DN vừa và nhỏ Thái Lan có thể tăng trưởng 4%
Tại một hội nghị chuyên đề mới đây ở Bangkok, các đại diện của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI), Văn phòng xúc tiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (OSMEP), và Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) cùng nhận định tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của nước này có thể đạt 3,8-4,2% trong năm nay mặc dù có một số nhân tố bất lợi trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch FTI, Payungsak Chartsuthipol, những thay đổi trong và ngoài nước sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các SME của Thái Lan. Những thách thức đang tồn tại trong cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó có những tác động dai dẳng của trận lũ lụt nặng nề năm ngoái, việc tăng công nhật tối thiểu, tăng giá khí đốt và nhiên liệu.
Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của SCB, Sirichai Sombutsiri, cho rằng các SME nên tiếp tục theo dõi diễn biến cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đà phục hồi kinh tế ở Mỹ, trong khi cần đặc biệt chú ý tới các chính sách đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.
Đề cập tới môi trường kinh doanh trong một Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mà 10 nước thành viên ASEAN dự tính sẽ xây dựng vào năm 2015, ông Sirichai nói sự cạnh tranh giữa các SME ở Thái Lan và khu vực ASEAN sẽ dữ dội hơn nhiều.
Trong khi đó, ông Payungsak cho rằng nếu có thể thích ứng tốt trong điều kiện mới với việc ứng dụng các công nghệ tiến tiến và tiến hành những đổi mới, các SME có thể cạnh tranh với các đối thủ trong cả ở khu vực ASEAN cũng như trên toàn cầu.
Đối với Thái Lan, các SME đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Theo OSMEP, số SME ở nước này trong giai đoạn 2010-2011 là khoảng 2,9 triệu, chiếm khoảng 99,6% tổng số doanh nghiệp.
Các SME đóng góp gần 27% kim ngạch xuất khẩu và 37% GDP, trong khi tạo ra 78% số việc làm. Theo Tổng giám đốc OSMEP, Yuthasak Supasorn, mức đóng góp của SME vào GDP cần phải được nâng lên hơn 50% như ở các nước phát triển, khi nền kinh tế Thái Lan được hưởng lợi đầy đủ từ các SME.
Hiện hầu hết các SME đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính nên khoảng 70% số SME phải dựa vào nguồn vốn riêng.
Một vấn đề khác đang nổi lên là việc tiền công nhật tối thiểu dự kiến sẽ tăng 40% trên khắp cả nước kể từ ngày 1/4 tới.
Các đại diện từ FTI và SCB lo ngại rằng chính sách này có thể gây ra một tác động lớn đối với các SME./.
Lê Minh
Vietnam+
|