Trung Quốc tích cực mua các công ty châu Âu
Đón bắt những cơ hội đầu tư lớn mà chính những căng thẳng tài chính và kinh tế nghiêm trọng tại khu vực đồng euro (Eurozone) đem lại, các công ty và quỹ đầu tư Trung Quốc dư giả tiền mặt đã đẩy mạnh đầu tư vào châu Âu, mua các công ty từ nhiều lĩnh vực như điện, năng lượng, cơ khí, công nghệ cao, tài chính, kể cả các công ty đóng du thuyền hạng sang.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc lại tránh đầu tư vào nợ công của Eurozone.
Giới phân tích cho hay không phải "bàn tay bí mật" của Bắc Kinh, mà chính các cuộc săn lùng-mặc cả đang thúc đẩy làn sóng thâu tóm gần đây của các công ty Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty này đang tìm cách mở rộng ra nước ngoài, còn các quỹ đầu tư quốc gia muốn đa dạng hóa đầu tư bên cạnh việc đầu tư vào trái phiếu Mỹ.
Theo thống kê chính thức mới nhất, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu năm 2010 tăng gấp hơn hai lần lên 6,7 tỷ USD. Giới phân tích dự báo xu hướng thâu tóm công ty của Trung Quốc tại châu Âu sẽ tiếp diễn trong bối cảnh kinh tế các nước Eurozone xấu đi.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào châu Âu đã làm dấy lên nỗi lo ngại tại châu lục này rằng Bắc Kinh có thể giành được quá nhiều ảnh hưởng tại đây.
Tuy nhiên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cuối tuần qua nhấn mạnh Trung Quốc không có khả năng cũng như ý định "mua châu Âu." Trung Quốc "sẵn sàng hợp tác với châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay".
Nhà kinh tế Mark Williams thuộc Capital Economics ở Luân Đôn cho hay các thương vụ gần đây của Trung Quốc được sự hậu thuẫn của nguồn tín dụng rẻ của các ngân hàng Trung Quốc.
Thỏa thuận gần đây nhất là thỏa thuận China State Grid nhất trí mua 25% cổ phần của công ty điện lưới quốc gia Bồ Đào Nha với giá 387 triệu euro.
Đầu tuần trước, công ty thiết bị xây dựng Sany Heavy Industry (Trung Quốc) cũng đồng ý mua công ty cơ khí gia đình trị Putzmeister (Đức) với chi phí chưa công bố.
Thương vụ "đình đám" thời gian gần đây là việc quỹ đầu tư quốc gia China Investment Corp (Trung Quốc) trị giá 400 tỷ USD sẽ đầu tư một lượng lớn ngoại tệ để mua cổ phần của công ty điện Thames Water (Anh).
China Three Gorges hồi tháng 12/2011 qua mặt nhiều đối thủ mua 21,35% cổ phần của Energias de Portugal (Bồ Đào Nha) với giá 2,7 tỷ euro.
Hồi tháng trước, Shandong Heavy Industry đồng ý trả 374 triệu euro mua 75% cổ phần trong công ty đóng du thuyền hạng sang Ferretti Group (Italy).
Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh hồi tháng 11/2011 cho hay Chính phủ nước này sẽ cử một phái đoàn đầu tư đến châu Âu trong năm nay, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đầu tư vào tài sản thực hơn là bỏ tiền mua nợ nhà nước chứa nhiều rủi ro.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra cam kết chắc chắn nào về việc hỗ trợ tài chính cho châu Âu, mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu không ngừng kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào các quỹ trợ giúp tài chính của châu lục này.
Các chuyên gia cho rằng chẳng nhà đầu tư nào muốn mua nợ Eurozone khi họ có thể tiếp tục đầu tư vào những tài sản đầu tư được đánh giá có độ rủi ro thấp hơn, như mua nợ của Mỹ và mua các công ty có khả năng sinh lời của châu Âu./.
Như Mai
Vietnam+
|