Thứ Sáu, 10/02/2012 19:33

Moody's và S&P đánh giá Sacombank ra sao trong lần xếp hạng đầu?

(Vietstock) – Ngày 10/02, Moody’s và Standard & Poor's (S&P) cùng công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).

* ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà?

Moody’s: Triển vọng của hầu hết các mức xếp hạng là “ổn định”

Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ dài hạn của Sacombank ở mức “B1”, xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not-Prime).

Bên cạnh đó, Moody’s cũng xếp hạng tiền gửi nội và ngoại tệ dài hạn lần lượt ở mức “B1” và “B2”, xếp hạng tiền gửi nội và ngoại tệ ngắn hạn ở mức “Đầu tư không tốt” (Not-Prime). Ngoài ra, Moody’s còn đánh giá Xếp hạng Sức mạnh Tài chính Ngân hàng (BFSR) của STB ở mức “E+”.

Triển vọng mà Moody’s dành cho hầu hết các mức xếp hạng của STB là “ổn định”, trừ xếp hạng tín nhiệm và xếp hạng tiền gửi ngoại tệ là “tiêu cực”.

Xếp hạng của Moody’s phản ánh bốn đặc điểm sau của STB: thanh khoản thắt chặt, khả năng chịu đựng rủi ro vừa phải so với các ngân hàng khác trên toàn cầu, bất ổn xung quanh cơ cấu cổ đông và kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, và cuối cùng là những thách thức của môi trường hoạt động tại Việt Nam.

Theo Moody’s, STB có thể không duy trì được các chỉ tiêu tài chính tốt trong trung hạn do thiếu việc đa dạng hóa danh mục đầu tư và môi trường hoạt động khó khăn. Các yếu tố này sẽ khiến việc tiếp cận nguồn vốn trở thành một thách thức lớn. Hơn nữa, Moody’s còn bày tỏ lo ngại về sự vắng mặt của đối tác chiến lược nước ngoài tại STB.

Dù tỷ lệ nợ xấu của STB thấp hơn so với các ngân hàng khác của Việt Nam nhưng rất khó để ước tính mức nợ xấu thực tế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, một yếu tố tích cực đối với STB là trong cơ cấu danh mục cho vay của ngân hàng này không có tên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinsahin). Moody’s đánh giá khả năng sinh lời của STB ở mức khiêm tốn do các điều kiện kinh tế ngày càng xấu.

Theo Moody’s, việc nâng xếp hạng BFSR là điều không thể xảy ra trong ngắn hạn do môi trường hoạt động khó khăn tại Việt Nam, đà phục hồi chưa vững mạnh của nền kinh tế toàn cầu, thanh khoản thắt chặt và nguy cơ sụt giảm hơn nữa trong chất lượng cho vay.

Mặt khác, triển vọng “ổn định” có thể trở thành “tiêu cực” nếu giá trị nhượng quyền kinh doanh sụt giảm đáng kể, hệ số vốn cấp 1 giảm xuống dưới 8%, tỷ lệ vốn vay trên tiền gửi vượt 130% và mức thua lỗ lớn nảy sinh từ hoạt động tín dụng khiến nợ xấu cao hơn 2%.

S&P tin tưởng Sacombank sẽ hạ thấp được tăng trưởng tín dụng

S&P đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối tác dài hạn của Sacombank ở mức “B+” và ngắn hạn ở mức “B”. Triển vọng dành cho mức xếp hạng tín nhiệm đối tác dài hạn là “ổn định”, phản ánh quan điểm của S&P rằng STB sẽ duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định trước nhiều thách thức cũng như tình trạng lạm phát cao tại Việt Nam.

Cơ sở cho đánh giá của S&P là vị thế kinh doanh “mạnh”, lợi nhuận và nguồn vốn “yếu”, rủi ro “vừa phải”, nguồn quỹ “trên trung bình” và thanh khoản “vừa phải” của STB.

Bên cạnh đó, chỉ số sức mạnh tài chính độc lập (SACP) của STB được xếp hạng ở mức “b+”. Chuyên gia phân tích tín dụng Ivan Tan của S&P cho rằng vị thế ngân hàng tư nhân lớn thứ hai tại Việt Nam của STB đã hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Dù môi trường hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng S&P tin tưởng STB sẽ hạ thấp được tăng trưởng tín dụng và cố gắng gia tăng thu nhập từ các khoản phí bằng cách bán chéo cho các khách hàng hiện tại. Trong đánh giá của mình, S&P cho rằng nguồn vốn và lợi nhuận là các yếu tố đóng vai trò trung lập.

Tổ chức này hy vọng tỷ lệ vốn dự phòng rủi ro trước điều chỉnh đa dạng hóa của STB sẽ ở vào khoảng 4% trong vòng 12-18 tháng tới. Quan điểm của S&P dựa trên kỳ vọng rằng STB sẽ duy trì được chính sách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hơn nữa, nhờ mô hình kinh doanh tương đối đơn giản nên rủi ro của STB là ở mức vừa phải.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn vay trên tiền gửi của khách hàng tính đến ngày 30/09/2011 của STB là 76%, cao hơn so với mức bình quân của hệ thống ngân hàng Việt Nam và được đánh giá tốt so với các ngân hàng lớn hơn. Đồng thời, số liệu này phản ánh nỗ lực huy động tiền gửi của STB và việc sử dụng hiệu quả mạng lưới của mình để khai thác được lượng tiền gửi nhỏ lẻ. Các tài sản lưu động (bao gồm tiền mặt, tiền gửi liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ) đủ để ngân hàng này trang trải các khoản vay ngắn hạn.

S&P hy vọng tình hình kinh doanh khả quan và hoạt động cấp vốn sẽ hỗ trợ xếp hạng tín nhiệm của STB.

S&P cho biết sẽ nâng xếp hạng tín nhiệm của STB nếu ngân hàng này cải thiện được khả năng sinh lời và nguồn vốn, điều từng được STB làm tốt trong năm 2010. Sự cải thiện không ngừng trong hoạt động quản lý rủi ro và quy trình hoạt động để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cũng có thể giúp STB cải thiện được xếp hạng tín nhiệm của mình.

Tuy nhiên, S&P cho biết có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của STB nếu xảy ra một trong 3 khả năng sau: nợ xấu tăng mạnh, kết quả hoạt động nghèo nàn hay nguồn vốn suy yếu đáng kể.

Phước Phạm (Theo Moody’s, Reuters)

Các tin tức khác

>   DN vẫn chậm công bố thông tin, vì sao? (10/02/2012)

>   HNX: Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ 2012 ngày 09/02 (09/02/2012)

>   SDI: Cổ đông đồng ý đầu tư vào cổ phiếu NHN (09/02/2012)

>   CAP, STC, SFN, VE1, VE9, VCC: Chốt quyền dự ĐHĐCĐ 2012 (08/02/2012)

>   REE: 16/02 chốt quyền nhận cổ tức 16% và dự ĐHĐCĐ (08/02/2012)

>   HLA và VMD bị nhắc nhở việc chậm công bố thông tin (08/02/2012)

>   WesternBank lên tiếng vụ Trung Nam rao bán nợ (07/02/2012)

>   DCC bị phạt 70 triệu đồng do chậm công bố BCTC (02/02/2012)

>   Vạn Lợi và IPA tranh chấp quyền sở hữu 14 mỏ sắt (01/02/2012)

>   Doanh nghiệp không lo thiếu tôm nguyên liệu (31/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật