Giá kỳ hạn cà phê đang “bị vắt”
Trong phiên giao dịch hôm qua, thứ Năm 9-2, giá niêm yết thị trường kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE tại London đã bị” vắt” (price squeezing). Giá giao ngay (spot) của tháng 3-2012 đã tăng cao hơn giá tháng xa tức giá tháng 5.
“Vắt giá” (price squeezing) là gì?
Vắt giá hay còn được gọi là giá bị đảo (inversion). Thông thường, giá tháng giao ngay (nay là tháng 3) thấp hơn giá tháng giao xa. Sự cách biệt về giá trị đó được giải thích một là cung-cầu cho các tháng giao hàng bình thường, hai là tháng sau mắc hơn là để giúp cho giới kinh doanh có được một khoản tiền trang trải chi phí như kho bãi, hao hụt…cho hàng tồn kho của tháng xa hơn.
|
Biểu đồ 1: giai đoạn giá giao ngay Liffe NYSE bị vắt năm 2011. |
Nhưng hôm qua, giá không còn theo trật tự ấy mà đã bị đảo. Như tên gọi của hiện tượng, giá tháng gần (nay là tháng 3) cao hơn giá tháng xa (tháng 5). Khi đóng cửa, giá tháng 3-2012 đứng ở mức 1.950 đô la Mỹ/tấn, cao hơn giá đóng cửa tháng 5 chốt tại 1.930 đô la Mỹ/tấn.
Hiện tượng giá đảo hay trên thị trường được gọi là bị “vắt” được giải thích rằng do thiếu hàng giao ngay, nên giá tháng giao ngay (spot) tăng mạnh.
Lý do giá vắt và hiện tượng có thể xảy ra?
Khi hiện tượng này xảy ra, giới kinh doanh tranh thủ tối đa hàng có trong tay như ở trong kho ngoại quan chẳng hạn, đưa ngay sang các kho châu Âu để tranh thủ đưa vào bán cho thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE trên tháng giao ngay với giá niêm yết cao hơn các tháng sau. Chỉ trừ những lô hàng đã cam kết lâu dài với khách mua xa, vừa không có chi phí bảo quản vừa sau này bán giá thấp hơn. Chính vì thế, các bạn sẽ thấy nếu như giá tháng giao ngay cứ tiếp tục cao và ngày càng cao hơn tháng sau, các hãng kinh doanh sẽ tranh thủ xuất tối đa lượng hàng từ kho nước sản xuất đem sang để sẵn sàng tại cảng có kho Liffe hòng chực bán ngay nếu giá thuận lợi.
Còn nhớ trong giao thời giữa quí 1 và quí 2 năm ngoái, có lúc giá “bị vắt” đến cả trăm đô la (xin xem biểu đồ phía trên) và hàng robusta của Việt Nam chuyển sang các kho Liffe không ngớt, có lúc tồn kho cho hàng đạt giấy chứng nhận chất lượng Liffe NYSE (certs) đạt gần đến 420.000 tấn, là mức tồn kho cao kỷ lục của mọi thời đại.
|
Biểu đồ 2: lượng tồn kho đạt chứng nhận chất lượng robusta Liffe NYSE (tác giả tổng hợp). |
Theo báo cáo mới nhất của Liffe NYSE, tính đến hết ngày 6-2-2012, tồn kho certs Liffe NYSE giảm thêm 9.150 tấn, nay chỉ còn 227.170 tấn. Với mức này, lượng certs robusta sau 15 lần báo cáo có lượng rớt, tồn kho loại này đã xuống thấp hơn 2,5% so với cách đây 52 tuần, bấy giờ ở mức 232.900 tấn (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Mặt khác, như các bạn thấy, hiện nay, lượng tồn kho chưa bán tại các cảng do Liffe vẫn còn nhiều (227.170 tấn như báo cáo gần nhất của Liffe đã nói). Nên, rất có thể đầu cơ đang tạo tình huống để bán ra lượng tồn kho ấy với mức cao thông qua “giá vắt”.
Với thực tế hiện nay, do giá nội địa Việt Nam, nước xuất khẩu robusta hầu như độc tôn, đang ở mức rất cao so với giá Liffe cộng với chi phí, đây cũng có thể là một động tác giả để kéo giá giao ngay lên cao trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không bán trên giá tháng 3 nữa, nhằm tạo cơ hội mua giá chênh lệch thấp hơn nhờ có giá niêm yết cao hơn. Một khi làm được điều đó, giá các tháng sau cứ thế mà trừ chứ không được như hiện nay.
Với giá vắt, đầu cơ và giới kinh doanh sẽ rộng tay mua. Giá chuẩn Liffe cho loại 2 là -30 trên giá tháng 3 Liffe, cộng với các thứ phí như chuyên chở, lấy mẫu, thử mẫu…thì tổng chi phí phải dưới mức ấy, tức thấp hơn -30 đô la nếu là giao dịch bình thường. Hơn nữa, nghe tin rằng vào đầu tháng 3-2012, giá cước tàu sẽ tăng thêm 35-40 đô la cho mỗi tấn, chi phí chuyên chở lại càng cao. Nên, buộc các nhà đầu cơ phải tạo tình huống để gây vắt giá nhằm "một phát bắn rớt nhiều con chim".
Cơ hội cho giá tăng, hàng bán chạy
Song, cũng cần đưa ra ưu điểm của giá vắt: giá giao ngay tăng, tạo điều kiện hàng ra nhiều và với thực tế hiện nay, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giải phóng một lượng hàng cần thiết trong thế có lợi. Với số hàng chưa bán còn lại sẽ dễ quản lý và điều tiết hơn nếu như thực sự được mùa.
Dù sao, hiện tượng này xảy ra sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu vì giá giao ngay sẽ đội lên trong khi giá xuất khẩu đang rất cao. Nếu như công ty nào không đủ tiền để mua hàng giao, rủi ro càng nhân lên gấp bội.
Do có hiện tượng này, giá nội địa sẽ được nước lên cao. Thị trường sẽ rất lộn xộn với nhiều mức giá khác nhau, dễ khơi gợi “máu đầu cơ” chờ giá cao nữa vì tưởng hàng thiếu thật. Nhưng, vẫn hãy coi chừng vì nếu hàng bán vào tay chỉ một vài người sẽ lại có hiện tượng giá xuống khi họ đã nắm được hàng trong tay như đợt giá xuống trên Liffe NYSE vừa qua.
Do giới kinh doanh và đầu cơ đã mua bán phòng hộ (hedge), nên giá niêm yết Liffe NYSE cao thấp bao nhiêu không quan trọng. Cái họ sẽ làm là siết giá xuất khẩu làm sao để có giá chênh lệch (trừ lùi) cao hơn giá họ mua để họ kiếm lời nhờ cách mua bán dựa trên chênh lệch đó.
Giá vắt đợt này, liệu có lâu dài?
Cuối phiên khuya hôm qua 9-2-2012, arabica Ice New York đóng cửa rớt thảm hại. Sẽ rất thú vị cho chiều hôm nay thứ Sáu cuối tuần trên robusta Liffe NYSE. Dự kiến giá mở cửa robusta Liffe NYSE rớt đậm do phải cân bằng với giá arabica Ice New York . Đóng cửa phiên hôm qua, arabica New York giá tháng giao ngay giảm 4,05 cts chỉ còn 216.00 cts/lb.
Theo tính toán kỹ thuật, dự kiến robusta Liffe phải giảm 60 đô la nhưng ta cứ tạm tính chừng từ 20-30 đô la khi robusta Liffe NYSE mở cửa. Liệu trò chơi giá đảo có còn tiếp tục do một phần arabica Ice yếu kỹ thuật hay hai thị trường cà phê arabica Ice và robusta Liffe NYSE đường ai nấy đi?
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG ONLINE
|