Thứ Hai, 27/02/2012 17:02

Những chữ ký thổi bay tài khoản!

Mở tài khoản mà không lấy hợp đồng, thậm chí nhờ ký hộ, không phải là hiếm và chữ ký ấy nhiều khi trở thành chứng cứ khiến NĐT mắc họa.

Thiếu quan tâm thích đáng tới quy định pháp luật, hợp đồng, dịch vụ hay thậm chí có biết nhưng nhắm mắt làm ngơ khiến một số NĐT rơi vào cảnh khiếu kiện, tranh chấp kéo dài với CTCK và không biết đến khi nào mới thu hồi được tài sản.

Thời gian vừa qua, ĐTCK nhận được nhiều phản ánh của NĐT liên quan đến tranh chấp, vướng mắc trong quan hệ với CTCK. Để nhìn nhận đúng sai trong từng vụ việc thì cần phải xem xét hồ sơ, chứng lý của mỗi bên cũng như những quy định pháp luật cụ thể. Quá trình giải quyết tranh chấp thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí có trường hợp không giải quyết được, phải đưa ra tòa án thì NĐT cá nhân dù thắng vẫn thiệt thòi bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Tuy nhiên, NĐT có thể hạn chế những thiệt hại này nếu chú ý đúng mức tới quy định pháp luật trên TTCK, tìm hiểu kỹ sản phẩm, hợp đồng, giấy tờ mà họ đã ký, tránh những tranh chấp về sau mà họ có thể ở phía thua thiệt. Điều này nghe qua thì có vẻ “buồn cười” bởi ai ký tá mà không đọc kỹ các điều khoản hợp đồng, không tìm hiểu kỹ sản phẩm, dịch vụ mà mình định sử dụng? Tuy nhiên, phản ánh của các NĐT trong nhiều vụ tranh chấp với ĐTCK cho thấy thực tế khác hẳn.

Một NĐT cho ĐTCK hay, khi mở tài khoản giao dịch tại CTCK, bà không hề nhận được hợp đồng mở tài khoản. Dù vậy, bà cũng không yêu cầu CTCK cung cấp văn bản này bởi tin tưởng vào người quen làm việc ở đây, bất chấp việc đã rót vào tài khoản chứng khoán số tiền không nhỏ, hơn 9 tỷ đồng. Đến khi phát sinh tranh chấp, lúc bấy giờ bà mới đi đòi hợp đồng và tá hỏa phát hiện ra tài khoản của mình đang bị phong tỏa để cấn trừ khoản nợ khoảng 2 tỷ đồng cho một tài khoản khác, đứng tên chồng bà.

Không những thế, CTCK còn trưng ra một loạt hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng bảo lãnh… để buộc bà phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ trên. Trong khi đó, NĐT này cho biết, bà không ký hợp đồng nói trên, chồng bà cũng không ký vì từ ngày mở tài khoản, ông này chưa từng đặt lệnh giao dịch cũng như ký giấy tờ gì.

Có NĐT thừa nhận, khi môi giới đưa giấy tờ bảo ký cho đủ thủ tục thì cứ ký và cũng không rõ ký những giấy tờ gì. Như vậy, khi có tranh chấp xảy ra, phần thua thiệt sẽ thuộc về phía NĐT vì họ đã ký khống giấy tờ và không thể biết CTCK đã làm gì với số giấy tờ đó.

Một NĐT khác, ông Nguyễn Văn Tuấn (Đại Cồ Việt, Hà Nội) cho biết, tuy chưa phát sinh tranh chấp gay gắt, song cũng từng khốn khổ khi bị CTCK đến tận cửa đòi nợ. Tất cả phát sinh từ một giao dịch ký quỹ. Khi đó, cơ quan quản lý chưa cho phép triển khai giao dịch ký quỹ, nhưng hầu hết CTCK đều cung cấp sản phẩm này dưới hình thức hợp tác đầu tư.

Ông Tuấn cho biết, ông nhận thấy một số điểm bất lợi, chẳng hạn về tất toán khi hợp đồng cho phép CTCK được quyền tất toán cũng như điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ khi thấy cần thiết.

Vốn là người cẩn thận, luôn cân nhắc được mất và thường không chấp nhận nếu thấy xuất hiện rủi ro mất mát tài sản, nhưng vì muốn lướt sóng và nghĩ chỉ 1 - 2 ngày khi giá lên thì bán luôn, nên ông Tuấn đã đặt bút ký hợp đồng ký quỹ cổ phiếu PVF. Có điều, giá của cổ phiếu này không lên mà lại đi xuống nhiều ngày. Sau đó, CTCK gọi ông lên nộp thêm tiền và điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ. Ban đầu, CTCK cho vay 30%, sau chỉ cho vay 25% rồi 20% thị giá cổ phiếu.

Mỗi lần như vậy ông Tuấn phải đến nộp thêm tiền. Đến lần cuối cùng, khi CTCK điều chỉnh, chỉ cho vay 15% thì ông Tuấn không nộp thêm tiền. CTCK bèn tất toán hợp đồng, bán hết số cổ phiếu PVF trong tài khoản của ông. Tuy nhiên, bán hết số đó cũng chỉ còn lại 9% trong số 15% giá trị cổ phiếu mà CTCK đã cho ông vay. Số còn lại, CTCK cho nhân viên ngày ngày đến nhà đòi nợ. Cực chẳng đã, ông đành phải xoay xở để trả nốt.

Trong khi đó, một NĐT khác lại cho CTCK vay hơn 4 tỷ đồng dưới dạng hợp đồng môi giới trái phiếu. Đến khi hết hạn, NĐT này không đòi được số tiền nói trên và phải gửi đơn đến cơ quan chức năng như UBCK, cơ quan công an… với hy vọng thu hồi được tài sản.

Một luật sư nhận xét rằng, trong trường hợp này, NĐT sẽ phải chịu thiệt vì cho vay mà không đòi hỏi tài sản đảm bảo. Nếu CTCK đề nghị vay tiền và NĐT có thể cho vay thì nên yêu cầu CTCK phải có tài sản đảm bảo, không nên ký các hợp đồng hợp tác đầu tư.

Điều đáng nói là đây không phải những trường hợp cá biệt, trong thời gian TTCK phát triển nóng, việc mở tài khoản mà không lấy hợp đồng, thậm chí còn nhờ ký hộ, không phải là hiếm.

Bởi nhiều NĐT quan niệm, cứ mở tài khoản và tham gia mua bán là có lãi, nên các thủ tục, quy định pháp lý thường bị họ bỏ lại phía sau những hồ hởi chờ đợi “con” này lên, mã kia xuống. Khi thị trường trong xu hướng đi xuống, những bất trắc mới dần dần lộ ra và chữ ký trở thành chứng cứ không thể chối cãi khiến NĐT thua thiệt, thậm chí còn phải “đáo tụng đình”.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Ẩn số MBB: Khối ngoại mua ròng 100 tỷ trong tuần qua (27/02/2012)

>   LAS: Không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (27/02/2012)

>   VinaCapital: Giá chứng chỉ quỹ VNL giảm 15% trong tháng 1 (27/02/2012)

>   Thị trường chứng khoán: Dòng tiền từ đâu? (27/02/2012)

>   Trung Nam - Westernbank: Cuộc đấu lý chưa có hồi kết (27/02/2012)

>   Eastspring Investments: Triển vọng phát triển cho ngành quản lý quỹ (27/02/2012)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Của rẻ là của… nên gom? (27/02/2012)

>   27/02: Bản tin đầu tuần (27/02/2012)

>   Giành quyền kiểm soát Sacombank: “Nghĩ mà thương bác Thành” (26/02/2012)

>   Chỉ thị 01: Chứng khoán ngóc lên, BĐS cúi đầu (26/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật