Tiếp nhận “con bệnh”, Ermotti quyết cải tổ UBS
Dù vẫn đang vật lộn để vực dậy Ngân hàng UBS, tân CEO Sergio P. Ermotti vẫn phải “ngậm ngùi” công bố lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng trong quý IV/2011. Bởi thế, Ermotti cho biết, sẽ mạnh tay thu hẹp hơn nữa quy mô của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ này.
|
Tân CEO Sergio P. Ermotti của UBS |
Theo thông báo hôm thứ Ba tuần này, UBS cho biết lợi nhuận quý IV/2011 sụt tới 76% so với năm trước đó. Tính chung, thu nhập ròng của cả Ngân hàng đã giảm từ 1,7 tỷ francs Thuỵ Sĩ so với cùng kỳ năm 2010 xuống 393 triệu francs (tương đương với 427 triệu USD). Kết quả tồi tệ này chủ yếu do các khoản lỗ trong mảng ngân hàng đầu tư, trong đó có các khoản đầu tư vào trái phiếu, gây ra.
Cụ thể, bộ phận này đã lỗ 256 triệu francs so với mức lãi 100 triệu francs trong quý IV/2010. Đây là quý thứ hai liên tiếp bộ phận này báo lỗ. Dự báo cho quý đầu tiên của năm 2012, bản thân UBS cũng không kỳ vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn mấy.
Viết trong thông cáo về kết quả kinh doanh, UBS cho rằng, kết quả kinh doanh tồi tệ của Ngân hàng là do làn sóng lo ngại xung quanh vấn đề nợ công khu vực đồng euro và thâm hụt ngân sách của Mỹ. Những yếu tố khách quan này khiến cho nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ của ngân hàng đầu tư và đặc biệt là khối lượng giao dịch của bộ phận này giảm mạnh.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, UBS không phải là ngân hàng duy nhất bị suy giảm lợi nhuận và báo lỗ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trong quý IV/2011. Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank AG vào cuối tuần trước cũng cho biết, lợi nhuận quý IV/2011 giảm 76%, chủ yếu do bộ phận ngân hàng đầu tư lỗ tới 422 triệu euro (554 triệu USD). Credit Suisse thì ước tính lợi nhuận có thể sẽ giảm 53% trong cùng kỳ.
Trong khi đó, UBS lại là một trong những ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn hồi năm 2007, kéo theo một loạt khó khăn liên tiếp khác. Hoạt động dịch vụ ngân hàng cá nhân của UBS đã là tâm điểm của các cuộc kiện tụng pháp lý vào thời gian này. Tiếp đến, vào tháng 9 năm ngoái, UBS phải chịu một khoản lỗ khổng lồ 2,3 tỷ USD do các giao dịch không được ủy quyền được thực hiện ở Chi nhánh London, dẫn tới việc người tiền nhiệm 68 tuổi Gruebel của Ermotti phải từ chức.
Cùng với sự đổi ngôi của CEO, hai trưởng bộ phận vốn cổ phần của UBS, Francois Gouws và Yassine Bouhara, cùng với Giám đốc quản lý rủi ro Maureen Miskovic đều lần lượt phải từ nhiệm. Và vị trí của ngài chủ tịch 71 tuổi Villiger cũng sẽ thay đổi trong năm nay, thế vào đó là cái tên trẻ hơn rất nhiều - Axel Weber, 54 tuổi, cựu giám đốc của Bundesbank.
Sau khi tiếp quản UBS, vị lãnh đạo 51 tuổi Ermotti cho biết, ông sẽ thực hiện kế hoạch cắt giảm mạnh chi phí hoạt động trong Ngân hàng, trong đó, bộ phận ngân hàng đầu tư sẽ bị thu lại, còn bộ phận quản lý tài sản khách hàng sẽ được đưa làm trọng tâm. Ông cho rằng, kế hoạch này sẽ giúp UBS vượt qua những đổi thủ vẫn còn đang loay hoay tìm lối thoát và cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm chuyển mình của ngành.
Theo kế hoạch của Ermotti, từ nay cho đến năm 2016, các tài sản rủi ro của bộ phận ngân hàng đầu tư (trị giá khoảng 300 tỷ francs) sẽ bị cắt đi một nửa. Tính đến nay, số tài sản này đã giảm được khoảng 20 tỷ francs. Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận của năm bị hạ xuống, khiến cho ROE của Ngân hàng chỉ còn khoảng 12%, so với mục tiêu 15 - 20% đề ra cho năm ngoái. Mạnh tay hơn nữa, quỹ thưởng năm 2011 của UBS sẽ bị cắt đi 40% xuống chỉ còn 2,57 tỷ francs so với 4,25 tỷ francs của năm 2010.
Những động thái của UBS đang hướng tới mục tiêu đạt được các quy định chặt chẽ về vốn cho các ngân hàng do Chính phủ Thụy Sĩ yêu cầu. Hiện nay, lãnh đạo ngân hàng này đã nâng tỷ lệ vốn cấp 1 theo chuẩn Basel 2.5 lên 16% từ mức 13,2%.
Tuy nhiên, UBS cho biết, họ kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút túi tiền của khách hàng vào hoạt động quản lý tài sản trong quý đầu tiên của năm nay. Tiền ròng mới bơm vào trong ba tháng trước đã tăng lên 5 triệu francs so với 3,4 triệu cùng kỳ năm ngoái.
Quang Minh (Theo báo chí nước ngoài)
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|