Nông dân găm cà phê chờ giá cao
Tuy các doanh nghiệp khó gom hàng xuất khẩu nhưng việc găm hàng cũng có mặt tích cực là khiến cà phê không rớt giá ngay đầu vụ.
Sau tết, giá cà phê liên tiếp tụt giảm khiến nông dân chỉ bán ra cầm chừng. Với vốn trong tay từ lợi nhuận nhờ được giá ở vụ vừa qua và cơ chế cho vay thuận lợi từ ngân hàng nên họ trữ cà phê chờ giá tốt.
Đồng loạt trữ hàng
Vừa thu hoạch xong 2 ha cà phê, sản lượng hơn bảy tấn nhân, anh Nguyễn Công Vinh (thôn 16A, xã Eakly, Krông Pắk, Đắk Lắk) chỉ bán một ít để trả nợ phân bón, xăng dầu và có tiền tiêu xài dịp tết. Anh Vinh cho biết: “So với thời điểm này năm ngoái, giá cà phê hiện thấp hơn khoảng 6.000 đến 7.000 đồng/kg, bán giá này người trồng cà phê sẽ không có lãi do giá nhân công, vật tư tăng cao”. Tương tự, ông Dương Văn Dinh (thôn 10A, xã Eakly, Krông Pắk, Đắk Lắk) sau khi thu hoạch được hơn hai tấn cà phê nhân cũng quyết định gửi vào đại lý của người quen đợi được giá mới bán. “Năm vừa rồi thu hoạch lợi nhuận khá nên có vốn. Chứ như mọi năm thu hoạch xong là bán ngay vì chỉ lo trả lãi suất ngân hàng cho vay, trả tiền nợ phân, tiền công, chi phí điện, nước, xăng dầu… cũng đủ chết!”.
Tại vùng trọng điểm cà phê thị trấn Đắk Mil (Đắk Nông), bà Nguyễn Hằng, chủ đại lý thu mua hàng nông sản, cho biết: “Lúc đầu vụ, tôi tưởng do gặp mưa nhiều, phơi sấy khó nên nông dân chưa hái bán, đến giờ mới biết là họ găm hàng”. Bà Hằng cũng cho hay thời gian qua tại Tây Nguyên liên tiếp có nhiều doanh nghiệp (DN), đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ nên mùa vụ này nông dân rất sợ, không dám ký gửi nhiều cho đại lý mà trữ cà phê ở nhà.
|
Tình trạng thu mua tại các đại lý khá ảm đạm do nông dân găm hàng chờ giá. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phượng, chủ DNTN Tấn Phượng (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) nói: “Đến nay tôi mới thu mua được khoảng hơn 300 tấn, số lượng cà phê ký gửi cũng ít. Năm ngoái, vào thời điểm này đại lý đã nhận ký gửi hơn 700 tấn nhưng năm nay chỉ mới nhận ký gửi được khoảng 100 tấn của những chỗ quen biết”.
DN không dám ký hợp đồng lớn
Ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Chế biến Cà phê Xuất khẩu Dak Man, cho biết xuất khẩu cà phê đầu năm 2012 ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1, DN mới chỉ xuất được hơn 8.000 tấn. Hiện giờ giá cà phê trong nước chỉ 36,5-37 triệu đồng/tấn, nông dân đang chờ giá tăng lên mức 40 triệu đồng/tấn mới bán. Hiện nay lượng cà phê mua vào để xuất khẩu chỉ đáp ứng theo từng đợt với số lượng nhỏ, tuy nhiên giá xuất khẩu vẫn ở mức cao nên DN vẫn có lợi.
Theo ông Bằng, năm nay DN xuất khẩu cà phê theo hướng giao ngay, thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, nguồn hàng có được bao nhiêu thì ký bấy nhiêu chứ không kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng vì lượng cà phê nông dân bán ra ít và DN cũng đề phòng cà phê tăng giá. Hợp đồng ký trong tháng 1, tháng 2 thì sẽ giao hàng trong tháng 3. Năm ngoái, việc ký hợp đồng theo dạng “trừ lùi” với thời gian giao hàng kéo dài và số lượng lớn đã gây nhiều tổn thất lớn cho DN. Mặt khác, nhiều chuyên gia dự báo sản lượng cà phê năm nay sẽ sụt giảm nghiêm trọng nên DN cũng phải cẩn trọng kẻo bồi thường hợp đồng.
Cần “chơi đẹp” với nông dân
Việc người dân găm trữ cà phê có nguy cơ xấu là làm sự tranh mua giữa các DN trong nước được đẩy lên cao trào, nguồn cung yếu, có thể khiến mặt bằng giá cà phê sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA), kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cafecontrol, cho rằng việc người dân “găm” hàng ngay từ đầu vụ cũng là điều tốt. Các vụ trước, người dân đã ồ ạt bán cà phê ngay từ đầu vụ khiến giá rớt mạnh, DN phải đề xuất Nhà nước mua tạm trữ để giữ giá nhưng cũng chỉ mua được phần nào.
Theo ông Hải, việc “găm” cà phê có thể xảy ra rủi ro nhưng không nhiều, bởi nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới đang ít hơn cầu, do đó giá cà phê sẽ khó giảm trong thời gian tới. Việc người dân tiếp tục “găm” hàng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt trong thu mua cà phê giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Nếu điều đó xảy ra, cà phê sẽ được giá hơn.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của một số thương nhân và chuyên gia giàu kinh nghiệm, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc găm hàng cũng không hoàn toàn là biện pháp tối ưu, thậm chí phải “trả giá” nếu giá quay đầu giảm. Khi ấy, nông dân sẽ phải bán tháo ồ ạt.
Mặt khác, tình trạng găm hàng như hiện nay các DN trong nước nếu cứ “mạnh ai nấy làm” thì chỉ càng tạo cơ hội tốt cho DN nước ngoài nhảy vào thu mua hưởng lợi. Trong lúc này, hiệp hội và các cơ quan có thẩm quyền cần có động thái nhằm thúc đẩy DN và người dân có sự trao đổi hàng hóa lẫn nhau. DN muốn nông dân ký gửi số lượng nhiều thì phải đảm bảo mức lợi nhuận an toàn cho nông dân. Nếu DN làm ăn không uy tín, bán được giá cao thì tự hưởng, giá thấp thì o ép, ắt nông dân sẽ không chịu hợp tác.
Năm 2012, sản lượng cà phê giảm 10%
Sản lượng cà phê của Việt Nam trong vụ mùa 2012-2013, sẽ giảm đáng kể so với năm nay do cây ra hoa sớm (ảnh hưởng của các đợt áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 7 và gió mùa đông bắc vừa qua tại Tây Nguyên). Sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay có lẽ sẽ nằm ở mức 17,5 triệu bao, giảm khoảng 10%. Thêm vào đó là diện tích cây cà phê già cỗi sẽ tăng lên gần 30%. Năng suất những vườn cà phê già chỉ bằng 1/2 so với năng suất các vườn cà phê trẻ. Xuất khẩu cà phê hy vọng sẽ tăng mạnh trở lại vào giữa tháng 2, khi giá cà phê tăng trở lại và thời tiết thuận lợi cho việc phơi sấy, chế biến.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA) |
Quang Huy
PHÁP LUẬT TPHCM
|