Dệt may - bước chạy đà cho phát triển công nghiệp hiện đại
Dệt may không chỉ là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm rất lớn, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, giá cả các mặt hàng chiến lược biến động thất thường..., song các chỉ tiêu chính của ngành như doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận vẫn tăng từ 29% đến 38% so với năm 2010. Đặc biệt, ngành tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động.
Trong lịch sử phát triển kinh tế, các nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, đều cất cánh từ ngành công nghiệp dệt may. Lý do là, ngành dệt may đòi hỏi vốn không lớn, trong khi giải quyết được nhiều lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo…
Ở Việt Nam, ngành dệt may đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2 triệu lao động (chưa tính đến số lao động làm việc mang tính thời vụ và các công nghiệp phụ trợ khác). Với mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/tháng, nguồn thu của gần 2 triệu lao động này khoảng 80.000 tỷ đồng (4 tỷ USD)/năm.
Ngành dệt may sử dụng ít tài nguyên không tái tạo, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao qua thu nhập của người dân: một nhà máy dệt may có thể được xây dựng trên 1 ha đất, tạo việc làm cho 1.000 công nhân, với tổng thu nhập của người lao động khoảng 40 tỷ đồng/năm.
Dư địa của ngành dệt may còn tiếp tục phát triển trong 20 - 30 năm nữa, do ngành này của Việt Nam đã có uy tín trên trường quốc tế. Nếu trước năm 2003, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ dệt may toàn cầu, thì hiện nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam nằm trong Top 5 thế giới. Cách Mỹ cả nửa vòng trái đất, nhưng hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc, vượt qua các nước lớn như Hàn Quốc, Mexico, Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu lớn hàng dệt may trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển các đơn hàng từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho ngành dệt may nước ta phát triển.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã có những sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu của mình xuất khẩu ra nước ngoài, như San Sciaro, Manhattan, GrusZ Eternity...
Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt khoảng 16 tỷ USD (trong đó xuất khẩu xơ, sợi các loại đạt trên 1,8 tỷ USD), tăng gần 30% so với năm 2010. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, EU 2,4 tỷ USD, Nhật Bản 1,65 tỷ USD… Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu cho ngành dệt may là 11,6 tỷ USD, trong đó phần nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu là 9,3 tỷ USD. Như vậy, năm 2011, ngành dệt may đã tạo ra giá trị trong nước khoảng 6,7 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc giảm nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại cho nền kinh tế.
Không chỉ có đóng góp lớn về xuất khẩu, tạo việc làm, ngành dệt may còn có vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành dệt may phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, nên góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, hiện có một số quan điểm khác nhau về lựa chọn phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó có ý kiến cho rằng, các ngành công nghiệp nhẹ không cần tập trung phát triển nữa. Thiết nghĩ, để có hướng đi thích hợp, trước hết, cần đánh giá một cách toàn diện các nhu cầu của nền kinh tế, trong đó có nhu cầu giải quyết việc làm. Nếu chỉ dựa vào ngành công nghiệp công nghệ cao, ngành xây dựng… liệu có giải quyết được bài toán việc làm cho nền kinh tế?.
Doãn Đức, Phó trưởng ban Thông tin - Truyền thông (Tập đoàn Dệt may Việt Nam)
Đầu tư
|