Ngân hàng khó khăn vẫn nhiều kẻ thèm muốn
Lãnh đạo NHNN từng khẳng định tỷ suất lợi nhuận ngân hàng không hề cao. Dù vậy, trên thị trường cổ phiếu ngân hàng vẫn luôn hút khách, kể cả thời kỳ chứng khoán đi xuống. Vẫn có những thế lực luôn thèm muốn thâu tóm cổ phiếu ngành này.
Không chỉ toàn lãi
Trong một báo cáo phát đi tuần qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội - Habubank (HNX: HBB) cho biết tổng lợi nhuận trước thuế quý IV/2011 ngân hàng này lỗ 54,6 tỷ đồng, so với mức lãi 123 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm HBB đạt 347,5 tỷ đồng LNTT, giảm 42,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là ngân hàng đầu tiên công bố lỗ trước thuế trong quý vừa qua.
Hiện tượng này cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc kinh doanh thua lỗ không ngoại trừ các ngân hàng - vốn được biết đến ở Việt Nam với vai trò chính là người buôn tiền, vay thấp cho vay cao để ăn chênh lệch lãi suất.
Xem xét báo cáo tài chính của HBB có thể thấy, ngân hàng này kinh doanh thua lỗ một phần do buôn bán ngoại hối (một nghiệp vụ mà các ngân hàng thường duy trì để phục vụ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu) và do chi phí hoạt động tăng mạnh.
Điểm đáng chú ý là chi phí hoạt động của ngân hàng này tăng rất mạnh, gấp đôi so với cùng kỳ (679,8 tỷ đồng năm 2011, so với 300 tỷ năm trước đó).
Chi phí tăng, trong khi quy mô tăng không đáng kể. Đây là điều mà nhiều người lo ngại sẽ còn nhiều ngân hàng khác gặp khó khăn tương tự trong bối cảnh các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán trong năm 2011 không hiệu quả.
Khó khăn nhất có lẽ là các ngân hàng nhỏ bởi hầu hết phải đối mặt với tình trạng thanh khoản kém trong 6 tháng cuối năm 2011 và buộc phải vay lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng. Chi phí bỏ ra để huy động vốn từ trong dân (chi phí ngoài) chắc chắn cũng sẽ cao hơn các ngân hàng ở tốp trên.
Trước đó, trong phiên trả lời các đại biểu quốc hội sáng 25/11/2011 về việc "chênh lệch lãi suất cho vay - huy động khá lớn, liệu điều này khiến cho doanh nghiệp khó khăn, trong khi ngân hàng thì lãi lớn", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, lợi nhuận ngân hàng không cao như nhiều người nghĩ.
Theo ông Bình, với một ngân hàng có quy mô trung bình thì tài sản họ quản lý cũng từ 5-6 chục nghìn tỷ đồng. Với một lượng vốn như vậy thì một năm họ lãi vài ba trăm tỷ đồng cũng là mức thấp.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, nhiều ngân hàng hiện vẫn đang nằm trong tình trạng không mấy ổn định do bị ảnh hưởng của sự mất cân đối về cơ cấu vốn (lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn) và cơ cấu cho vay (giữa sản xuất và phi sản xuất) trong 10 năm qua.
Đó cũng là lý do mà đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được Chính phủ đưa vào dạng ưu tiên làm gấp.
Hàng nóng trên thị trường
Trên thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng luôn được đánh giá cao. Chưa nói đến thời điểm hiện tại khi mà cổ phiếu ngân hàng đang được thu gom mạnh mẽ, trong vài tháng trước đây khi mà thị trường trầm lắng thì cổ phiếu ngành này vẫn là một lựa chọn hoàn hảo, đặc biệt với các nhà đầu tư có những tính toán dài hơi.
Cổ phiếu HBB của Habubank sáng 24/2/2012 có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp với dư mua tiếp tục ở mức "khủng" là trên 8 triệu cổ phiếu.
Một loạt các cổ phiếu khác niêm yết trên hai sàn chứng khoán HOSE và HNX tăng mạnh như MBB của Ngân hàng Quân đội, SHB của Sài Gòn Hà Nội...
Cổ phiếu STB của Sacombank tưởng chừng đã chấm dứt chuỗi ngày tăng giá sau khi đại diện của Ngân hàng Eximbank tuyên bố đã gom được 51% (bao gồm cả ủy quyền) sáng 24/2 lại tiếp tục có một phiên tăng hết biên độ cho phép lên 19.600 đồng/cp.
Nếu trước kia, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng khá ổn định (trong khi cổ phiếu các ngành nghề khác lao dốc) là do có nhiều nhà đầu tư tổ chức như các quỹ, tổ chức nước ngoài và trong nước mua vào cho dài hạn. Thì hiện nay, đang có một xu hướng lướt sóng cổ phiếu ngân hàng theo phong trào khi mà trên thị trường xuất hiện khả năng có sự thâu tóm cổ phiếu ngành này.
"Cuộc chiến" Sacombank-Eximbank chưa có hồi kết. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra quan điểm của mình cho rằng, các thông tin về thâu tóm.... trong thời gian qua là chưa chính xác. Chắc chắn vụ việc này còn kéo dài và có nhiều tình tiết thú vị.
Nhiều khả năng, hai phe (Sacombank và Eximbank) sẽ tiếp tục thương lượng với một số cổ đông lớn. Trong trường hợp nếu cổ đông lớn đó bán giá quá cao thì điều tất yếu là các bên sẽ phải tranh thủ vớt lại trên sàn thông qua khớp lệnh.
Lợi nhuận không thực sự cao, vậy thì tại sao cổ phiếu ngân hàng trong rất nhiều thời kỳ được coi là cổ phiếu vua?
Trở lại với trường hợp Sacombank, mặc dù lợi nhuận không phải là lý tưởng đối với một ngân hàng thương mại cổ phần vào loại hàng đầu ở Việt Nam, nhưng chiến dịch chống thâu tóm với một loạt các biện pháp như: quy cổ phần về một mối, mua lại cổ phiếu quỹ giá cao, lùi thời gian tiến hành đại hội, yêu cầu nhân viên xin ủy quyền, và có thể chiêu tăng vốn sắp tới... đã phần nào cho thấy STB phải có giá trị rất lớn.
Báo cáo tài chính 2011 của Sacombank cho thấy, dư nợ tín dụng 2011 của ngân hàng này khá khiêm tốn. Tính tới thời điểm 31/12/2011 là 80.539,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,35% so với năm 2010.
Mặc dù vậy, số dư này không bao gồm số dư của Công ty chứng khoán Sacombank (SBS). Nếu tính thực tế, tăng trưởng tín dụng năm 2011 của STB vẫn tăng 4,9%.
Cũng trong báo cáo, STB cho biết năm 2011 lỗ 10 tỷ đồng từ việc mua bán chứng khoán (con số này trong quý IV/2010 là lỗ 513 tỷ). Trong quý IV/2011, Sacombank lỗ 227 tỷ từ khoản góp vốn.
Có thể thấy, việc phát triển một chùm các doanh nghiệp vệ tinh để hình thành dạng một tập đoàn trong nền kinh tế là điều tốt mà các ông chủ lớn hiện đang làm. Tuy nhiên, với trường hợp Sacombank, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự quản trị minh bạch cũng như việc phân phối vốn của Sacombank đối với những doanh nghiệp vệ tinh.
Trong bối cảnh mọi sự đều tốt đẹp thì có thể không sao, nhưng vài năm vừa qua, đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn khi mà cả bất động và chứng khoán đều đi xuống. Sự thua lỗ lớn tại SBS (lỗ hơn 620 tỷ trong 2011) và Sacomreal - một doanh nghiệp bất động sản do con trai ông Thành làm Chủ tịch HĐQT (lỗ 40 tỷ trong quý IV) có thể rấy lên không ít lo ngại đối với các cổ đông STB.
Việc Eximbank và một nhóm cổ đông có ý định "vào" Sacombank, ở một phương diện nào đó, có khi lại là một sự thay đổi mà nhiều ngân hàng đang xem xét.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|