Cổ phiếu ngân hàng: Của rẻ là của… nên gom?
Câu chuyện Eximbank muốn thâu tóm Sacombank (STB) không những làm nóng hậu trường mua bán - sáp nhập (M&A) mà còn khiến cổ phiếu nhóm ngân hàng, đặc biệt cổ phiếu của những ngân hàng nhỏ trở nên đáng chú ý.
Đồng loạt tăng giá
Trong những ngày gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành tâm điểm của thị trường. Đa số các cổ phiếu ngân hàng đều gần như “nổi sóng” khi nhiều phiên tăng giá và được giao dịch mạnh. Đặc biệt, cổ phiếu của Ngân hàng Habubank (HBB) trở thành hiện tượng khi được săn lùng nhiều nhất. Trong phiên ngày 24/2, mã này tăng trần và đạt khối lượng giao dịch “khủng”: 14,2 triệu đơn vị. Đó là chưa nói đến lượng dư mua giá trần hơn 12 triệu cổ phiếu. Trước đó, HBB cũng có 2 ngày giao dịch đáng nhớ, khi số lượng khớp lệnh đều trên 12 triệu đơn vị/phiên.
Điểm đáng chú ý, HBB hay Ngân hàng Quân đội (MBB) đều là những cổ phiếu ngân hàng có giá thấp nhất. Hiện, dù tăng trần nhiều phiên và cũng qua nhiều đợt tăng giá, cổ phiếu HBB vẫn chỉ ở mức 5.200 đồng/cổ phiếu (ngày 24/2).
Theo tính toán của người mua, dù HBB thuộc nhóm ngân hàng nào, vùng giá hiện tại vẫn là quá tốt. Tính ra, giá cổ phiếu HBB vẫn đang rẻ hơn một nửa so với giá trị sổ sách. Chưa kể, ở mức giá này, HBB có nguy cơ lọt vào tầm ngắm của những đối tượng muốn thâu tóm. Câu chuyện ở STB đang cho thấy, khi cổ phiếu trở nên hời, khả năng doanh nghiệp bị thâu tóm qua gom mua cổ phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, bên mua đương nhiên sẽ tích cực mua vào. Bên bị mua, nếu không muốn mất thế thượng phong phải ra sức tranh thủ phòng bị. Từ đây, giá cổ phiếu sẽ tăng.
Thực tế, HBB có những điều kiện khá hấp dẫn cho những ai muốn dòm ngó. Chẳng hạn, HBB là ngân hàng có thâm niên hơn 20 năm hoạt động, có quy mô vốn 4.050 tỷ đồng, có mạng lưới khá lớn với 70 điểm giao dịch (theo BCTN năm 2010). Nhân sự tại HBB lên đến hơn 1.000 người. Về kinh doanh, dù HBB chỉ lãi 262 tỷ đồng năm 2011, giảm 45% so với năm 2010, nhưng xét quá trình trước đó, tăng trưởng ở HBB khá ổn định trong giai đoạn 2006 - 2010. Chính điều này cộng thêm yếu tố quá đại chúng ở HBB (cổ đông lớn nắm chưa tới 20% vốn) dễ khiến HBB thành “mồi ngon”.
5 ăn 5 thua
Cổ phiếu HBB có lý do để mặc sức bay bổng. nhưng khi giao dịch ở HBB, MBB, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) rộn ràng, câu hỏi đặt ra là, liệu đà bay bổng này sẽ kéo dài được bao lâu? Không ai biết chính xác câu trả lời. Chỉ biết lúc này, nhà đầu tư đang hưng phấn và vô cùng hy vọng tính toán của mình là hợp lý và tin rằng, xu hướng đầu tư theo dự cảm sẽ thắng thế.
Trên thị trường chứng khoán bây giờ, ngoài câu chuyện của Sacombank, nhà đầu tư còn nhắc nhiều đến sự kiện HDBank muốn gia tăng sở hữu ở ABBank thông qua việc mua lại 5,3% vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Không rõ ý đồ của HDBank, nhưng rõ ràng như ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị - Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định: “Hoạt động mua bán giữa các ngân hàng nội có xu hướng gia tăng”.
Nhưng trong số hơn 43 ngân hàng TMCP, biết ai sẽ lọt vào tầm ngắm? Những cái tên HBB, SHB… ngẫm ra cũng chỉ là suy đoán. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời nhờ tham gia lướt sóng, nhưng nếu suy đoán trật và là người đến sau, có thể nhà đầu tư sẽ phải ngậm ngùi.
Thực tế, cho đến nay, cái nhìn của nhà đầu tư về cổ phiếu ngân hàng (nhất là cổ phiếu của ngân hàng nhỏ) vẫn mang nhiều hoài nghi. Thứ nhất, lợi nhuận của nhóm ngân hàng rất thấp nếu so với vốn điều lệ và tổng tài sản. Thứ hai, hệ thống ngân hàng đang gặp khá nhiều vấn đề như nợ dưới chuẩn gia tăng và một số gặp rắc rối về thanh khoản, đặc biệt ngân hàng nhỏ tỏ ra đuối sức trong cạnh tranh thu hút vốn…
Trong bối cảnh đó, động thái gom mua cổ phiếu ngân hàng có thị giá rẻ gần đây được nhìn nhận mang tính đầu cơ nhiều hơn và hẳn nhiên khi đầu cơ, thì may rủi là điều khó tránh.
Ngọc Thủy
đầu tư
|