Thứ Tư, 08/02/2012 16:16

Giải trình biến động giá... cho vui!

Quy định giải trình khi cổ phiếu tăng trần, giảm sàn liên tục 5 phiên hiện nay không chỉ vô bổ với nhà đầu tư mà DN cũng thấy nhàm.

“Trói hờ” trách nhiệm

Khi bị các Sở GDCK yêu cầu giải trình nguyên nhân khiến giá cổ phiếu biến động bất thường, điều mà thị trường, NĐT thường nhận được từ phía DN là các thông tin chung chung và gần như theo mô típ: việc tăng hay giảm giá cổ phiếu do cung cầu khách quan của thị trường, DN không liên quan; DN hoạt động vẫn ổn định, không có yếu tố đột biến... Nghĩa là thông tin giải trình thường chưa đáp ứng được mong đợi của cổ đông, NĐT, khi với nhiều trường hợp, họ biết lý do khiến giá cổ phiếu biến động bất thường, nhưng trong giải trình của mình DN lờ đi hoặc đề cập rất mờ nhạt.

Thực tế, với khuôn khổ pháp lý hiện hành, các Sở GDCK chỉ có thể yêu cầu DN giải trình lý do khiến giá cổ phiếu biến động bất thường, còn mức độ tuân thủ đến đâu lại phải trông chờ vào sự tự giác của DN. Đây là lý do khiến cho việc giải trình biến động giá cổ phiếu đôi khi chỉ mang tính hình thức.

Đại diện Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, việc yêu cầu DN giải trình biến động giá cổ phiếu bất thường đã tạo áp lực nhất định trong việc buộc DN minh bạch thông tin. Thực tế, yêu cầu giải trình góp phần ngăn ngừa nguy cơ một nhóm cổ đông, hoặc một cổ đông lớn có hành vi tác động đến biến động giá cổ phiếu nhưng cố tình tìm cách giấu nhẹm.

Mặt khác, công cụ này còn cảnh báo DN cần rà soát lại xem có thông tin nào đang giấu, hoặc sắp công bố nhưng đã bị lộ, thì cần có giải trình sớm cho thị trường nếu không muốn bị xử phạt do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Yêu cầu giải trình là nhằm đánh động lãnh đạo DN rằng, giá cổ phiếu đang diễn biến bất thường so với xu hướng chung của thị trường, nên DN phải giải trình với tư cách là người hiểu rõ nhất cổ phiếu của mình. Giải trình là hình thức gián tiếp yêu cầu DN cam kết không có bất kỳ tác động gì đến biến động giá cổ phiếu bất thường. Một khi họ giải trình không liên quan đến biến động giá cổ phiếu, thì Sở GDCK sẽ loại trừ khả năng DN có động thái tác động đến giá cổ phiếu, để tập trung đi tìm hiểu tác nhân khác.

Tuy nhiên, việc dựa vào nội dung giải trình để xác định trách nhiệm của DN đối với diễn biến giá cổ phiếu bất thường, đồng thời có hình thức xử lý kịp thời, mạnh tay nếu có hành vi vi phạm như mong muốn của NĐT là không đơn giản.

Gốc là thay đổi quản trị DN

Do hạn chế của công cụ giải trình trong việc yêu cầu DN cung cấp cho thị trường những thông tin kịp thời, xác thực về lý do biến động giá cổ phiếu, nên thị trường đang trông đợi cách làm khác.

Một lãnh đạo HNX cho rằng, để tạo bước tiến trong giải trình biến động giá cổ phiếu, điều quan trọng trước hết là DN cần từng bước áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, DN cần có thành viên HĐQT độc lập, vì họ mới dám “cãi” lại chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc về những thông tin giải trình biến động giá cổ phiếu chưa xác thực, không đầy đủ… có thể gây phương hại đến lợi ích chính đáng của cổ đông, NĐT.

Một số đề xuất cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên nghiên cứu để cho phép các Sở GDCK áp dụng thông lệ: chủ động tạm dừng giao dịch trong 30 - 60 phút với những cổ phiếu tăng hoặc giảm giá bất thường. Ngay sau khi DN có giải trình thỏa đáng về hiện tượng biến động giá, thì Sở GDCK sẽ đưa cổ phiếu vào giao dịch bình thường trở lại.

Việc tạm dừng giao dịch ở đây mang ý nghĩa tích cực, nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT khi họ chưa có điều kiện tiếp cận với thông tin từ DN. Điều này đòi hỏi TTCK Việt Nam cần vượt qua định kiến: hễ DN có cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch là bị nghi ngờ dính đến tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng…

Ngoài giải pháp Sở GDCK tạm dừng giao dịch, tại các TTCK trong khu vực ASEAN, điển hình như Singapore, để tạo bình đẳng cho cổ đông, cho NĐT trong tiếp cận thông tin, DN còn chủ động đề nghị Sở GDCK tạm dừng giao dịch cổ phiếu trước khi DN công bố một thông tin quan trọng, mà bản thân họ không phải lúc nào cũng đánh giá được mức độ tác động của thông tin này đến giá cổ phiếu.

Sau khi hoàn tất công bố thông tin, DN hoàn toàn chủ động trong đề nghị Sở GDCK đưa cổ phiếu vào giao dịch trở lại.

Hữu Đạo

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   SCIC sẽ lập công ty đầu tư tài chính (08/02/2012)

>   Điểm mặt những DN có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc (08/02/2012)

>   Vốn ngoại và ẩn số về những thương vụ lớn (08/02/2012)

>   08/02: Bản tin 20 giờ qua (08/02/2012)

>   Nhà đầu tư thận trọng với "cuộc chơi chớp nhoáng" (07/02/2012)

>   Các quỹ đầu tư Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam (07/02/2012)

>   Minh bạch tài chính sẽ dễ huy động vốn năm 2012 (07/02/2012)

>   Làm quen với VN30 (07/02/2012)

>   Chém gió... không gặp thời! (06/02/2012)

>   07/02: Bản tin 20 giờ qua (07/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật