Bất động sản: Đổi chủ, buồn hay vui?
Như các chuyên gia trên thị trường bất động sản đã đề cập, năm 2012 này, tình hình của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản là hết sức khó khăn, vấn đề được đặt ra lúc này là “tồn tại hay không tồn tại”, đòi hỏi một sự nỗ lực vượt khó.
Không chỉ ngành xây dựng bị đình trệ, các ngành công nghiệp liên quan như sắt, thép, xi măng… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trước thực trạng đó, việc “đổi chủ” các dự án, với sự vào cuộc của các nhà đầu tư nước ngoài thay cho các doanh nghiệp trong nước đã và đang diễn ra…
Tất cả cùng gặp khó, chờ giá giảm tới đáy?
Như đã nói, việc các dự án xây dựng mới giảm đi so với trước, hoặc nhiều dự án đang xây dở thì bị ngưng trệ đã kéo theo sự sụt giảm lượng thép tiêu thụ.
Năm 2011, nhu cầu thép xây dựng giảm mạnh, lượng thép tồn kho lên tới hơn 800.000 tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng thép tiêu thụ xây dựng trong năm 2011 là 4,6 triệu tấn, giảm 5,5% so với năm 2010.
Tương tự, trong năm 2011 cả nước chỉ tiêu thụ trên 44 triệu tấn xi măng (trong khi con số mà Bộ Xây dựng dự báo vào đầu năm là 55 triệu tấn) và dự báo còn giảm trong năm 2012.
Còn nữa, theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, sản phẩm gạch ốp lát tồn kho tại các công ty trong nước hiện khoảng trên 30 triệu mét khối, trị giá hơn 2.000 tỉ đồng.
Đó là chưa kể các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, rồi đồ nội thất về xây dựng cũng có sự sụt giảm lớn so với những năm trước.
Tất cả cho thấy, một giai đoạn rất khó khăn đã, đang và tiếp tục xảy ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan.
Trong vài ba năm tới, nhiều dự báo cho thấy phân khúc chung cư sẽ không còn chiếm thế thượng phong trong các dự án xây dựng, thay vào đó là các dự án nhà ở khác.
Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đến năm 2015, tỷ lệ chung cư tại các dự án nhà ở của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải đạt trên 80%.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng con số này khó mà trở thành hiện thực. Nếu điều này xảy ra, đây lại là một dẫn chứng cho thấy các mục tiêu do các cơ quan, ban ngành trong lĩnh vực xây dựng đề ra còn xa rời với nhu cầu thực tế.
Còn nếu buộc chủ dự án phải làm chung cư cho đạt một tỷ lệ dự kiến trước trong khi nhu cầu không tương thích, thì sẽ càng làm cho thị trường lệch lạc hơn mà thôi.
Một khi thu nhập trung bình của người dân chưa tăng cao lên tương xứng, thì các căn hộ mới vẫn sẽ khó tới được tay người mua cuối cùng có nhu cầu thực, mà chủ yếu vẫn dành cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Nếu vậy, kể cả khi thị trường bất động sản sôi động trở lại, thì người có thu nhập thấp vẫn ít có cơ hội sở hữu nhà ở.
Trong tình hình thị trường trầm lắng hiện nay, những người am hiểu đưa ra lời khuyên dành cho các khách hàng, các chủ đầu tư là không nên quá bi quan, mà hãy đánh giá đúng tiềm năng bất động sản mình đang nắm giữ để chờ cơ hội.
Thị trường bất động sản đã trải qua một thời gian dài mà quyền lực thuộc về người bán, nay khi quyền lực ấy chuyển dần về người mua thì các chủ đầu tư phải biết lắng nghe xem người mua cần gì để đưa ra những sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính của người sử dụng cuối cùng.
Về phía người mua, nhiều người cho rằng các nhà đầu tư và người mua cuối cùng cũng không nên quá kỳ vọng vào việc giá nhà sẽ tiếp tục giảm sâu, chờ đợi đến khi đó mới mua, vì có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội sở hữu một bất động sản tốt và vừa ý.
Có nên lo dự án rơi vào tay “khối ngoại”?
Thời gian qua, thông tin về một số doanh nghiệp trong nước “chịu hết xiết” buộc phải bán những đứa con - dự án của mình cho các chủ đầu tư nước ngoài khiến nhiều người lo ngại.
Đã có ý kiến đưa ra, rằng nếu cứ mạnh ai nấy làm, thân ai nấy lo như lâu nay, thì sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước phải rời cuộc chơi, nhường chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Sau một thời gian, mặt tích cực là thị trường sẽ được sàng lọc, không còn những doanh nghiệp yếu kém, nhưng mặt đáng lo ngại với các doanh nghiệp bất động sản nội địa còn lại là họ không còn đủ sức để cạnh tranh với “khối ngoại”.
Bởi vậy, nhiều lời kêu gọi được đưa ra rằng những lúc này đây các doanh nghiệp trong nước không nên bán rẻ dự án mà cần liên kết lại, hợp tác để bổ sung nguồn lực cho nhau cùng phát triển dự án.
Nghe “hướng ra” này có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế thì chỉ là câu chuyện nói cho vui mà thôi. Vì “bổ sung nguồn lực” bằng cách nào khi doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn?
Tiềm lực yếu, không có vốn để đầu tư thì dù có ôm dự án đẹp cỡ nào cũng không thể biến ý tưởng kinh doanh thành sản phẩm bán được trên thị trường cả. Trong khi đó, không chỉ có lợi thế về vốn, các doanh nghiệp nước ngoài còn có một tầm nhìn chiến lược và một kế hoạch kinh doanh dài hạn.
Trước khi gia nhập thị trường, họ đã nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng kỹ càng trước khi đầu tư và sẵn sàng chấp nhận lỗ vốn trong thời gian đầu.
Vậy nên, cần có một cái nhìn rộng mở hơn về vấn đề “vốn ngoại”. Thêm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường lúc này là thêm nguồn vốn, thêm công nghệ tiên tiến, từ công tác quản lý, phát triển dự án đến công nghệ xây dựng hiện đại, để giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng…
Điều đó sẽ là động lực vượt qua chính mình của các doanh nghiệp còn trụ lại, giúp họ vững mạnh hơn. Khó khăn của người này là cơ hội của người khác và theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì sức mua của thị trường bất động sản không phải đã hết, đặc biệt là những dự án có vị trí tốt và giá cả hợp lý thì thời điểm nào cũng thu hút được khách hàng.
Không chỉ có các nhà đầu tư ngoại mà nhiều chuyên gia trong ngành đã nhận định rằng sau một thời kỳ trầm lắng kéo dài thì sẽ đến lúc thị trường bất động sản phải hồi phục và đi lên, vì nhu cầu nhà ở luôn là một nhu cầu thực.
Phong Vân - Hải An
Doanh nhân Sài Gòn
|