Phân phối hàng điện máy: FPT có còn đất để múa?
Giữa năm 2011, FPT đã “rò rỉ” thông tin sẽ nhảy vào phân phối nhóm hàng điện tử. Ngày 1.1.2012, trung tâm kinh doanh sản phẩm điện tử FPT (FPT Consumer Electronics, viết tắt là FCE, trực thuộc FPT Trading) chính thức ra đời với nhiều tham vọng.
Trong định hướng kinh doanh của giai đoạn 2012 – 2014, theo ông Lê Trung Thành, tổng giám đốc FPT Trading, ngoài những mặt hàng truyền thống như máy tính, linh kiện và điện thoại di động... FPT đã nhắm đến thị trường điện tử gia dụng vì “đây là thị trường có độ lớn bằng thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và điện thoại di động”.
Tìm kiếm doanh số 1.600 tỉ đồng
Từ khi chính thức thành lập cho đến nay, theo lời giám đốc FCE Hùng Công Hiển, đã giành được quyền phân phối độc quyền một số sản phẩm của hãng Panasonic (Nhật Bản) và Syabas (Mỹ). Ông Hiển không tiết lộ sẽ phân phối mặt hàng nào của Panasonic, còn với hãng Syabas là các sản phẩm chuyên về giải mã hình ảnh chuẩn HD như: Popcorn Hour, Popbox tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Hiển, mục tiêu phấn đấu của lĩnh vực phân phối hàng điện tử trong giai đoạn từ 2012 – 2014 sẽ chiếm 10% tổng số doanh thu của FPT Trading. Năm 2011, theo FPT, lĩnh vực phân phối và sản xuất các sản phẩm công nghệ có doanh thu 16.270 tỉ đồng. Cụ thể, doanh số phân phối nhóm sản phẩm công nghệ thông tin là 6.208 tỉ đồng (lãi trước thuế là 200 tỉ đồng). Còn doanh số từ phân phối và sản xuất nhóm sản phẩm điện thoại di động là 9.387 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế là 317 tỉ đồng).
Trong năm 2011, thị trường điện tử dân dụng Việt Nam ước tính có doanh số khoảng 3 tỉ đôla Mỹ. Trong khi đó, nhóm sản phẩm công nghệ thông tin có doanh số khoảng 1 tỉ đôla Mỹ. Điện thoại di động: 1 tỉ đôla Mỹ. |
Như vậy, doanh số mà FPT kỳ vọng từ hoạt động kinh doanh phân phối hàng điện tử trong giai đoạn 2012 – 2014 sẽ khoảng 1.600 tỉ đồng/năm. So với nhiều nhà phân phối và bán lẻ khác, đây không phải là con số lớn nhưng “với FCE là một thách thức cho dù họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối hàng công nghệ thông tin và điện thoại di động”, như lời của một nhà phân phối nhóm hàng này trên thị trường nhận định. Theo bà Bùi Nguyễn Phương Châu, giám đốc truyền thông của FPT, việc năm 2012 FPT mới tham gia phân phối nhóm hàng điện tử là do áp lực tăng doanh số và lợi nhuận theo chiến lược “OneFPT” (ra đời sau hội nghị chiến lược năm 2010 của FPT).
Bánh ngon đã hết phần
“Dấn thân vào thị trường điện tử ở thời điểm này, FCE phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức từ các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những thuận lợi lớn về tài chính, thương hiệu tập đoàn, kinh nghiệm phân phối cũng như hệ thống đại lý, khách hàng”, ông Hiển nhìn ra những điểm yếu và mạnh của FPT khi tham gia phân phối hàng điện tử. Hệ thống đại lý và khách hàng như lời ông Hiển, chính là kênh bán lẻ FPT (FPT Retail) và các nhà bán lẻ như Nguyễn Kim, Pico (hai nhà bán lẻ lớn trong nhóm hàng điện tử, điện máy của Việt Nam). Nhưng theo lời của đại diện Pico Sài Gòn, vẫn chưa thấy FCE làm việc với họ. Giám đốc kinh doanh của một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM cho biết, có nghe FPT làm nhà phân phối từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa thấy chào hàng vì có lẽ “chưa có hàng”. Nhiều nhà bán lẻ khác tại TP.HCM nói: “mới nghe lần đầu” câu chuyện FPT phân phối hàng điện tử.
Với các nhà bán lẻ đã vậy, còn với nhiều nhà sản xuất hoặc kinh doanh nhóm hàng điện tử, FCE vẫn giữ thái độ im lặng. Đại diện bộ phận kinh doanh của Sony Việt Nam cho biết: “Chưa thấy họ – FCE – nói gì chuyện làm nhà phân phối”. Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam (Savina) đã nghe khá lâu chuyện FPT nhảy vào phân phối hàng điện tử nhưng đến nay vẫn chưa thấy đại diện của FCE tiếp xúc với Savina.
Nhưng nếu có tiếp xúc hoặc được nhận làm đại lý cho các thương hiệu lớn, không có nghĩa FCE sẽ được quyền phân phối những mặt hàng “ngon”, vì hiện nay các hãng sản xuất điện tử đang có mặt tại thị trường Việt Nam, từ Sony, Samsung, Panasonic, LG… đã trực tiếp “nắm” các nhà bán lẻ lớn với những mặt hàng có giá trị như tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh… “Các nhà sản xuất sẽ không dại gì chia miếng bánh ngon này cho FPT. Mặt khác, họ đã xây dựng hoàn chỉnh và có quan hệ tốt với các nhà phân phối trước đây nên khó ưu ái với FPT”, một nhà bán lẻ nhận xét. Còn theo lời ông Đạo, với các nhà sản xuất hiện nay, quan hệ với các nhà phân phối theo quan hệ “bình đẳng và xếp hàng”. “Tình hình thị trường điện tử dân dụng hiện nay đang xuống nên sẽ khó cho các nhà phân phối mới”, ông Đạo nhận xét thêm.
Có khả năng FPT sẽ tập trung sản xuất và phân phối nhóm hàng điện tử gia dụng bằng cách xây dựng thương hiệu riêng như đã từng làm với điện thoại di động? Bà Châu phủ nhận ý kiến này: FCE chỉ làm nhiệm vụ phân phối nhóm hàng điện tử công nghệ cao, không sản xuất nhóm hàng điện tử gia dụng.
Gia Vinh
Sài gòn tiếp thị
|