Cuộc sống ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Khi nói về những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, có lẽ ít ai nghĩ tới thủ đô Luanda của quốc gia châu Phi Angola. Những con đường đầy ổ gà và nỗi ám ảnh còn đó về hàng thấp kỷ nội chiến khiến thành phố này không có được vẻ hào nhoáng của Tokyo, New York hay Moscow.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, Luanda luôn dẫn đầu danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người ngoại quốc do các hãng tư vấn như Mercer thực hiện. Ở đất nước mà quá nửa người dân có mức sống dưới 2 USD/ngày trong những khu nhà ổ chuột, vô số hàng hóa và dịch vụ được niêm yết mức giá khiến người ngoại quốc đến từ những nước giàu nhất thế giới cũng phải choáng.
|
Mấy năm gần đây, Angola đã đặt việc hạ nhiệt giá cả thành một ưu tiên chính sách, nhưng xem ra việc này quá khó. |
Theo hãng tin BBC, để thuê một căn nhà ở Luanda, số tiền phải bỏ ra trung bình mỗi tháng là 10.000 USD (210 triệu VND), một bữa ăn bình thường cho hai người tiêu tốn 50 USD (1,05 triệu VND), ở một đêm trong phòng khách sạn lấy mất 400 USD (8,4 triệu VND), một cân cà chua nhập khẩu giá 16 USD (336.000 VND)…
Để thuê một chiếc xe hơi bình thường không tài xế, khách ngoại quốc sẽ tốn mất 90 USD (1,89 triệu VND) trong một ngày. Một chiếc xe SUV, thích hợp hơn khi di chuyển trên những con đường gập ghềnh ở Luadan, thậm chí còn có giá thuê 200 USD (4,2 triệu VND) trong một ngày.
Cặp vợ chồng người Indonesia, anh Erwin Santora và chị Wina Miranda, chuyển tới sống tại Luanda từ năm 2008. Anh Santora là kỹ sư làm việc cho một công ty dầu khí nước ngoài tại thành phố này. Cặp đôi cho biết, dù đã tìm hiểu thông tin về sự đắt đỏ của Luanda trước khi chuyển tới, họ vẫn thực sự cảm thấy sốc vì giá cả tại đây.
Dù đã được công ty bao tiền nhà, tiền xe và tiền học phí cho con cái, gia đình anh Santora vẫn phải chi 2.000 USD, tương đương khoảng 42 triệu VND, mỗi tháng, chủ yếu là tiền thực phẩm. Chị Miranda phàn nàn rằng, rau và thịt là những mặt hàng đắt đỏ nhất. Chẳng hạn, 1 cân thịt bò ở Luanda có giá 45 USD (945.000 VND), mà là thịt bò đông lạnh chứ không phải hàng tươi.
Anh Fernando Azvedo, một kỹ sư viễn thông người Bồ Đào Nha, sống cùng vợ tại Luanda từ năm 2010. Anh này cho biết, những mặt hàng có giá hợp lý ở thành phố này gồm có bia, giá khoảng 0,6 USD/chai; thuốc lá, giá 1,5 USD/bao; và dầu diesel, giá 0,4 USD/lít.
Mỗi tháng, anh Azvedo thuê nhà hết 5.000 USD, tương đương 105 triệu VND, và chỉ cần đi ăn tiệm một bữa xoàng là hai vợ chồng anh mất 200 USD.
Anh James Wilde, một người từng đi khắp thế giới, hiện đang sống tại Luanda và làm tư vấn cho một công ty viễn thông Đức, khẳng định: “Luanda chắc chắn là nơi đắt đỏ nhất mà tôi từng đặt chân đến, ít nhất là xét về phương diện ăn ở”.
Theo BBC , có nhiều lý do dẫn tới những mức giá “cắt cổ” ở Luanda. Nguyên nhân chính nằm ở việc Angola đã phải trải qua một cuộc nội chiến kéo dài suốt từ năm 1975 - khi nước này giành độc lập từ Bồ Đào Nha - cho tới năm 2002. Trong thời gian nội chiến, hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở nước này đình trệ, trong khi cơ sở hạ tầng gồm đường xá, hệ thống điện và mạng lưới cung cấp nước bị phá hủy nghiêm trọng.
Từng một thời là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng như cà phê, bông và tự cung cấp phần lớn thực phẩm, Angola giờ nhập khẩu khoảng 80% hàng hóa tiêu dùng. Giá bất kỳ một mặt hàng thực phẩm nào bán ở Luanda cũng phải bao gồm những khoản phí tốn kém để đưa sản phẩm từ nước sản xuất tới Angola và tới các siêu thị ở đây. Trên chặng đường đó có một cảng biển quá tải của Luanda, những nhân viên hải quan hách dịch và những con đường chật hẹp, bụi bặm luôn trong tình trạng tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, việc lao động nước ngoài đổ xô tới Luanda để làm việc trong ngành dầu khí và xây dựng cũng là một nhân tố quan trọng đẩy giá cả ở nước này tăng cao, đặc biệt là giá thuê nhà.
Mấy năm gần đây, Angola đã đặt việc hạ nhiệt giá cả thành một ưu tiên chính sách, nhưng xem ra việc này quá khó.
“Điện thiếu, giao thông kém, nhân lực trình độ thấp khiến chi phí sản xuất tại chỗ cao. Thà nhập khẩu còn rẻ hơn sản xuất ngay trong nước. Chừng nào thuế còn cao và tình trạng quan liêu còn tiếp diễn, thì chẳng ai muốn sản xuất hàng hóa trong nước. Giá cả vì thế sẽ không thể giảm”, ông Jose Severino, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Angola (AIA), nói với phóng viên BBC.
An Huy
TBKTVN
|