Cơm áo không đùa... broker!
Nỗi đau đầu tư chứng khoán thua lỗ, trả nợ dần bằng lương có vẻ là tình cảnh chung của khá nhiều nhân viên CTCK.
Nợ nần ngập cổ
Từng có mức thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng giờ đây, K đang phải đau đầu bởi hệ quả của cách kiếm tiền đó, bởi anh đang phải chịu mức lãi vay tới hơn 800 triệu đồng mỗi tháng! Đầu năm đi chùa, anh chỉ cầu xin một điều, đó là… TTCK tăng điểm.
Là trưởng phòng môi giới tại CTCK X, K đã cho khách hàng VIP dùng đòn bẩy khá mạnh tay. Thị trường cứ thẳng tiến thì mọi chuyện đều nhẹ nhàng, nhưng khi bước vào giai đoạn đi xuống thì… khách hàng thua lỗ bỏ của chạy lấy người. Vậy là, K nghiễm nhiên thành con nợ của khoản vay hơn 40 tỷ đồng mà khách hàng “bỏ lại”. CTCK yêu cầu K phải trả ngay, hoặc phải có tài sản thế chấp (nếu muốn được vay với mức lãi suất thấp là 22%/năm, nếu không sẽ phải chịu mức lãi suất vay lên tới 28%/năm).
Bên cạnh đó, K lại phải đối mặt với một mối lo khác, đó là khoản vay 3 tỷ đồng để mua cổ phiếu ưu đãi của Công ty với giá 3x. Ngân hàng mẹ lúc đó cũng đưa thông điệp rằng, các nhân viên sẽ được vay với mức lãi suất ưu đãi, 14%. Thế là K đã vay 3 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty. Nay vừa ra Tết, Ngân hàng đã thông báo sẽ áp dụng mức lãi suất 25%/năm với những trường hợp không có tài sản thế chấp. Điều đáng buồn là cổ phiếu của CTCK X hiện nay không hề có giao dịch trên thị trường.
H, một kế toán lưu ký tại CTCK S có thâm niên làm việc tại Công ty từ ngày đầu thành lập. Nhìn anh lúc này, người ta khó có thể hình dung được hình ảnh phong lưu của anh gần 3 năm về trước. Đầu bù tóc rối, mặt mũi nhàu nhĩ vì nợ nần chính là hình ảnh của H lúc này. Vay lương đầu tư chứng khoán, rồi “chơi” vàng tài khoản, những tưởng một bước sẽ đổi đời. Nào ngờ, TTCK sụt giảm không phanh, vốn liếng còn lại tiếp tục bị vàng thổi bay chỉ trong vòng 1 tháng tập chơi! Hai năm gần đây, mỗi tháng sau khi trả nợ khoản vay lương từ ngân hàng, anh chỉ còn còn hơn 2 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Gần đây, Công ty cắt giảm 20% lương, H đành xin ngân hàng giảm tiến độ trả nợ để lương có thể bù được khoản phải trả định kỳ. Vì thế, H là con nợ của toàn công ty, người ít thì hai, ba trăm nghìn đồng, người nhiều thì hàng chục triệu đồng. Ngay cả TGĐ Công ty, anh cũng chẳng “tha” vay mượn.
Nỗi đau đầu tư chứng khoán thua lỗ, trả nợ dần bằng lương có vẻ là tình cảnh chung của khá nhiều nhân viên CTCK. Trong giai đoạn TTCK bùng nổ các năm trước, phong trào vay lương để lấy tiền đầu tư chứng khoán giúp không ít người chỉ trong một thời gian ngắn trở thành tỷ phú. Nhưng giờ đây, đối mặt với nguy cơ giảm lương, tăng lãi suất vay, trong khi nợ nần nhiều, chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã khiến nhiều người trở nên quẫn bách.
Nguy cơ giảm lương, mất việc rình rập
Bên cạnh đó, nhân sự ngành chứng khoán đang tiếp tục đối mặt với khó khăn về tài chính vì nhiều công ty cắt giảm nhân sự, lương thưởng. Trợ lý TGĐ một CTCK có trụ sở tại TP. HCM chia sẻ, công ty anh làm việc đang có đợt vận động tự nguyện xin nghỉ việc. Những nhân viên có hợp đồng lao động sắp kết thúc thời hạn đều rơi vào tầm ngắm cắt giảm nhân sự. Còn với hợp đồng dài hạn thì bộ phân nhân sự đề nghị nhân viên tự nguyện xin giảm lương, hoặc nghỉ việc, nếu không, Công ty sẽ áp dụng cách tính lương mới. Theo đó, lương các bộ phận phục vụ kinh doanh sẽ được chia làm 2 phần: lương cứng và lương kinh doanh, với lương cứng dao động từ 2 - 5 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, phần còn lại chia theo doanh số.
Một nữ nhân viên làm việc tại công ty này chia sẻ, tháng Tết vừa rồi, lương của cô chỉ còn 3 triệu đồng. Các bộ phận hành chính khác cũng bị cắt giảm lương về mức thấp, chỉ hy vọng co kéo đủ ăn, chứ không dám nghĩ đến chuyện tích lũy hay con cái đau ốm!
Con sóng thị trường kể từ đầu năm 2012 đến nay đã mang lại chút niềm tin le lói cho lao động trong giới chứng khoán. Nhưng, khi đồng lương chưa được cải thiện và nỗi lo mất việc vẫn còn hiển hiện trước áp lực nợ nần, thì chuyện cơm áo gạo tiền vẫn còn là nỗi đau đầu mỗi ngày của rất nhiều nhân sự ngành chứng khoán.
Uyên Phạm
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|