Thứ Tư, 22/02/2012 11:28

Báo động về Chứng thư bảo lãnh thanh toán

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các tranh chấp liên quan đến các hợp đồng kinh tế mà ở đó các Ngân hàng mặc dù đã đứng ra bảo lãnh thanh toán nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này đang gây ra những hệ lụy trong hoạt động thương mại và làm mất uy tín của hệ thống Ngân hàng đối với cộng đồng DN trong và ngoài nước.

“Bảo lãnh thanh toán” là cam kết của tổ chức tín dụng với bên nhận bảo lãnh (bên thụ hưởng) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình khi đến hạn. Bên được bảo lãnh phải thanh toán lại cho Ngân hàng khoản tiền NH đã trả thay và chịu phí dịch vụ.

Bảo lãnh nhưng vẫn… từ chối thanh toán

Vào tháng 6/2011, Cty TNHH Cao Trường Sơn, trụ sở tại Hà Nội ký 2 hợp đồng bán thép xây dựng cho Cty CP Thiết bị Công nghiệp và Xây dựng với số lượng là 2.830 tấn thép, tổng giá trị hơn 50,1 tỷ đồng. Để tạo dựng niềm tin cho bên bán, bên mua đã ủy quyền cho Agribank Chi nhánh Hồng Hà phát hành 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán không hủy ngang cam kết thanh toán cho Cty Cao Trường Sơn số tiền tối đa 50,1 tỷ đồng trong trường hợp bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Hết thời hạn thanh toán, bên mua mới trả cho Công ty Cao Trường Sơn 11,6 tỷ đồng, còn lại 38,5 tỷ đồng, Mặc dù Cty Cao Trường Sơn nhiều lần yêu cầu Agribank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng Agribank không thực hiện việc thanh toán buộc Cty Cao Trường Sơn phải đưa vụ việc này ra tòa. Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã xét xử vụ kiện này và tuyên Agribank Chi nhánh Hồng Hà thua cuộc. Theo bản án sơ thẩm, Tòa buộc Agribank Hồng Hà phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và trả cho Cty Cao Trường Sơn số tiền 38,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank còn phải trả hơn 170 triệu đồng án phí.

Chưa dừng ở đó, một vụ việc gây xôn xao dự luận trong suốt thời gian qua, đó là những tranh chấp xung quanh Hợp đồng mua bán cổ phần của Cty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam (Viễn Đông Land) giữa Cty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam với một cá nhân ở TP Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Sơn. Hợp đồng này có Chứng thư bảo lãnh thanh toán từ phía Ngân hàng TMCP Phương Tây – SGD Cần Thơ, cam kết trong vòng một năm sẽ thanh toán toàn bộ số tiền hơn 132 tỉ đồng mà ông Nguyễn Sơn mua cổ phần từ Cty Trung Nam. Tuy nhiên, quá hạn thanh toán NH Phương Tây vẫn từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo như cam kết bảo lãnh đối với số nợ hơn 90 tỷ đồng của ông Nguyễn Sơn với Cty Trung Nam, mặc dù chứng thư bảo lãnh của NH Phương Tây đã ràng buộc bởi những điều khoản như: “không cần chứng minh” và “không hủy ngang”.

Theo thông tin từ phía các DN, việc thắng kiện vừa qua của Cty Cao Trường Sơn sẽ là tiền đề và động lực để thời gian tới các DN đang trong tình trạng không đòi được tiền bảo lãnh từ phía NH đưa sự việc ra tòa án.

Cần những chế tài nghiêm khắc

Bày tỏ mối quan ngại của mình về những vụ việc như trên, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng GĐ Cty CP Đầu tư Thương mại Nhật Phát – một đơn vị kinh doanh VLXD tại Hà Nội cho biết: “DN của tôi thường xuyên có những hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với giá trị rất lớn và hình thức thanh toán chủ yếu là trả chậm, trong số đó không ít khách hàng bảo đảm thanh toán thông qua chứng thư bảo lãnh của NH. Tuy nhiên thời gian gần đây chúng tôi đã rất hạn chế hình thức thanh toán này do được biết có khá nhiều tranh chấp phát sinh liên quan đến việc NH không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo bảo lãnh".

Phát biểu về vấn đề này, ông Văn Hữu Thiết – PCT Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng cho rằng: “Khi đã phát hành Chứng thư bảo lãnh thanh toán, Ngân hàng không thể viện cớ bên được bảo lãnh còn nợ tiền của NH, bên được bảo lãnh phá sản hay mất khả năng thanh toán… để trì hoãn việc thanh toán của mình khi bên nhận bảo lãnh đưa ra đầy đủ chứng từ hợp lệ. Theo phản ảnh từ các DN hội viên, những sự việc lình xình xãy ra thời gian vừa qua trong hệ thống NH đã khiến nhiều DN cảm thấy không còn yên tâm với những Chứng thư, Hợp đồng bảo lãnh thanh toán do các NH Việt Nam phát hành. Để lấy lại lòng tin từ phía DN, Chính phủ, NHNN và các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mạnh mẽ và nghiêm khắc để giải quyết triệt để các sự việc đang vướng mắc và làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng trong sạch hơn”.

Theo ông Lê Trung Sơn - chuyên viên cao cấp của một ngân hàng: “Hiện nay tại Việt Nam, các văn bản luật về nghiệp vụ bảo lãnh rất ít, chỉ có QĐ 283/2000/QĐ- NHNN ngày 11/4/2000 về việc sửa đổi một số điều trong quy chế bảo lãnh ngân hàng. Ngoài ra, một số văn bản pháp lí khác đề cập đến nghiệp vụ bảo lãnh còn rất sơ sài và chưa cụ thể hoá. Với số lượng văn bản như vậy không đủ để điều chỉnh được hết các tình huống phát sinh trong nghiệp vụ bảo lãnh, điều này sẽ gây ra nhiều lỗ hổng trong luật, làm cho nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán chứa đựng thêm nhiều rủi ro. Chính vì vậy, NHNN cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ bảo lãnh cũng như các văn bản liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho nghiệp vụ bảo lãnh phát triển. Đồng thời NHNN cần thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán tại các ngân hàng một cách trung thực và khách quan để không có các sự việc đáng tiếc gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng lớn đến uy tín của hệ thống NH xảy ra như thời gian vừa qua”.

Thái Thảo

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Trong ngân hàng có… ngân hàng (22/02/2012)

>   Khuất tất ngân hàng... “giữ hộ” vàng (22/02/2012)

>   Giảm lãi suất: Khi ông lớn ra đòn (22/02/2012)

>   Agribank giảm lãi suất cho vay các đối tượng khách hàng (21/02/2012)

>   Các ngân hàng cũng phải tiết giảm 5-10% chi phí (21/02/2012)

>   Lãi suất thấp khó đến tay doanh nghiệp (21/02/2012)

>   Vốn tín dụng sắp được mở? (21/02/2012)

>   Standard Chartered: Lãi suất sẽ giảm vào quý 3 (21/02/2012)

>   Lãi suất cho vay có thực giảm? (21/02/2012)

>   Ngân hàng nhóm 1 lần lượt công bố (21/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật