Chủ Nhật, 12/02/2012 22:53

Châu Á tăng trưởng thấp hơn trong nửa đầu năm

Theo giới phân tích, việc kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực.

Nhà kinh tế Suan Teck Kin của ngân hàng United Overseas Bank (UOB) nói rằng các nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng thấp hơn trong nửa đầu năm 2012, do hai “gã khổng lồ” trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng trưởng chậm lại.

Ấn Độ vừa điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống còn 6,9%, mức thấp nhất trong ba năm qua. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 9% xuống 8,25%.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc và Ấn Độ đã hỗ trợ các nền kinh tế Đông Nam Á tránh khỏi một cuộc suy thoái sâu. Nhưng hiện nay, xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh vì cuộc khủng hoảng của các nền kinh tế phương Tây và chi phí sản xuất trong nước tiếp tục tăng. Hơn nữa, lạm phát trong nước cao cũng hạn chế Bắc Kinh trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Quốc vừa công bố tỷ lệ lạm phát cao hơn mức dự kiến 4,5%, điều sẽ làm tăng khả năng Bắc Kinh không bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính để tránh một "cuộc hạ cánh" kinh tế khó khăn. Nước này có thể áp dụng các biện pháp kích thích tiêu dùng trong nước hoặc hỗ trợ một phần trong lĩnh vực bất động sản như nhà ở xã hội, nhưng hiệu quả của chúng để thúc đẩy ngay lập tức tăng trưởng là không rõ ràng.

Các mối lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng tăng, với mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp năm 2012 dự kiến sẽ giảm, từ mức 13,9% năm 2011 xuống 11%. Tuy nhiên, các nhà quan sát hy vọng một sự phục hồi trong nửa cuối năm nay, khi nhu cầu nội địa ở cả hai nước có khả năng hỗ trợ cho thương mại.

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukerjee thừa nhận mức dự báo mới 6,9% về tăng trưởng kinh tế mà Cơ quan Thống kê Trung ương Ấn Độ (ISA) vừa công bố là "đáng thất vọng" nhưng ông cũng hy vọng vào sự phục hồi trong nửa cuối của năm.

Theo ISA, sự giảm sút tăng trưởng xảy ra trong tất cả các ngành kinh tế của nước này. Ngành nông nghiệp dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng chỉ 2,5% năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức 7% năm 2011, còn ngành chế tạo cũng sẽ chỉ tăng trưởng 3,9%, giảm mạnh từ mức 7,6%.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ còn bị hạn chế do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) đã tăng lãi suất 13 lần trong vòng 18 tháng qua để đối phó với lạm phát. Đó là chưa kể những yếu tố nội bộ cũng đang kìm hãm sự phát triển kinh tế, như ảnh hưởng tiêu cực của một loạt các vụ bê bối tham nhũng đến các quyết định chính sách trong nhiều lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như việc cho phép các siêu thị nước ngoài xâm nhập thị trường trong nước.

Nhận thức sâu sắc được mối nguy hiểm của sự tăng trưởng chậm lại đối với trong một quốc gia nơi nhiều triệu người đang sống dưới mức nghèo khổ, Ấn Độ đang nỗ lực để thoát khỏi sự xơ cứng chính sách như đã tiếp tục cho phép các hãng hàng không nước ngoài mua số cổ phần lớn trong các hãng hàng không Ấn Độ, các cá nhân nước ngoài được đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán và các thương hiệu nước ngoài như Ikea và Gap mở cửa hàng ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, cũng có những nhà phân tích có quan điểm khác, khi cho rằng tác động của việc kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng chậm lại chỉ là tạm thời khi động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục chuyển dịch hướng về châu Á.

Nagesh Kumar, Giám đốc kinh tế Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, cho rằng nhân tố Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tác động, nhưng mức độ “không nghiêm trọng"và "thương mại ASEAN-Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển."

Giáo sư tài chính Zhao Xijun thuộc Đại học Renmin cũng nhận định quan hệ thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc và Ấn Độ với với các nước ASEAN sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, bởi cả hai nước đều cần thêm nguồn lực và hàng hóa từ nước ngoài khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường tiêu dùng trong nước./.

Việt Tú

Vietnam+

Các tin tức khác

>   12 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới năm 2012 (12/02/2012)

>   Áo, Tây Ban Nha quyết định "thắt lưng buộc bụng" (11/02/2012)

>   Standard & Poor's hạ tín nhiệm 34 ngân hàng Italy (11/02/2012)

>   Thâm hụt thương mại của Mỹ cao nhất từ năm 2008 (11/02/2012)

>   Hy Lạp thông qua thỏa thuận liên quan gói cứu trợ 2 (11/02/2012)

>   Ai Cập bị Standard & Poor's hạ xếp hạng tín nhiệm (11/02/2012)

>   Ai Cập hậu Mubarak đối mặt với khủng hoảng kinh tế (10/02/2012)

>   Năm 2012, kinh tế Nga đối mặt nhiều thách thức (10/02/2012)

>   BOJ chưa thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (10/02/2012)

>   Các gói QE có còn hiệu quả? (10/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật