Thứ Bảy, 11/02/2012 14:08

Hủy niêm yết, chuyện cũ mà mới

Hủy niêm yết được dự đoán sẽ là nội dung được đề cập tại ĐHCĐ của không ít DN mùa đại hội này. Nhưng có phải tất cả các DN muốn rời sàn đều vì “chợ” chứng khoán kém hấp dẫn?

Ngày 16/1/2012, tức chỉ trước Tết Nhâm Thìn 1 tuần, thông tin từ CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC) cho hay, cổ đông lớn của LGC là CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu, đang nắm giữ 22,59% vốn ở LGC, có công văn đề nghị đưa nội dung hủy niêm yết vào chương trình họp ĐHCĐ năm 2012 của LGC.

Trước đó, CTCP Xây dựng công nghiệp - Descon (DCC), CTCP Nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI) cũng có thông báo xin ý kiến cổ đông về hủy niêm yết tự nguyện. Tuy nhiên, trong lúc LGC còn phải đợi kết quả ĐHCĐ dự kiến tổ chức trong tháng 3 tới, DCC đã sớm được… toại nguyện khi 10,3 triệu cổ phiếu của DCC phải rời sàn bắt buộc từ ngày 15/12/2011.

Quyết định hủy niêm yết của LGC nhiều khả năng không hoàn toàn “vô tư” như công bố

Ngoài những đơn vị kể trên, sự ra đi của CTCP Dược phẩm Mekophar (MKP), CTCP Thực phẩm Quốc Tế (IFS), CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), CTCP Xây dựng 11 (V11), CTCK Phương Đông (ORS) là điều chắc chắn, bởi đa số cổ đông trong các công ty này đều đồng tình với quyết định hủy niêm yết. Riêng các DN như CTCP Sông Đà 27 (SD27), CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) tuy chưa có công bố chính thức song cũng bày tỏ ý nguyện rời sàn.

Thực tế, nếu DN quyết hủy niêm yết, đó không phải là chuyện quá khó thực hiện. DN có thể dùng ảnh hưởng từ cổ đông lớn để tạo lợi thế đồng thuận. Chẳng hạn, trước thời điểm diễn ra ĐHCĐ năm 2011 của SGT, hơn 64% vốn tại SGT thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo và những bên liên quan. Nếu đặt giả thiết cổ đông nhỏ không ủng hộ thì quyết định hủy niêm yết của SGT vẫn trong khả năng được thông qua.

Trong trường hợp không có sự hậu thuẫn từ cổ đông lớn lẫn cổ đông nhỏ, câu chuyện ở DCC cũng là một gợi ý. Với việc liên tục không công bố BCTC kiểm toán năm 2010, báo cáo thường niên năm 2010, BCTC quý I - II/2011 và BCTC 6 tháng, DCC từ bị cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, đã bị hủy niêm yết.

Đó là lý do vì sao có chuyên gia đề nghị, nên hình sự hóa trách nhiệm cá nhân liên quan đến vi phạm công bố thông tin để tránh khả năng DN lợi dụng kẽ hở, tiến hành hủy niêm yết hàng loạt. Tuy nhiên, trong lúc chờ các kiến nghị được lắng nghe và thực thi, giới quan sát khuyến cáo, nhà đầu tư cần soi kỹ các mục đích hủy niêm yết của DN, nhất là khi đưa ra xin ý kiến cổ đông.

Nhìn bề ngoài, đa số lý do hủy niêm yết mà DN đưa ra đều có lý, có tình. Chẳng hạn, theo cổ đông lớn của LGC, Công ty cần hủy niêm yết do tính thanh khoản của cổ phiếu LGC quá thấp, việc niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi quá khứ với hiện tại cũng như liên kết sự kiện, nghe ngóng thêm thông tin, nhà đầu tư có thể nhận ra, không thiếu trường hợp, phía sau lý do thị trường là những toan tính khác. Chưa rõ thực hư tin đồn LGC sẽ sáp nhập vào một DN khác ra sao, nhưng trước mắt, nhìn vào các thông tin công bố, dễ hình dung đang có những thay đổi đáng kể trong nội bộ LGC.

Về nhân sự, trong vòng 6 tháng trở lại đây, chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc LGC đều có sự thay đổi. Về hoạt động, LGC quyết định mở rộng ngành nghề. Về cổ đông, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn-TNHH MTV (SAMCO) muốn bán toàn bộ 1,68 triệu cổ phiếu - tương đương 20,24% vốn ở LGC - nhưng vẫn chưa bán được. Tuy những sự kiện này chưa nói lên được điều gì nhưng vẫn khiến giới đầu tư lo ngại, quyết định hủy niêm yết ở LGC nhiều khả năng không hoàn toàn “vô tư” như công bố.

Thực tế, trên thị trường từng râm ran những câu chuyện liên quan đến việc một số DN muốn hủy niêm yết để ép cổ đông nhỏ bán rẻ cổ phiếu, hoặc để trốn tránh trách nhiệm công bố thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến chuyển nhượng tài sản. Cũng có nơi, DN dự định rời sàn, “mông má” lại cổ phiếu chờ ngày TTCK phục hồi sẽ niêm yết lại để bán được giá cao hơn.

Nếu ý đồ rời sàn của các DN đều đạt được, đó sẽ là cú đòn nữa vào thị trường - vốn đã nhiều thương tích. Vì thế, để ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, các chuyên gia đề nghị, phía cơ quan quản lý phải nhanh chóng ban hành các quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về việc hủy niêm yết, cốt sao hủy niêm yết không phải là cái cớ cho những mục tiêu không minh bạch.

Ngọc Thủy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Định mức trần lương thưởng, tại sao không? (11/02/2012)

>   “Không có chuyện ACB, Eximbank, Sacombank sẽ là người một nhà!” (11/02/2012)

>   Moody's và S&P đánh giá Sacombank ra sao trong lần xếp hạng đầu? (10/02/2012)

>   DN vẫn chậm công bố thông tin, vì sao? (10/02/2012)

>   HNX: Doanh nghiệp chốt quyền dự ĐHĐCĐ 2012 ngày 09/02 (09/02/2012)

>   SDI: Cổ đông đồng ý đầu tư vào cổ phiếu NHN (09/02/2012)

>   CAP, STC, SFN, VE1, VE9, VCC: Chốt quyền dự ĐHĐCĐ 2012 (08/02/2012)

>   REE: 16/02 chốt quyền nhận cổ tức 16% và dự ĐHĐCĐ (08/02/2012)

>   HLA và VMD bị nhắc nhở việc chậm công bố thông tin (08/02/2012)

>   WesternBank lên tiếng vụ Trung Nam rao bán nợ (07/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật