lập. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh với thị trường này phải hết sức lưu ý, cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường cũng như tình hình chính trị thông qua các phương tiện báo chí truyền thông trong nước.
Bị EU cảnh báo
Thông tin ttừ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian gần đây, nhiều lô hàng rau, quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị thông báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại.
Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban Châu Âu (EC) còn thông báo, kể từ ngày 15/1/2012, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, EU sẽ cấm nhập khẩu rau, quả của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã gửi công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với hàng rau, quả xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu.
Bởi nếu sự việc này tiếp diễn, không chỉ khiến rau, quả của Việt Nam không xuất khẩu được sang EU mà uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả để tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất rau, quả tại địa phương đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của EU.
Bộ này cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu đi EU, chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu do cơ quan kiểm dịch thực vật cấp.
Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý doanh nghiệp và nhà sản xuất, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản khi lợi thể cạnh tranh về giá không còn được đề cao, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, hướng mạnh vào phát triển sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, có sức cạnh tranh và vượt được rào cản thương mại của các nước nhập khẩu.
Người dân cần được tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong sản xuất và xuất khẩu rau quả./.
VOV online
|