Các gói QE có còn hiệu quả?
Anh, Mỹ nhiều khả năng sẽ tung ra các gói nới lỏng định lượng bổ sung. Nếu được thực hiện, liệu đây có phải là quyết định sáng suốt?
Tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ nhóm họp trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng cao rằng, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) sẽ thông báo về gói nới lỏng định lượng (QE) tiếp theo. Ngay cả nếu thông báo không được đưa ra trong tháng này thì đó cũng chỉ là sự trì hoãn tạm thời.
Nếu được thực thi, lượt mua trái phiếu chính phủ mới của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ ước khoảng 50 - 75 tỷ bảng, chiếm tới hơn 1/3 tổng số trái phiếu được phát hành.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vẫn đang tranh luận xem có nên tăng lượng nắm giữ các chứng khoán dài hạn hay không và nên mua thêm nợ chính phủ hay là tái chiết khấu cho các khoản vay thế chấp. Bất kỳ gói QE bổ sung nào cũng có thể gây tranh cãi, nhưng nhiều khả năng sẽ được đa số ủng hộ.
Các ngân hàng trung ương, không giống nhiều định chế khác, chưa mất niềm tin vào hiệu quả của các gói QE. Hầu hết không chỉ tin rằng, việc mua thêm tài sản tài chính có thể làm giảm lãi suất trái phiếu dài hạn hơn nữa, mà còn hy vọng sẽ giúp cải thiện mức tăng GDP thực tế. Liệu họ có đúng?
Kinh nghiệm từ lần ban hành gói QE1 hồi năm 2008 ủng hộ quan điểm trên. Song vẫn có ý kiến cho rằng, gói QE mới sẽ là một sự lãng phí thời gian, nếu không muốn nói là tồi tệ.
Thứ nhất, có một số quan điểm nghi nghờ gói QE có thể khiến lãi suất trái phiếu tại Mỹ và Anh giảm như mục tiêu của chính sách.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) tính toán rằng, ảnh hưởng từ các gói QE đến lãi suất trái phiếu bình quân là khá yếu, khoảng 25 điểm cơ bản cho mỗi lượt QE của Mỹ và cũng chỉ từng ấy cho gói QE của Anh (hồi tháng 10/2009).
Nhưng hai nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Trung ương Anh đều kết luận, tác động của gói QE của Anh là khoảng 100 điểm cơ bản hoặc cao hơn. Một số nghiên cứu khác của Mỹ cho rằng, ước tính của BIS thấp hơn thực tế.
Biểu đồ biến động lãi suất trái phiếu của Anh và Mỹ - các vùng màu xám là thời gian triển khai các gói QE
Thành công của các ngân trung ương trong việc giảm lãi suất trái phiếu đã gây ngạc nhiên cho một số nhà kinh tế, những người tin rằng, trái phiếu và tiền mặt sẽ là sự thay thế hoàn hảo cho nhau khi lãi suất ngắn hạn bằng không. Theo các nhà kinh tế này, các ngân hàng trung ương sẽ không thể kéo lãi suất trái phiếu xuống, bất kể lượng tiền mà họ bỏ ra để mua trái phiếu là bao nhiêu.
Thực tế, trái phiếu và tiền mặt không phải là sự thay thế hoàn hảo. Vì thế, các ngân hàng trung ương có thể tăng giá trái phiếu (và giảm lãi suất). Họ cần chi ra một lượng tiền đáng kể để làm việc này, nhưng không phải là vô hạn - như trong giả thiết trái phiếu và tiền mặt có thể thay thế hoàn hảo.
Đúng là có một giới hạn trên đối với tác động của QE lên lãi suất trái phiếu theo lý thuyết bẫy thanh khoản của Keynes (một nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ). Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, giới hạn này là khoảng 1,3% và đồ thị bên trái cho thấy, lãi suất trái phiếu đáo hạn 5 năm thấp hơn hoặc bằng mức này. Do đó, các ngân hàng trung ương hiện đã làm những gì có thể để nắn đường cong lãi suất trái phiếu.
Tuy nhiên, hiệu ứng trên không có tác dụng đối với các trái phiếu kỳ hạn từ 10 - 30 năm. Và dĩ nhiên, các ngân hàng trung ương có thể chọn mua các khoản vay thế chấp, nợ của DN hay các chứng khoán tư nhân khác, các tài sản mà lợi tức có thể giảm nhiều do tác động của hành động mua này.
Như đã nói, bất kỳ lựa chọn nào trong số trên cũng ám chỉ rằng, bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương đang ngày càng rủi ro hơn. Nhưng đó là điều phải chấp nhận của một chiến dịch kích thích. Khi khu vực tư nhân cố gắng phục hồi mức bù rủi ro cho các chứng khoán về mức trước các gói QE, họ đẩy giá các tải sản rủi ro này lên. Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh vừa trích dẫn ám chỉ, tác động tức thời của các gói QE lên giá cổ phiếu có thể vào khoảng 20%.
Câu hỏi đặt ra là chiến dịch QE ảnh hưởng đến các phần còn lại của nền kinh tế như thế nào. Bằng chứng quan sát được cũng hỗ trợ cho chính sách ở mức nhất định. Chẳng hạn, tại Anh, GDP thực tế có lẽ đã tăng 1,5%, trong khi của Mỹ là khoảng 0,6 - 3%. Lạm phát cũng tăng, khoảng hơn 1%, nhưng nằm trong chủ đích của ngân hàng trung ương.
Những chứng cứ trên cổ vũ cho các gói QE, nhưng không có nghĩa là nó sẽ tiếp diễn với các gói tương lai. Đợt nới lỏng định lượng lần 1 đã có tác động mạnh đối với lãi suất trái phiếu, song tác động của lần 2 là tương đối thấp.
Ngoài ra, không phải ai cũng tin rằng, tác động của QE đối với lạm phát là lành mạnh. Tương quan trong lịch sử giữa tăng trưởng cung tiền và lạm phát dài hạn đã hỗ trợ quan điểm này.
Dù vậy, sự đồng thuận giữa các ngân hàng trung ương về hiệu quả của các gói QE vẫn đang tăng lên.
Quang Huy
đầu tư chứng khoán
|