Giá cà phê tăng: Liệu ai đó lỡ đò?
Đã từ mươi ngày qua, giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn NYSE Liffe (TTKH) nhảy như con ngựa bất kham. Chỉ đến hôm qua, phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, giá đóng cửa mới tạm thời dịu lại.
Giá tăng, đầu cơ hưởng lợi muôn phần
Với tin Việt Nam chỉ xuất khẩu chừng 112 ngàn tấn cà phê trong tháng 1-2012, đồng thời lượng tồn kho đạt chất lượng theo yêu cầu của TTKH NYSE Liffe tiếp tục giảm chỉ còn chừng 220 ngàn tấn từ đỉnh cao 420 ngàn tấn, xuống mức thấp hơn lượng tồn kho cách đây một năm, các tay đầu cơ thấy thông tin đã khá thuận lợi và bắt đầu thực hiện đợt “vắt giá”.
Với TTKH NYSE Liffe, các tháng giao hàng được chọn là các tháng lẻ trong năm. Nên, hiện nay, tháng 3 là tháng giao hàng gần nhất cho các hợp đồng kỳ hạn (futures contracts). Còn tháng 5 lại trở thành tháng giao dịch chính cho các hoạt động kinh doanh khác như các hợp đồng giao sau (forward contracts).
Nếu như hiện nay, hầu hết các nhà kinh doanh hàng thực đều đã giao dịch mua bán với nhau dựa trên cơ sở giá tháng 5 của TTKH, thì các tay đầu cơ và môi giới dùng sức mạnh đồng tiền để đấu nhau thông qua các hợp đồng kỳ hạn. Chính vì thế mà nhiều nhà xuất nhập khẩu đã mất cơ hội ngàn vàng để kiếm tiền vì họ đã bị xếp “ngoài luồng”.
Trên bảng tổng sắp giá hàng ngày của TTKH, thường thường, giá tháng sau đều cao hơn tháng trước chừng từ 20-25 đô la/tấn. Mức chênh lệch này thường được hiểu để các nhà giao dịch trả các loại chi phí tài chính, kho bãi, hao hụt…cho lượng hàng giao xa hơn. Thế mà, trong đợt vừa qua, khi nhận được tin lượng hàng lưu chuyển giảm, giá tháng giao hàng gần nhất tức tháng 3-2012 đã được đầu cơ nhanh tay “vắt” để có giá tháng gần nhất này tăng cao hơn nhiều so với các tháng giao dịch sau.
Ngay trước ngày thực hiện vắt giá, tức ngày 8-2-2012, tại thời điểm đóng cửa, giá tháng 3 còn thấp hơn giá tháng 5 là 12 đô la/tấn chốt mức 1.878 đô la, thì đến ngày thứ Năm tuần này đã vọt lên mức 2.167 đô la, tăng 289 đô la/tấn. Có lúc, giá tháng 3 đã cao hơn giá tháng 5 trên 200 đô la/tấn.
Với mức cách biệt 200 đô la/tấn, người không hiểu mạch thị trường sẽ cho rằng thế giới trong những ngày tới thiếu cà phê “kinh khủng”. Nhưng, “thấy vậy mà không phải vậy”. Tuyệt đại bộ phận giao dịch tháng 3-2012 đều năm trong khuôn khổ của các hợp đồng kỳ hạn. Hầu như, nó chỉ dành cho một vài người có chân giao dịch trên sàn đấu đá nhau siết giá kiếm lời. Đợt vắt giá này chắc chắn sẽ để lại nhiều hậu quả tốt xấu lẫn lộn mà xấu sẽ lấn át tốt cho thị trường hàng thực và xuất khẩu của nhiều quốc gia sau này.
Tuy không sôi động và dũng mãnh như giá tháng giao hàng, giá tháng 5-2012 cũng được nương theo và tăng dần. Giá đóng cửa TTKH cơ sở tháng 5-2012 ngày 8-2 ở mức 1.890 đô la thì đến ngày 16-2 vọt lên 2.039 đô la, tăng 149 đô la/tấn. Rất tiếc phiên giao dịch cuối tuần khuya hôm qua, giá đã quay đầu về mức 1.994 đô la, mất 45 đô la so với giá đóng cửa ngày trước đó. Như vậy, qua đợt vắt giá này, giá tháng giao dịch chính chỉ tăng chừng 100 đô la.
Giá tăng: nông dân thở phào
Giá tăng, nông dân cà phê nước ta thở phào nhẹ nhõm. Giá nội địa mươi ngày trước đây chỉ quanh mức 37.000 đồng/kg thì đến hôm qua trước khi TTKH mở cửa đã tăng quanh mức 40.000 đồng. Đêm qua, giá kỳ hạn sụp, cuối tuần giá robusta nội địa chỉ quanh mức 39.000 đồng/kg.
Theo nhận định của một nhà phân tích thị trường, giá kỳ hạn giảm hôm qua không chỉ là một đợt chỉnh giá xuống bình thường sau một đợt giá tăng căng, mà còn có sức bán ra khá mạnh từ các nước sản xuất. Thực vậy, một số nhà xuất khẩu đã mua được mức 40.000 đồng/kg và thực hiện chốt giá bảo vệ (hedging) ngay trong ngày đã làm giá TTKH cuối tuần giảm.
Trong khi đó, giá xuất khẩu robusta loại 2, 5% đen vỡ vẫn được các nhà xuất khẩu Việt Nam chào dè dặt với mức trừ 20/30 đô la/tấn FOB dưới giá tháng 5 Liffe cho giao hàng tháng 3 và tháng 4. Lượng chào bán ra không nhiều. Chưa biết đây đây là điều tốt hay xấu. Trong khi đó, thông tin từ một vài nhà kinh doanh cho rằng họ đã mua được hàng cùng loại tại Indonesia với mức trừ 40/50 đô la/tấn. Rất có thể các nhà xuất khẩu Indonesia tranh thủ đợt giá tăng này để bán phòng hờ “nhỡ sợ giá xuống sâu lại thì sao”.
Nên bán hay nên găm hàng?
Dù sao, giá tăng, nông dân vẫn thấy khá nhẹ nhõm vì phải vào đợt tưới tắm và rồi bón phân dưỡng cây dưỡng trái ngay từ thời điểm này. Họ đang cần tiền và phải bán ra một lượng nhất định để tái đầu tư vườn cây của mình. Đây chính là dịp tốt và nhiều người tỏ ra vui sướng được hưởng. Mức chênh lệch của tháng bị vắt và tháng giao dịch chính (tháng 5) đến sáng nay chỉ còn 100 đô la. Chưa ai dám nói rằng hiện nay màn vắt giá của các tay đầu cơ đã đóng.
Song, dù sao, phải nói rằng dịp tăng giá vừa qua, tuy hoàn toàn do yếu tố đầu cơ, là một cơ hội rất tốt cho ta bán bớt hàng ra tranh thủ lúc thị trường “mùa nước nổi”. Thiết nghĩ, rủ nhau giữ lại hàng sẽ tạo nhiều khó khăn cho giá và thị trường sau này. Đáng ra, “khi nào đầu cơ múa, thì hàng cà phê của ta tìm cách nhảy”, theo cách nói của một nhà phân tích thị trường trong dịp vắt này. Và e đó cũng là cách tốt nhất để vừa tranh thủ được bán giá cao, vừa giảm áp lực tồn kho lớn để giữ được giá cao lâu dài mà khách hàng không coi mình quá “chảnh” để tìm bạn hàng khác. Mong sao sẽ còn chuyến đò khác nếu như dịp này ai đã lỡ.
Trong dịp này, để giảm hoạt động đầu cơ tạo giá vắt như trường hợp mấy ngày qua, lãnh đạo TTKH NYSE Liffe đã đưa ra bản thăm dò lượng giao hàng tối đa với mức đề nghị 7.500 hợp đồng tức 75.000 tấn cho những người tham gia TTKH này.
Có thể đây chính là mốc bắt đầu cho đầu cơ bớt tự tung tự tác và phải rút vốn dần khỏi thị trường. Trước đây, tại TTKH arabica Ice New York cũng đã thực hiện các điều lệ tương tự. Và đầu cơ giảm vốn dần đưa lại giá TTKH Ice giảm từ bấy đấn nay.
Dự kiến sau khi thăm dò, đến tháng 11-2012 này điều lệ này sẽ được áp dụng. Cũng có thể vì các điều lệ này mà giá về lâu về dài sẽ khựng lại, ngoài yếu tố cung - cầu.
Nguyễn Quang Bình
TBKTSG ONLINE
|