Sau tết con rồng: giá cà phê vẫn loạng choạng
Liên tục 10 ngày sau tết con rồng, giá cà phê rớt liên tục. Chỉ đến ngày hôm qua, khi có tin lành: Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh cho một số ngân hàng thương mại tăng cường cho vay trong ngành nông nghiệp…giá bung lên lại. Hóa ra, giá tăng nhờ hăng mùi tiền.
Sau tết năm rồng…giá loạng choạng
Biểu đồ dao động giá đóng cửa robusta Liffe NYSE so với nội địa tuần qua (tác giả tổng hợp) |
Ngay tuần sau tết năm rồng, khi giao dịch chưa kịp trở lại bình thường, giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe NYSE cứ chao xuống liên hồi. Mới ngày giao thừa, giá niêm yết trên TTKH còn đóng cửa ở mức 1.932 đô la/tấn. Qua ngày mồng 1 Tết Nhâm Thìn nhằm ngày 23-1 cho đến đến hết ngày 2-2-2012, tức trọn cả chục ngày, giá giao dịch trên TTKH rớt chóng mặt. Đến cuối ngày thứ Năm tuần này, giá kỳ hạn robusta Liffe tháng giao dịch chính tức tháng 3-2012 chỉ còn đúng ở mức 1.800 đô la, mất 132 đô la/tấn.
May mà khuya hôm qua, thứ Sáu cuối tuần, giá niêm yết robusta Liffe NYSE cơ sở tháng 3-2012 tăng được 37 đô la, để đóng cửa mức 1.837 đô la/tấn, chỉ còn mất chừng 100 đô la so với mức của đêm giao thừa.
Giá cà phê nhân xô nội địa bị giá kỳ hạn robusta chi phối rất rõ, cũng đã xuống từ mức 37.600 đồng của cuối tuần trước, hôm nay chỉ còn 36.700 đồng/kg, mất gần 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi giá TTKH xuống mức sâu 1.800 đô la/tấn, giá nội địa vẫn kiên trì ở mức 36.500 đồng. “Nông dân chống chọi rất giỏi và họ đã thành công: giá cà phê chưa thể lọt qua mức 36.500 đồng trong tuần này dù giá Liffe NYSE xuống rất sâu”, một nhà xuất khẩu đang hoạt động tại tỉnh Gia Lai phải công nhận như thế.
Đầu cơ…qua cầu rút ván?
Tuần qua, vào dịp cuối tháng 1-2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhận định rằng giá lương thực cuối năm 2011 đã giảm 5 tháng liên tiếp. Điều này phản ánh rất rõ trong giá cà phê trên 2 thị trường cà phê arabica Ice New York và robusta Liffe NYSE London. Theo đà giảm từ cuối năm ngoái, giá cà phê và nhiều loại hàng hóa khác trong rổ hàng hóa theo chỉ số CRB cũng giảm.
Biểu đồ chỉ số rỗ hàng hóa CRB cho thấy giá hàng hóa giảm từ giữa 2011 |
Điều này phù hợp hoàn toàn với một báo cáo khác ra cùng dịp với WB của Ủy Ban kinh doanh hàng hóa trên các sàn kỳ hạn Mỹ (CFTC), chỉ số rổ hàng hóa CRB trong tháng 12-2011 giảm thêm 3% sau khi giảm 2% trong tháng trước đó (xin xem biểu đồ phía trên).
Sau khi bơm tiền vào kinh doanh, đẩy giá nhiều thị trường kỳ hạn hàng hóa tăng cao, đến cuối năm 2011, các quỹ đầu cơ rút dần vốn về bằng cách bán tháo thanh lý vị thế kinh doanh của họ. Cho đến cuối tháng 1-2012 họ đang còn phải điều phối lượng vốn trong rổ hàng hóa cho cân bằng theo ý họ. CFTC nói rằng, tính đến hết ngày 30-12-2011, chỉ một mình các quỹ đầu cơ chỉ số trên các sàn hàng hóa nước Mỹ không thôi đã rút khỏi thị trường hàng hóa nguyên liệu gần 25 tỉ đô la, có thể do rủi ro của suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ tại châu Âu, bằng cách chốt lời thanh lý vị thế. Mặt khác, khủng hoảng nợ châu Âu đã buộc các ngân hàng khu vực sử dụng đồng tiền euro (eurozone) cơ cấu lại hệ thống tín dụng.
Cũng theo CFTC, cụ thể đến hết ngày 30-12-2011, đầu cơ chỉ số đã thoái vốn trên các thị trường kỳ hạn tại Mỹ từ vị thế mua khống xuống chỉ còn 268,3 tỉ đô la tức giảm 24,4 tỉ đô la, cũng như từ vị thế bán khống chỉ còn 77,5 tỉ đô la, mất đi 16,8 tỉ đô la. Nếu đóng khung trong thị trường arabica Ice thôi, đến thời điểm báo cáo, đầu cơ chỉ còn giữ 4,7 tỉ đô la trong vị thế mua và 1,5 tỉ đô la vị thế bán, thấp hơn rất nhiều so với lượng tiền họ bỏ ra trong các tháng đầu năm 2011.
Chính vì thế, tính thanh khoản trên các thị trường hàng hóa cà phê giảm đi rất nhiều, cũng là một trong những lý do để giải thích tại sao giá kỳ hạn cà phê arabica từ trên 300 cents/lb nay chỉ còn dưới 220 cents và robusta từ 2.700 đô la/tấn chỉ còn quanh quẩn 1.800 đô la trong tuần này.
Giá cuối tuần tăng nhờ hăng mùi tiền?
Ngay ngày hôm qua, khi sàn kỳ hạn robusta đang khá trầm lắng, giá niêm yết kỳ hạn Liffe NYSE bất ngờ tăng ngoài mọi dự đoán của các nhiều nhà phân tích. Một bản tin xuất phát từ Reuters hôm qua báo rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép một số ngân hàng giảm chỉ còn 1/5 dự trữ bắt buộc đối với các khoản vay cho ngành nông nghiệp tính từ tháng 2 đến tháng 7-2012.
Cũng theo Reuters, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khuyến khích ngân hàng nông nghiệp tăng cường cho ngành nông nghiệp vay, thậm chí có thể lên mức 75-80% tổng vay nợ, một số ngân hàng khác có thể lên đến 20%.
Thị trường có phản ứng tức thì. Trong lúc các nước xuất khẩu robusta tại thời điểm 4 tháng đầu vụ bán ra khá ít nhưng giá vẫn thấp vì tin rằng trước sau gì cũng phải bán ra, tin này đã giúp thị trường bật dậy vì nhiều người quay lại với bán tín bán nghi về khả năng thực hiện chương trình tạm trữ trên 400.000 tấn của nhóm 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Hay chí ít, nông dân sẽ được vay dễ dàng hơn để giúp họ khỏi bán ra nhiều khi thị trường cà phê sụp đổ.
Đầu cơ trên thị trường thường phản ứng rất nhanh đối với một số tin nhạy cảm, thậm chí chưa biết tin này có được thực hiện hay thực hiện bằng cách nào. Dù sao, giá cà phê cuối tuần tăng trên cả thị trường kỳ hạn và nội địa cũng là một khích lệ.
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG Online
|