Thứ Tư, 22/02/2012 09:27

Trong ngân hàng có… ngân hàng

Nếu hàng loạt ngân hàng yếu kém phải giải thể, sáp nhập thì quyền lợi của các cổ đông, người gửi tiền sẽ được giải quyết như thế nào?

Vụ hợp nhất của ba ngân hàng thương mại cổ phần (Ficombank, TinNghiaBankSCB) cuối năm ngoái tuy chỉ là "ví dụ" nhẹ nhàng, nhưng từ đó không chỉ các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng mà ngay cả người dân đã bắt đầu làm quen với việc ngân hàng bị sáp nhập và đóng cửa.

Làm quen và thích ứng

Trong thương vụ hợp nhất nói trên, NHNN làm tổng đạo diễn và vai chính là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo công bố của BIDV, vụ việc được giải quyết khá nhanh, gọn, êm thấm. (Tất nhiên, quá trình tái cấu trúc ngân hàng sau hợp nhất sẽ mất vài năm). Vậy nhưng, sau khi công bố kết quả tiến trình bước đầu của vụ hợp nhất này, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV phải thốt lên: Trong ngân hàng to là những "ông" nhỏ, trong ngân hàng nhỏ toàn ông "to".

Với tư cách là một ngân hàng lớn của nhà nước, BIDV không chỉ cử người mà phải đưa cả tiền sang để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ phải trả của ba ngân hàng này. Nói là ngân hàng lớn, sau 55 năm hoạt động, nhưng BIDV cũng chỉ dám tuyên bố: tiến tới trở thành tập đoàn tài chính ngân hàng. Trong khi đó, nhiều ông chủ nắm trong tay vài ba ngân hàng, vô số doanh nghiệp - đó mới thực sự là những "tập đoàn" không cần tuyên bố.

Bằng cách này, cách khác, tất nhiên NHNN sẽ nắm được phần nào danh sách những ông chủ thực sự của các NHTMCP. Vì thế, tới đây thị trường sẽ chứng kiến sự hợp nhất, sáp nhập không phải chỉ của các NHTMCP làm ăn thua lỗ, mất thanh khoản mà cả những NHTMCP đang hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp này, những cái tên đang được thị trường "đồn đoán" nhiều nhất là ACB, Eximbank, Sacombank, Đông Á… NHNN tỏ rõ quyết tâm sắp xếp, củng cố lại hệ thống, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng hiện nay là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Sắp đến mùa đại hội cổ đông, sớm hay muộn thì việc ngân hàng được xếp vào hạng nào cũng bị lộ. Người gửi tiền lo đã đành, các cổ đông nhỏ, trót góp vốn vào ngân hàng càng lo hơn.

Trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng, đã có nhiều vụ phải xử lý những ngân hàng yếu kém, nhưng chủ yếu không công khai. Thông tin từ bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho biết, 11 năm qua, có 39 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị sự cố, đổ vỡ hoặc rút giấy phép. DIV đã chi trả 20 tỷ đồng cho người gửi tiền của 18 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện nay con số các ngân hàng bị xếp vào nhóm 4 lên đến cả chục thì việc chi trả bảo hiểm sẽ như thế nào? Việc NHNN không công bố công khai danh sách những ngân hàng yếu kém là để tránh gây hoang mang, xáo trộn trong dân chúng.

Bảo hiểm tiền gửi: "Bao" đến đâu?

Hiện DIV giám sát hơn 1.000 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 3 loại hình là ngân hàng, công ty tài chính và quỹ tín dụng nhân dân. Theo quy định hiện hành, DIV chỉ bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng tiền đồng. Mức chi trả ngay tối đa cho một người gửi tiền là 50 triệu đồng. Trong trường hợp khách hàng gửi nhiều hơn 50 triệu đồng thì số tiền còn lại sẽ tiếp tục được DIV chi trả, nhưng phải đợi kết quả thanh lý ngân hàng nhận tiền gửi. Tuy nhiên trong danh sách các khoản chi trả của DIV sau đó sẽ theo thứ tự ưu tiên sau: các khoản lệ phí, chi phí cho việc giải thể TCTD; các khoản tiền của Nhà nước và các TCTD khác cho vay đặc biệt nhằm hỗ trợ chi trả tiền gửi; các khoản tiền gửi của khách hàng; các khoản chi trả tiền bảo hiểm của DIV; các khoản nợ vay khác (nếu có); các khoản nợ thuế. Cuối cùng DIV mới chi trả vốn góp thành viên vào ngân hàng và việc giải quyết các quyền lợi khác của thành viên chỉ được thực hiện sau khi đã giải quyết xong các nghĩa vụ đối với các chủ nợ. DIV cũng cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh hạn mức chi trả cho người gửi tiền. Thế nhưng, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi mới được đưa ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011 vừa qua. Vẫn còn rất nhiều tranh luận và sớm nhất thì cũng phải tới cuối năm 2012 dự luật này mới được thông qua. Nhưng ngay cả với mức chi trả như hiện nay, khả năng chi trả của DIV cũng là một vấn đề. Theo công bố của DIV vào cuối 2011, với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, cộng thêm nguồn thu phí, nguồn cấp thêm... số tiền mà DIV nắm giữ chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 1% tổng tiền gửi của khách hàng trong toàn hệ thống ngân hàng.

Vậy, nếu phải chi trả cùng lúc cho nhiều ngân hàng mất thanh khoản, DIV sẽ "xoay" cách gì? Cách truyền thống sẽ vẫn từ ngân sách; cách thứ hai là huy động hỗ trợ của các NHTM nhà nước lớn (như trường hợp BIDV vừa rồi). Thế nhưng, ngoài nguy cơ tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng quá lớn (nếu dân rút tiền ồ ạt) thì cái mất lớn hơn là mất niềm tin. Liệu các ngân hàng khác không nằm trong danh sách đen có đủ sức hấp dẫn để hút lượng tiền kia về? Người dân cũng không thể nào cứ cất trữ tiền mặt trong nhà. Họ sẽ quay ra mua vàng, mua USD... Như vậy, e rằng, sóng trên thị trường vàng, ngoại tệ sẽ có cơ hội trở lại.

Thứ nữa, những NHTM lớn không thể "giúp" không công. Như vậy, về số lượng, có thể sẽ ít ngân hàng đi, nhưng có thêm nhiều mối liên hệ chồng chéo lẫn nhau trong hệ thống, kiểu trong ngân hàng có ngân hàng. Vì thế không phải vô cớ mà BIDV đang trình Chính phủ cho phép thành lập một công ty chuyên quản lý phần vốn nhà nước mà BIDV đang nắm giữ. Cần phải nói thêm là, hiện BIDV đã có 6 công ty con, và dù có cổ phần hóa thì đây vẫn là một NHTMCP của nhà nước.

Thái Thanh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Khuất tất ngân hàng... “giữ hộ” vàng (22/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Khi ông lớn ra đòn (22/02/2012)

>   Agribank giảm lãi suất cho vay các đối tượng khách hàng (21/02/2012)

>   Các ngân hàng cũng phải tiết giảm 5-10% chi phí (21/02/2012)

>   Lãi suất thấp khó đến tay doanh nghiệp (21/02/2012)

>   Vốn tín dụng sắp được mở? (21/02/2012)

>   Standard Chartered: Lãi suất sẽ giảm vào quý 3 (21/02/2012)

>   Lãi suất cho vay có thực giảm? (21/02/2012)

>   Ngân hàng nhóm 1 lần lượt công bố (21/02/2012)

>   Bao giờ Ngân hàng Trung ương thay thế Ngân hàng Nhà nước? (21/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật