Doanh nghiệp nhựa kêu khó vì thuế môi trường
Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã lên tiếng kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét tạm ngưng, chưa thực hiện việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm bao bì nhựa.
Kiến nghị trên được ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch VPA nêu ra tại buổi họp báo do hiệp hội này tổ chức sáng nay (10-2) về những phản hồi, bức xúc của doanh nghiệp nhựa liên quan đến Luật thuế bảo vệ môi trường, đánh thuế sản phẩm bao bì nhựa có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.
|
Ông Bùi Quang Thịnh, Phó tổng giám đốc Công ty nhựa Tân Tiến nêu bức xúc tại buổi họp báo sáng 10/02 |
Lúng túng trước thuế môi trường
Theo ông Doanh, đến nay đã hơn một tháng lực có hiệu lực, nhưng các văn bản hướng dẫn thực thi luật chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan thi hành luật.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp nhựa vẫn còn chưa biết được liệu mình có nằm trong đối tượng chịu thuế hay không và chịu thuế ra sao. Thậm chí các văn bản của các cục thuế các địa phương trả lời thắc mắc của doanh nghiệp cũng khác nhau dẫn đến doanh nghiệp rất hoang mang, chưa biết thực hiện thế nào.
Ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch VPA cho biết, ngay từ đầu hầu như những đóng góp ý kiến của VPA vào dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường (trong đó có mặt hàng nhựa) dường như bị bỏ qua, đã không được chỉnh sửa hoặc bổ sung vào luật.
“Tác động lớn nhất hiện nay là tất cả các doanh nghiệp nhựa đều rất hoang mang bởi Bộ Tài chính vẫn chưa quy định rõ loại sản phẩm nào bị đánh thuế ra sao. Việc đánh thuế làm cho chi phí sản xuất tăng, giá bán tăng, doanh nghiệp mất năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài bởi giá thành sẽ tăng cao”, ông Cang băn khoăn.
Theo ông Cang, đáng lo ngại hơn là việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước giờ mua sản phẩm nhựa trong nước đề làm hàng xuất khẩu thì nay tuyên bố sẽ nhập từ các nước trong khu vực với giá rẻ hơn. Điều này đang đẩy ngành nhựa Việt Nam mất đi những khách hàng lớn.
“Nếu thuế bảo vệ môi trường đánh vào ngành nhựa không có lộ trình phù hợp và được chọn lọc loại sản phẩm kỹ càng thì sẽ giáng một đòn chí tử vào các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vốn đang rất khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp nhựa sẽ rất lớn, thậm chí phá vỡ sự phát triển ngành nhựa Việt Nam”, ông Cang nói thêm.
Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch VPA cho biết thêm rằng ngành nhựa Việt Nam đang có khoảng 2.200 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 200 ngàn lao động. Doanh thu ngành nhựa cả nước năm 2011 đạt 7,9 tỉ đô la Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ. 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam lần lượt gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hà Lan, Campuchia, Anh, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Ông Lam cho biết hiệp hội đang rà soát xem từ đầu năm đến nay, tổng mức thuế mà các doanh nghiệp phải đóng ra sao, ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà sản xuất sử dụng sản phẩm của ngành nhựa và chi phí bị đội lên cho người tiêu dùng, tác động đến hoạt động xuất khẩu bởi ngành bao bì góp phần nhiều trong chi phí sản phẩm.
“Hiệp hội nhựa Việt Nam sẽ tiếp tục gởi công văn đến Chính phủ, cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và các cục thuế để cùng đối thoại với các doanh nghiệp nhựa nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện luật thuế môi trường”, ông Lam nói.
Thế nào là bao bì thân thiện môi trường?
Một trong những khó khăn khác được các doanh nghiệp nhựa nêu ra là bản thân họ cũng không biết thế nào là bao bì thân thiện môi trường bởi chưa có cơ chế kiểm tra, chưa có tiêu chí đánh giá rõ ràng cụ thể do cơ quan chức năng ban hành. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhựa rất lúng túng, không thể định hướng phát triển sản xuất kinh doanh, khiến khó khăn chồng khó khăn.
Trong khi đó, theo VPA thì mãi đến ngày 9-2 vừa qua, hiệp hội này mới chỉ nhận được văn bản trả lời từ Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thế nào là sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.
Theo văn bản trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ nêu chung chung rằng năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt chương trình cấp nhãn xanh Việt Nam cho một số sản phẩm thân thiện môi trường. Trong chương trình này, bộ cũng đã ban hành bộ tiêu chí nhãn xanh Việt Nam, trong đó có tiêu chí đối với bao bì nhựa phân hủy sinh học dùng gói hàng khi mua sắm.
Tuy nhiên, bộ này cũng cho biết hiện vẫn đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành hướng dẫn về tiêu chí xác định túi ni lông thân thiện với môi trường.
Văn Nam
TBKTSG Online
|