Nước đang phát triển muốn đổi "trật tự" lãnh đạo WB
Đại diện các nền kinh tế đang phát triển cho biết họ muốn thay đổi một thông lệ "bất thành văn" lâu nay là Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) luôn là người Mỹ, còn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nhất định phải là người châu Âu.
Quan điểm của các nền kinh tế đang phát triển là đã đến lúc phải phá bỏ "trật tự" truyền thống đã tồn tại hàng thập kỷ khiến các ứng cử viên từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển không có cơ hội lãnh đạo hai thể chế tài chính quốc tế quan trọng nhất thế giới này.
Tuy nhiên, vấn đề chính của nhóm các nền kinh tế đang phát triển hiện nay là tìm kiếm một ứng cử viên sẵn sàng thách thức vị thế của Mỹ, cổ đông lớn và có tầm ảnh hưởng nhất trong cả WB và IMF.
Tổng thư ký G24 (nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), Amar Bhattacharya nhận định: "Tôi tin rằng Mỹ sẽ giới thiệu một ứng cử viên hoàn hảo để lãnh đạo WB, song thế giới đang phát triển cũng có những ứng viên rất xuất sắc. Vì vậy, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cần nỗ lực để xác định những ứng viên phù hợp nhất nhằm cạnh tranh với Mỹ."
Theo quan chức này, nhóm các nền kinh tế đang phát triển sẽ cố gắng đưa ra danh sách các ứng cử viên tiềm năng nhất trước hạn chót vào ngày 23/3 tới.
Trên thực tế, vấn đề người lãnh đạo WB có nên tiếp tục là một người Mỹ hay không đã không được đưa ra chính thức trong Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tại Mexico vừa qua, trong bối cảnh các quan chức G20 tập trung chủ yếu vào "chủ đề nóng" là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và đảm bảo các nguồn lực cho IMF để đối phó hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng không đưa ra bất kỳ bình luận trực tiếp nào về WB, song Washington cũng hiểu sự cần thiết phải cải tổ thể chế tài chính này để phản ánh sức mạnh và vị thế đang gia tăng của nhóm các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Geithner nói: "Mỹ đã và đang đóng vai trò tích cực trong công cuộc cải tổ IMF và WB nhằm gia tăng tiếng nói và quyền bỏ phiếu cho các nền kinh tế đang phát triển trong các thể chế tài chính quốc tế này. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách đó trong tương lai."
Trong vài năm qua, WB đã triển khai các bước đi nhằm tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nhóm các quốc gia đang phát triển, như thông qua kế hoạch điều chỉnh quyền bỏ phiếu và đưa Trung Quốc trở thành cổ đông lớn thứ ba trong WB sau Mỹ và Nhật Bản./.
Việt Khoa
Vietnam +
|