Thứ Hai, 06/02/2012 10:11

Giá vàng làm sao thế?

Ai đó có thể ngạc nhiên vì chuyện TTCK Việt Nam thời gian qua lên như “thần”. Nhưng đó cũng là lý do vì sao từ nay trở đi, quan niệm của chúng ta cần đồng thuận hoàn toàn với nhận định của thống đốc Nguyễn Văn Bình: vàng là kênh đầu tư rủi ro rất cao!

Phiên ngược chiều bi thảm của giá vàng

Vào phiên giao dịch ngày 4/2/2012, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã vượt rất ngọt ngào qua đỉnh 12.800 điểm của nó, lập tháng 5/2011. Khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng, cho thấy dòng tiền đang thực sự đổ vào cổ phiếu - một kênh đầu tư mà vào giữa năm trước còn bị xem là rất rủi ro.

Giới đầu tư cổ phiếu còn có lý do để hoan hỉ hơn khi chỉ số Nasdaq đã làm hơn cả Dow Jones khi vượt chính đỉnh 11 năm của nó, đạt 2.905 điểm.

Như những nhận định của chúng tôi từ quý 2 năm ngoái, đặc biệt là vào quý 4/2011, không thể nói khác hơn là các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới như Mỹ, Đức đã trở thành đầu tàu kéo số còn lại lên. Chỉ số việc làm tăng đáng kể ở Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này đã hạ xuống còn 8,3%, được xem là thấp nhất trong hơn một năm qua, đã khiến cho giới đầu tư tin rằng kinh tế thế giới đang chuyển mình thật sự.

Cũng vì thế, sáu kim loại công nghiệp như đồng, chì, niken, thiếc, kẽm, nhôm đã lên giá một cách đáng kể, cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang trên đà hồi phục, đồng thời xác nhận luôn xu hướng đầu tư vào hàng hóa đang có chiều hướng dâng cao.

Nếu cổ phiếu và kênh đầu tư hàng hóa không còn rủi ro nhiều nữa, vậy thì kênh nào mới bất an?

Chính là vàng.

Điều có thể làm một phần giới đầu tư thế giới kinh ngạc là cũng trong phiên giao dịch ngày 4/2/2012, trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu bay vút như rồng, thì giá vàng thế giới lại bị mất đến 30 USD/oz. Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Tính từ thời điểm giá vàng thế giới lập đỉnh ở mức 1.923 USD/oz vào tháng 8/2011 đến nay, chưa bao giờ kim loại quý này lại rơi vào "thảm cảnh" như hiện nay. Bất chấp việc mua ròng liên tục (và cũng lỗ liên tục) của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới là Gold Trust, vàng vẫn không làm sao nhấc mình khỏi các ngưỡng kháng cự quan trọng phía trên.

Ở phía trên, như chúng ta đã chứng kiến trong suốt hai tháng qua, ngay cả ngưỡng 1.760 USD/oz cũng đã trở nên một vật cản quá khó để giá vàng vượt qua. Chứ đừng nói đến ngưỡng 1.800 USDoz hay đỉnh cũ của nó...

Cũng trong 6 tháng qua, giá vàng buộc phải "chạy" theo một quy luật hoàn toàn không mong muốn của nó: tăng với biên độ thấp hơn chỉ số chứng khoán, nhưng khi giảm lại mạnh hơn. Tựu trung trong nửa năm qua, giá vàng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thế vận động của thị trường chứng khoán Mỹ và Tây Âu. Đà co kéo như thế đã khiến cho nhận thức về tính hấp dẫn của vàng đã thay đổi rất nhiều nơi các nhà đầu tư và ngay cả đối với những nhà phân tích vàng lạc quan nhất.

Còn giờ đây, vàng đang phải đối mặt với một tương lai ngắn hạn đầy đe dọa: lần đầu tiên giá vàng giảm mạnh trong khi giá chứng khoán tăng mạnh. Điều đó cho thấy xu thế đi xuống không tránh khỏi của giá vàng, và chỉ cần chứng khoán bước vào một chu kỳ giảm mang tính điều chỉnh (trong xu thế đi lên), thì ngay lập tức giá vàng sẽ lao dốc đến mức khó tưởng tượng.

Hình ảnh lao dốc của giá vàng cũng đang khiến cho những ngưỡng hỗ trợ phía dưới 1.600 USD/oz và cả 1.500 USD/oz là khá mong manh. Trong thực tế, có lúc giá vàng đã xuyên thủng ngưỡng 1.600 USD/oz.

Hãy đồng thuận với thống đốc Bình

Trong bối cảnh ấy, giá vàng Việt Nam như thế nào?

Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi không phải là giá vàng trong nước đã không thể vượt qua được ngưỡng kháng cự trên 46,6 triệu đồng/lượng trong suốt thời gian qua (và thực tế giá niêm yết chính thức cũng chỉ đạt đến mốc 46 triệu đồng/lượng), mà là hình ảnh thu ngắn cách biệt giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi.

Cách đây 3 tháng, khoảng chênh cao giữa giá trong nước và giá thế giới vẫn còn là 3-3,5 triệu đồng/lượng, khiến cho không ít người phải nêu hoài nghi về một nhóm lợi ích dồi dào quyền lợi nào đó trong giới kinh doanh vàng, được hậu thuẫn bởi thái độ "bỏ lơ" bất chấp dư luận của cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước.

Song tất cả đã thay đổi đáng kể sau 5 tháng làm giá của các nhóm đầu cơ vàng trong nước. Kể từ đầu năm 2012, khi thanh khoản giao dịch vàng đã giảm sút đến mức chỉ có thể mô tả "chín người bán, một người mua", thì cũng là lúc thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nêu ra nhận định "Vàng sẽ là kênh đầu tư có rủi ro rất cao".

Rất đáng chú ý, đây là nhận định đầu tiên của ông Bình về tính hấp dẫn của kênh đầu tư vàng, từ khi ông nhậm chức thống đốc vào đầu tháng 8/2011.

Một trùng hợp hết sức thú vị đã diễn ra: ngay sau nhận định của người đứng đầu NHNN, giá vàng trong nước đã "rơi tự do". Động thái này không phải là việc giá vàng lao dốc, mà nó đã dần gần hơn với giá thế giới. Từ mức chênh lệch 2,5-3 triệu đồng/lượng, cho đến nay chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/lượng. Thậm chí, một hiện tượng hiếm hoi đã vừa xảy ra là giá vàng của Bảo Tín Minh Châu có thời điểm còn thấp hơn cả giá vàng thế giới quy đổi.

Giá vàng đang bị làm sao vậy?

Rõ ràng xu thế giảm sút của giá vàng thế giới lẫn hiện tượng "tiệm cận" giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, đã không làm cho giới đầu tư và những người trữ vàng hài lòng.

Nhưng biết làm sao được, xu hướng vẫn luôn có thể chuyển thành xu thế, giá có lên thì cũng có xuống.

Hoặc một quy luật khác: nước chảy chỗ trũng.

Chỗ trũng đó nằm ở đâu?

Hoàn toàn không khó khăn để bạn nhận ra cái gì lên cao nhất và cái gì tệ hại nhất trong năm 2011. Vào năm ngoái, đã chỉ có vàng là kênh đầu tư sôi động nhất, lên giá mạnh nhất, đem lại nhiều lời lãi nhất. Ngược lại 100%, chứng khoán lại tồi tệ nhất, thậm chí chỉ số HNX của sàn Hà Nội còn nằm trong Top 3 từ dưới đếm lên trên thế giới, cùng với hai thị trường chứng khoán Hy Lạp và Síp.

Vậy là bài toán đang có lời giải: tiền từ vàng, hay chính xác hơn là tiền từ chiến dịch "thoát vàng" kéo dài suốt từ tháng 7/2011 đến cuối năm ngoái, đã có cơ hội để chuyển sang một thứ vùng trũng nhiều cơ hội sinh lời hơn hẳn.

Bởi thế, ai đó có thể ngạc nhiên vì chuyện TTCK Việt Nam thời gian qua lên như "thần". Nhưng sẽ đơn giản hơn nếu thấy rằng thời gian ấy lại khá trùng hợp với thời gian mà giá vàng trong nước "tiệm cận" với giá vàng thế giới.

Đó cũng là lý do vì sao từ nay trở đi, quan niệm của chúng ta cần đồng thuận hoàn toàn với nhận định của thống đốc Nguyễn Văn Bình: vàng là kênh đầu tư rủi ro rất cao!

Một "chuyển dịch kinh tế" mới đang bắt đầu!

Việt Thắng

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Vàng giữ giá trên 45,1 triệu đồng/lượng (06/02/2012)

>   Huy động vàng: “Cơ bản là phải tạo được niềm tin cho người dân” (05/02/2012)

>   "Đột nhập" kho vàng hơn 4.000 tấn của Anh (05/02/2012)

>   Cuối tuần, giá vàng lao dốc (04/02/2012)

>   10 sự thật ít biết về vàng (04/02/2012)

>   Vàng giảm lần đầu trong 4 phiên, đồng tăng mạnh (04/02/2012)

>   Giá vàng giảm ngay từ đầu ngày (03/02/2012)

>   Tăng liền 3 phiên, vàng chạm đỉnh 11 tuần sát 1,760 USD/oz (03/02/2012)

>   Nên đầu tư vào đâu? (02/02/2012)

>   Giá vàng đắt thêm 150.000 đồng (02/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật