Bà Rịa - Vũng Tàu “dời đô”
Đầu quý II/2012, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chuyển toàn bộ trung tâm hành chính- chính trị tỉnh từ TP Vũng Tàu về thị xã Bà Rịa.
Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về chủ trương này
* Phóng viên: Thưa ông, kế hoạch di dời trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh về thị xã Bà Rịa sẽ được tiến hành như thế nào?
- Ông Trần Minh Sanh: Hiện tại, có thể nói hầu hết các hạng mục đã gần hoàn tất, các đơn vị thi công xây lắp đang khẩn trương thực hiện phần còn lại để bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành trong tháng 4-2012. Theo kế hoạch, vào ngày 30-4, tỉnh sẽ tổ chức khánh thành trung tâm hành chính - chính trị mới tại thị xã Bà Rịa.
Sau đó, toàn bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công an tỉnh sẽ tổ chức di chuyển trước. Các cơ quan cấp tỉnh còn lại sẽ tiếp tục di chuyển ngay sau đó. Ban đầu, kế hoạch của chúng tôi là việc di dời sẽ thực hiện vào cuối năm 2011. Tuy nhiên quá trình thi công, mua sắm thiết bị có chậm một chút nên phải kéo dài thêm mấy tháng. Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh cũng đã chuyển sang làm việc ở trụ sở mới tại thị xã Bà Rịa và đi vào hoạt động ổn định, như tòa án, VKSND, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thư viện tỉnh.
* Mục đích của việc “dời đô” này có phải nhằm trả lại sự “trong lành” cho TP du lịch Vũng Tàu? Hay nói cách khác là nó sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế, chính trị tỉnh như thế nào, thưa ông?
- Với lần di dời này, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh sẽ được đặt đúng vị trí quy hoạch là hạt nhân địa lý tỉnh lỵ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện lân cận và cả tỉnh nói chung. Thực ra trong lịch sử, thị xã Bà Rịa có vị trí quan trọng, việc trung tâm hành chính - chính trị lâu nay nằm ở TP Vũng Tàu là do hoàn cảnh lịch sử. Khi thành lập tỉnh năm 1991, việc đóng “đô” ở Vũng Tàu được coi là tạm thời để thừa hưởng cơ sở vật chất từ đặc khu cũ. Đến năm 1993, kế hoạch di dời trung tâm hành chính - chính trị tỉnh được Chính phủ phê duyệt nhưng vì nhiều lý do nên đến nay mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, việc di dời cũng sẽ tạo nên một sự thông thoáng dành riêng cho TP Vũng Tàu để ưu tiên phát triển du lịch và tạo tiền đề để thị xã Bà Rịa nâng cấp lên TP Bà Rịa, trở thành đô thị loại 2 trong thời gian tới.
|
Khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ ngày 30-4. |
* Theo ông, người dân sẽ được hưởng lợi gì khi trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh được tập trung về một mối?
- Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần III; là ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó trung tâm hành chính- chính trị tỉnh sẽ bảo đảm thực hiện tốt chức năng tập trung về một mối, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch hành chính công, liên hệ công tác và các công việc liên quan. Quy hoạch mới trung tâm hành chính - chính trị tỉnh cũng sẽ tạo sự kết nối cơ động giữa các sở, ban, ngành. Một thuận lợi lớn có tính chiến lược như đã nói ở trên là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương lân cận và của cả tỉnh nhà nói chung.
Tuy nhiên, do phần lớn cán bộ, viên chức có nhà ở tại TP Vũng Tàu nên bước đầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt khi làm việc tại thị xã Bà Rịa. Lãnh đạo tỉnh đã gấp rút hoàn thành các dự án nhà ở cho cán bộ, công chức có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thông qua nghị quyết hỗ trợ chi phí đi lại hằng ngày trong thời gian đầu để mọi người yên tâm công tác.
* Như vậy toàn bộ cơ sở hạ tầng tại TP Vũng Tàu sẽ được tỉnh chuyển đổi như thế nào để không lãng phí, thưa ông?
- Tất nhiên chúng tôi sẽ nhanh chóng quy hoạch lại. Về cơ bản không có vướng mắc gì nhiều. Tỉnh sẽ ưu tiên chuyển đổi các cơ sở cũ cho các hoạt động dịch vụ, thương mại, ngân hàng.
Bình Dương cũng “dời đô”
Tỉnh Bình Dương cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm chính trị - hành chính tập trung tại TP mới Bình Dương để đầu năm 2013 lần lượt các cơ quan thuộc hệ thống Đảng, chính quyền cấp tỉnh sẽ dời nơi làm việc từ thị xã Thủ Dầu Một về đây (cách vị trí cũ hơn 7 km). Trung tâm gồm tòa tháp đôi cao 21 tầng, là nơi làm việc của các cơ quan của Đảng, chính quyền và các cơ quan khác như tòa án, VKSND, BHXH, Cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước..., tạo thành quần thể phức hợp được kết nối với các trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư của TP mới.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, với sự tập trung tất cả các loại hình dịch vụ và công nghệ cao, khi đưa vào sử dụng, trung tâm chính trị - hành chính tập trung sẽ tạo bước đột phá cho chính quyền tỉnh trong công cuộc cải cách hành chính, tiến tới một nền hành chính minh bạch, hiện đại.
TP mới Bình Dương rộng 1.000 ha, có vị trí thuận lợi để kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, TPHCM thông qua các trục đường giao thông hiện đại như đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, các đường vành đai của TPHCM, đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đường Mỹ Phước – Tân Vạn…
N.Phú |
XUÂN HOÀNG thực hiện
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|