Thị trường bất động sản trước bài toán vốn
Lượng tồn kho nhiều, huy động vốn gần như bế tắc là tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản. GS-TS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có những chia sẻ ý kiến xoay quanh vấn đề này bên lề hội thảo tại TPHCM do Vietstock Communications tổ chức sáng 25/02.
* Phân khúc nhà giá rẻ có thể phục hồi từ quý 3
* TS. Lê Xuân Nghĩa: Mấu chốt của thị trường BĐS nằm ở lãi suất
* Hơn 500 nhà đầu tư dự hội thảo về bất động sản của Vietstock
Các dự án bất động sản hiện nay có lượng tồn kho rất lớn, có thông tin phải mất hơn 3 năm thị trường mới hấp thụ hết lượng hàng đang tồn nhưng một loạt các dự án vẫn tiếp tục được tung ra trong năm 2012. Ông có giải pháp nào giúp các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn này?
Thị trường bất động sản cuối năm 2011 và đầu 2012 đã thể hiện một “bi kịch”, bởi trong thời gian dài các doanh nghiệp không để ý đến vấn đề giá thành, không quản lý phí xây dựng, phí huy động vốn; xây dựng bằng công nghệ gì để giá thành hạ đi cũng không được lưu tâm; ngoài ra còn nhiều chi phí “bôi trơn” khác cũng được chất vào giá thành bất động sản… Bi kịch này dẫn tới tình trạng nhà đầu tư khó giảm giá hơn vì nếu giảm nữa sẽ bị lỗ, nhưng giá đã giảm vẫn chưa phù hợp với tính toán của người tiêu dùng.
Giải quyết được vấn đề trên trước hết là sự phục hồi của thị trường. Ngoài ra cần tới các nguồn hàng là những dự án dành cho người thu nhập thấp.
Còn các dự án hiện đang có phải phụ thuộc vào lượng vốn cầm cự của doanh nghiệp nhưng cũng không có nghĩa ngay lập tức phải bán hết các dự án đó. Trước mắt, doanh nghiệp phải tính toán lại giá thành sao cho phù hợp và mang tính thị trường hơn đối với các dự án sắp tới. Theo đó, việc đầu tư một số dự án mới có khi lại nhanh hơn các dự án đang có.
Năm 2011 việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản qua TTCK gần như bế tắc. Theo ông, việc này có khả thi hơn vào năm 2012?
Để huy động vốn cho thị trường bất động sản thì trước mắt phải giải quyết tính thanh khoản còn đang kém của các ngân hàng. Khi nào giải quyết xong vấn đề này thì khả năng cấp vốn cho bất động sản sẽ trở lại. Theo kế hoạch, quý 3 sẽ giải quyết xong về thanh khoản của các ngân hàng.
Ngoài ra, giá cả tiêu dùng chung có xu hướng giảm mạnh vào quý 4/2011, tình trạng lạm phát có biểu hiện được khống chế. Đây là dấu hiệu tích cực có tác động nâng cao lòng tin của người tiêu dùng đối với thị trường, có thể huy động được vốn góp từ tiền tiết kiệm của dân và từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng tín dụng cho 4 nhóm dự án và người mua nhà ở theo quyết định của Ngân hàng nhà nước, một mặt có tác dụng tăng vốn nhất định cho thị trường và quan trọng hơn, đã làm tăng niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường.
Hiện TPHCM đang cân nhắc mua lại các căn hộ tại các dự án trên địa bàn nhằm bổ sung vào quỹ nhà tái định cư trong thời gian tới. Ông có ý kiến gì về việc này?
Đây là một sáng kiến tốt, bởi sẽ giải quyết được hai vấn đề.
Thứ nhất, Chính phủ đang đẩy mạnh khu vực nhà cho thuê và đẩy một lượng vốn ngân sách nhất định. Theo đó sẽ tạo được quỹ nhà ở cho thuê của Nhà nước.
Thứ hai, với “gói hỗ trợ” này sẽ tháo gỡ khó khăn ứ đọng dự án của các doanh nghiệp và mở đường để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển các dự án khác.
Nếu tư nhân được tham gia vào các Đề án xây nhà ở xã hội, để cho thuê với tư cách là chủ đầu tư thì làm thế nào để hạn chế hoạt động đầu cơ?
Nhà ở xã hội đã bắt đầu khởi động từ 2009, một số dự án đã được xây dựng từ gói kích cầu của Chính phủ. Trọng tâm xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2020-2030 rất lớn, dành cho đối tượng công nhân và người lao động.
Chủ yếu nhà ở xã hội hiện nay đang sử dụng vốn ngân sách. Một số doanh nghiệp đang chuyển hướng sang khu vực nhà ở xã hội với sự hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhiều đơn vị đi theo con đường này do còn khó khăn về vốn.
Với thị trường bất động sản hiện nay thì khu vực nhà ở xã hội sẽ còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, câu chuyện cũng còn phức tạp khi lựa chọn ai sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước. Bởi với tình hình như hiện nay thì thị trường sẽ có đầu cơ, dưới dạng này hay đạng khác. Vì thế cần phải có những chính sách và cơ chế chặt chẽ.
Thanh Nụ (Vietstock)
Finfonet
|