IMF: Châu Á không đối mặt với rủi ro từ dòng tiền nóng
(Vietstock) – Châu Á không đối mặt với rủi ro từ dòng tiền nóng vì sự chuẩn bị của khu vực này nhằm đương đầu với sự tràn vào của dòng vốn đầu tư tốt hơn so với trước đây.
* IMF: "Khôi phục lòng tin giúp phục hồi kinh tế thế giới"
Đó là nhận định của ông Anoop Singh, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF. Ông nhận định trên CNBC: “Châu Á có kinh nghiệm trong việc xử lý dòng tiền nóng. Khu vực này đang xây dựng các quy định khung để dòng vốn có thể chảy vào các lĩnh vực cần thiết để duy trì tăng trưởng trong trung hạn và tránh được dòng vốn đầu cơ”.
Ông Singh đưa ra nhận định trên trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về dòng vốn đầu cơ đang đổ vào châu Á do các biện pháp thanh khoản được các nước phương Tây công bố thời gian gần đây. Trong 4 tuần đầu tiên của năm 2012, dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào các thị trường mới nổi. Đáng chú ý là trong tuần vừa qua, nhà đầu tư đã đổ 4.4 tỷ USD vào các quỹ cổ phiếu và trái phiếu của khu vực này, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.
Chính nguồn thanh khoản quá mức của các ngân hàng trung ương là nguyên nhân khiến dòng vốn đầu cơ đổ vào châu Á trong hai năm 2009-2010. Tuy nhiên sau đó, một phần dòng vốn này đã bị nhà đầu tư rút về trong năm 2011 và là tác nhân khiến các thị trường ảm đạm.
Ông Singh tin tưởng các nhà chức trách châu Á đã rút ra được bài học sau sự kiện này, từ đó hướng dòng vốn vào các lĩnh vực tăng trưởng bền vững và ngăn chặn sự biến động của các thị trường. Ông nói: “Nhiều khu vực của châu Á vẫn cần thêm vốn đầu tư, nhất là vào các dự án cơ sở hạ tầng. Khi nhà đầu tư trở lại châu Á, tôi cho rằng khu vực này có đủ năng lực để ứng phó với sự tràn vào mạnh mẽ của dòng tiền – đó chính là mục tiêu của các nhà chức trách khu vực”.
Nhận định về các điều kiện kinh tế tại châu Á, ông Singh cho rằng nhìn chung khu vực này vẫn còn linh hoạt trong năm 2012 bất chấp các rủi ro lớn từ bên ngoài, đặc biệt là khủng hoảng nợ Eurozone. Theo ông, dù lĩnh vực xuất khẩu sẽ suy yếu do sự trì trệ của nền kinh tế châu Âu nhưng các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng trong năm nay. Ông nói: “Hoạt động tiêu thụ và đầu tư tại châu Á đang gia tăng, đồng nghĩa với việc tăng trưởng vẫn còn khả quan và tăng trưởng của các thị trường mới nổi khu vực sẽ tiếp tục dẫn đầu”.
Ông nhấn mạnh rằng việc các ngân hàng châu Âu cắt giảm cho vay đối với châu Á do khủng hoảng nợ và các quy định mới về nguồn vốn không còn là một mối lo ngại lớn vì các ngân hàng châu Á và các tổ chức tài chính không phải của châu Âu đang nhảy vào để lấp đầy khoảng trống này.
Bàn về triển vọng kinh tế Trung Quốc, ông cho rằng Bắc Kinh có thể trải qua quá trình “hạ cánh mềm” và đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% trong năm 2012. Ông nói: “Chúng tôi không nhận thấy nguy cơ ‘hạ cánh cứng’ và cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giữ vững trên 8%. Bên cạnh đó, lạm phát tại nước này sẽ hạ nhiệt và các rủi ro của lĩnh vực bất động sản sẽ được giải quyết”.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|