Lạm phát leo thang sẽ chặn đứng đà phục hồi của chứng khoán Trung Quốc?
(Vietstock) – Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ dừng lại bởi mức lạm phát cao hơn dự báo trong tháng 1 và thực tế rằng từ đầu năm đến nay ngân hàng trung ương nước này vẫn chưa thể hạ dự trữ bắt buộc.
Đó là nhận định của ông Adrian Mowat, chiến lược gia cổ phiếu thị trường mới nổi của JP Morgan Securities trên CNBC. Ông nói: “Chúng tôi dự báo Trung Quốc sẽ hạ dự trữ bắt buộc vào dịp Tết Nguyên Đán nhưng điều này đã không xảy ra. Vì thế tôi cho rằng sự gia tăng trở lại của lạm phát là một mối đe dọa đối với đà phục hồi từ đầu năm đến nay của thị trường chứng khoán Trung Quốc”.
Trong năm nay, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã tăng 6.8% còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông nhảy vọt 13.7% nhờ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, mức lạm phát 4.5% trong tháng 1 đã khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên vì con số này bỏ xa dự báo 4.1% đồng thời chấm dứt 5 tháng suy giảm trước đó.
Dù vậy, một số chuyên gia phân tích lại xem số liệu lạm phát tháng 1 là sự kiện mang tính thời vụ gắn liền với dịp Tết Nguyên Đán. Alistair Thornton, chuyên gia kinh tế người Trung Quốc tại Công ty Tư vấn IHS Global Insight cho rằng tỷ lệ lạm phát được công bố trong ngày thứ Năm không phải là một yếu tố có khả năng thay đổi toàn bộ cục diện.
Ông nói: “Năm nay, Tết Nguyên Đán của Trung Quốc đến sớm nhất trong 5 năm vì thế hoạt động mua sắm thực phẩm cũng diễn ra sớm hơn và không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy giá thực phẩm tăng mạnh và đẩy lạm phát lên cao”.
Rủi ro “hạ cánh cứng” còn lớn hơn lạm phát
Chiến lược gia Mowat của JP Morgan Securities cho rằng một rủi ro lớn hơn đối với Trung Quốc chính là tình trạng “hạ cánh cứng” do sự suy giảm của hoạt động đầu tư cố định chứ không phải đà tăng tốc của lạm phát.
Ông chỉ ra, sản lượng xi măng trong quý cuối cùng của năm ngoái giảm 9% so với quý 3; số nhà ở khởi công xây dựng trong tháng 12/2011 giảm 42% so với cùng kỳ 2010; sản lượng thép hiện ở vào khoảng 600 triệu tấn, thấp hơn so với mức đỉnh vào khoảng 750 triệu tấn.
Theo ông Mowat, để chặn đứng được đà sụt giảm mạnh, các nhà làm chính sách cần phải thực hiện một số biện pháp nới lỏng mạnh tay hơn nữa chứ không phải các biện pháp nhẹ từng được áp dụng vào cuối năm ngoái. Ông nói: “Biện pháp nới lỏng duy nhất mà Trung Quốc có thể áp dụng là cắt giảm dự trữ bắt buộc vì hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất nước đã lên tới 20%”.
Tuy nhiên, một báo cáo được HSBC công bố trong ngày thứ Năm cho rằng lạm phát cao hơn dự báo có thể làm chậm tốc độ nới lỏng tiền tệ của các nhà chức trách. Báo cáo có đoạn: “Việc PBoC tiếp tục cho vay qua hoạt động repo trong tuần này chứng tỏ lần cắt giảm dự trữ bắt buộc tiếp theo sẽ không diễn ra nhanh như chúng ta từng dự báo”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|