Cẩn trọng khi quy trách nhiệm cá nhân
Giới đầu tư đánh giá cao việc cơ quan quản lý kiên quyết yêu cầu các công ty niêm yết phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong các hành vi vi phạm, song quan trọng là phải có cơ sở xác đáng.
Thời gian qua, trong một số quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng, thay vì xử phạt chung chung đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã yêu cầu các công ty phải kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo với cơ quản lý thị trường cũng như thông tin với các cổ đông.
Sau khi tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân dẫn đến các vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin, CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (mã CK: GMD - HOSE) đã xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm là bà Nguyễn Minh Nguyệt - Trưởng phòng Kế toán Công ty, đồng thời cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin.
CTCP Vang Thăng Long (mã CK: VTL - HOSE) cũng có thông báo cho biết, cá nhân có lỗi gây ra vi phạm về công bố thông tin của Vang Thăng Long là bà Trần Thị Hoàng Liên - Kế toán trưởng và bà Nguyễn Thị Tú Anh, Thư ký HĐQT. Theo giải thích của Vang Thăng Long, sai sót của bà Liên trong việc chậm cung cấp tài liệu báo cáo tài chính là do hỏng máy chủ vào giai đoạn quyết toán, lập báo cáo. Trong khi đó, bà Tú Anh chậm gửi báo cáo công bố thông tin do sai sót trong cách tính ngày phải nộp các báo cáo. Vang Thăng Long cho biết, Công ty đã nghiêm túc kiểm điểm các cá nhân và đưa ra biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đánh giá về những động thái này, ông Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, việc cơ quan quản lý yêu cầu các công ty quy rõ trách nhiệm cá nhân dẫn đến các sai phạm là một chủ trương cần ủng hộ để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Lý do là, khi doanh nghiệp có sai phạm thì sai phạm đó là do các các nhân cụ thể trong doanh nghiệp gây ra, nhưng khi xử phạt chung chung, thì tiền thực chất vẫn lấy từ “túi” chung của các cổ đông để nộp phạt, như vậy cổ đông vẫn là đối tượng chịu thiệt nhất. Việc không có cá nhân cụ thể nào đứng ra chịu trách nhiệm khiến cho “liều thuốc” xử phạt của cơ quan quản lý không mang lại hiệu quả cao, chưa thực sự làm cho ban điều hành của nhiều doanh nghiệp phải e ngại.
Thời gian qua, nhiều vi phạm như chậm nộp báo cáo tài chính, vi phạm các quy định về công bố thông tin… vẫn diễn ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp niêm yết. Năm 2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải ban hành 164 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, tổng số tiền thu nộp về ngân sách là gần 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, hình thức xử lý của các cá nhân bị xác định vi phạm còn khá chung chung. Chẳng hạn, có doanh nghiệp xác định cá nhân vi phạm là người được ủy quyền công bố thông tin, và hình thức xử lý là “thay đổi người công bố thông tin”, “không xét thi đua khen thưởng” trong năm với cá nhân vi phạm...Như vậy, sự chuyển biến duy nhất chỉ là đẩy sự chung chung mà doanh nghiệp phải gánh cho một cá nhân cụ thể.
Vì vậy, để việc xử phạt vi phạm hành chính và quy trách nhiệm cá nhân đạt hiệu quả thực chất hơn, tránh tình trạng hình thức, các chuyên gia cho rằng, chính doanh nghiệp cần phải có chế tài cụ thể về trách nhiệm của mỗi cá nhân thì mới có cơ sở để quy trách nhiệm và xử lý các cá nhân vi phạm. Cụ thể, theo ông Trần Vũ Hải, doanh nghiệp cần quy định rõ trong điều lệ công ty, những vi phạm nào thì xử lý cá nhân nào, mức độ ra sao.
Có như vậy, việc quy trách nhiệm cá nhân mới đạt được mục tiêu thực chất, đồng thời không khiến doanh nghiệp niêm yết chịu áp lực khi buộc phải tìm ra người chịu trách nhiệm, trong khi lại thiếu cơ sở để làm việc này.
Chí Tín
đầu tư
|